Kinh tế

Ngư dân nỗ lực vươn khơi

06:30, 27/05/2022 (GMT+7)

Giá xăng, dầu không ổn định, thậm chí tăng liên tục trong thời gian qua khiến hoạt động khai thác, đánh bắt của ngư dân gặp khó khăn. Dù vậy, nhiều ngư dân vẫn nỗ lực vươn khơi bám biển, đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Mặc dù giá xăng, dầu tăng nhưng ngư dân vẫn nỗ lực vươn khơi, bám biển. Trong ảnh: Tàu, thuyền xuất bến  âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để đánh bắt hải sản. Ảnh: VĂN HOÀNG
Mặc dù giá xăng, dầu tăng nhưng ngư dân vẫn nỗ lực vươn khơi, bám biển. TRONG ẢNH: Tàu, thuyền xuất bến âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để đánh bắt hải sản. Ảnh: VĂN HOÀNG

Trong kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu vào chiều 23-5, giá xăng tăng vượt mức hơn 30.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu DO 0,05s-II giảm 1.100 đồng/lít, xuống còn 25.550 đồng/lít nhưng vẫn ở mức cao. Ghi nhận tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà), nhiều ngư dân đang bận rộn chuẩn bị nhiên liệu, thực phẩm… cho những chuyến đánh bắt dài ngày trên biển.

Trong tối 25-5, anh Nguyễn Văn Sơn, chủ tàu cá ĐNa 91169 TS (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cùng các bạn thuyền thực hiện chuyến đánh bắt lần thứ 7 trong năm. Để chuẩn bị cho chuyến đi khoảng 15 ngày, tàu của anh cần ít nhất 3.000 lít dầu, tiêu tốn khoảng 75 triệu đồng. “Dù giá dầu tăng, tàu của chúng tôi vẫn phải cố gắng gồng gánh. Nay giá dầu không giảm nhiều nhưng chúng tôi cũng mừng lắm. Hy vọng những lần điều chỉnh đến, giá xăng dầu sẽ giảm để ngư dân tự tin vươn khơi bám biển”, anh Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.

Còn anh Trần Anh Minh (ngư dân đến từ tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, tàu của anh cập bến tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang trong ngày 25-5. Đây là chuyến mở màn sau 2 tháng tàu của anh tạm dừng đánh bắt. Trong chuyến này, sản lượng thủy sản không nhiều như mọi lần, giá bán không cao nên không có lợi nhuận. Khoảng vài ngày nữa, anh sẽ cùng các bạn thuyền ra khơi đánh bắt. Theo anh Minh, nỗi lo lớn nhất của ngư dân hiện nay là chi phí nhiên liệu và giá thủy sản. Nếu giá xăng, dầu leo thang, ngư dân sẽ càng thêm khó, không có lợi nhuận, thậm chí lỗ vốn sau khi trở lại đất liền.

Ông Nguyễn Lại, Phó Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho hay, giá dầu tuy giảm nhưng vẫn còn rất cao, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Dù nhiều tàu thuyền đã trở lại hoạt động đánh bắt song số lượng không nhiều, còn không ít tàu cá neo đậu tại khu vực âu thuyền Thọ Quang, chủ yếu các tàu hoạt động khai thác vùng khơi, xa bờ với các nghề lưới kéo, lưới vây, lưới rê…

Mặc dù giá xăng, dầu tăng nhưng ngư dân vẫn nỗ lực vươn khơi, bám biển. Trong ảnh: Ngư dân đang đưa hải sản lên chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà). Ảnh: VĂN HOÀNG
Mặc dù giá xăng, dầu tăng nhưng ngư dân vẫn nỗ lực vươn khơi, bám biển. TRONG ẢNH: Ngư dân đang đưa hải sản lên chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà). Ảnh: VĂN HOÀNG

Theo thống kê, từ ngày 15 đến 24-5, có 674 tàu cập cảng, 594 tàu rời cảng; sản lượng thủy sản qua cảng là 2.273 tấn. Số liệu này ít hơn so với thời điểm giá xăng, dầu chưa tăng cao. Nguyên nhân chính là do giá xăng, dầu tăng liên tục khiến ngư dân địa phương lo lắng thu không đủ bù chi khi tàu ra khơi. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ hải sản chưa tăng, thị trường xuất khẩu cũng chưa được phục hồi hoàn toàn, chủ yếu là tiêu thụ nội địa. Sản lượng và giá cả hải sản không tăng kết hợp với giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng đến tâm lý của ngư dân, dẫn đến số lượng tàu thuyền vươn khơi còn hạn chế.

“Giá xăng, dầu liên tục biến động khiến nhiều người phải chịu thêm 50-100 triệu đồng cho mỗi chuyến đi biển. Chưa kể các khoản chi phí khác như: lương thực, thực phẩm, nước, tiền trả cho lao động là thuyền viên… tăng theo do giá xăng tăng. Mặc dù giá dầu đã giảm 1.000 đồng/lít nhưng vẫn cao so với trước đây nên việc bám biển của ngư dân gặp nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Lại cho hay.

Theo Hội Nghề cá thành phố, giá xăng, dầu chiếm 40-50% tổng chi phí cho mỗi chuyến đi biển. Giá dầu giảm giúp ngư dân tiết kiệm được phần chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang giảm “nhỏ giọt”, không ổn định nên gây khó khăn cho ngư dân, dẫn đến nhiều tàu còn nằm bờ. Bên cạnh đó, ngư trường khai thác hạn hẹp, sản lượng đánh bắt ngày càng ít, thu nhập sau mỗi chuyến đi biển không nhiều dẫn đến việc tìm lao động đi biển càng khó khăn hơn. Tuy vậy, nhiều ngư dân vẫn nỗ lực tính toán chi phí phù hợp cho mỗi chuyến vươn khơi bám biển, đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đó cũng vì mục đích mưu sinh của hàng ngàn con người đã gắn bó với nghề đi biển qua nhiều thế hệ.

Theo Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, giá thủy sản tăng nhẹ từ 5-7% đối với những loại được bán tại chợ đầu mối và tăng 4-5% đối với những loại cá xuất khẩu, có giá trị cao như: cá ngừ, cá cờ, cá dũa, cá thu… Qua khảo sát, giá cá thu từ 160.000-180.000 đồng/kg; cá chim đen từ 130.000-140.000 đồng/kg; cá ngừ từ 60.000-70.000 đồng/kg, cá hố 140.000-150.000 đồng/kg; mực ống loại 25cm/con là 260.000-280.000 đồng/kg…

VĂN HOÀNG - GIAO THỦY

.