Kinh tế

Những bài học khởi nghiệp

08:39, 04/05/2022 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng vui mừng khi liên tiếp hai startup “made in Đà Nẵng” là Selly và Dat Bike nhận được vốn đầu tư lớn, đánh dấu những cột mốc phát triển quan trọng. Những bài học kinh nghiệm của các nhà sáng lập hai startup này sẽ là vốn tham khảo quý cho các nhà khởi nghiệp trẻ.

Anh Nguyễn Bá Cảnh Sơn, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Dat Bike bên chiếc xe máy điện dòng Weaver 200 do Dat Bike thiết kế và sản xuất. Ảnh: Công ty cung cấp
Anh Nguyễn Bá Cảnh Sơn, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Dat Bike bên chiếc xe máy điện dòng Weaver 200 do Dat Bike thiết kế và sản xuất. Ảnh: Công ty cung cấp

Selly: hãy trả lời 4 câu hỏi

Selly là một trong những startup tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử tương tác cộng đồng (social e-commerce) tại Việt Nam. Với ứng dụng này, người dùng có thể kinh doanh trực tuyến mà không cần bỏ vốn, không phải lo lắng về các vấn đề lưu kho, vận hành… Chính thức thành lập vào tháng 4-2021, đến đầu năm 2022, Selly huy động thành công 2,6 triệu USD (gần 60 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Pre-Series A từ 5 quỹ đầu tư CyberAgent Capital, Do Ventures, Genesia Ventures, JAFCO Asia và KVision. Anh Nguyễn Nam Hải, nhà đồng sáng lập, giám đốc vận hành Công ty TNHH Selly cho biết, hiện Selly đã giúp hơn 300 nhà cung cấp, nhà sản xuất tạo ra doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi tháng; đồng thời kết nối với hơn 300.000 cộng tác viên bán hàng trên khắp cả nước, giúp họ cải thiện thu nhập.

Anh Hải chia sẻ, một trong những bài học mà anh đã nghiệm ra trong quá trình khởi nghiệp với Selly là nguồn lực của mỗi dự án luôn có hạn, nếu cứ làm chỉ để làm thì nguồn lực sẽ nhanh chóng cạn kiệt nhưng dự án vẫn không đi đến đâu. Để tránh rơi vào tình trạng này, anh đặt ra cho bản thân 4 câu hỏi để tự tìm kiếm câu trả lời. Câu hỏi đầu tiên là “Why?” - “Tại sao?”, tại sao anh muốn xây dựng Selly, mục tiêu sau cùng của anh là gì. Một khi đã tự trả lời và đã khẳng định được mục tiêu của mình thì cứ vậy mà làm. Câu hỏi thứ hai là “What?” - “Cái gì?”, cần đặt câu hỏi cần làm cái gì, đó có phải là cái chưa từng có trên thị trường không, nó có tạo ra giá trị gì không, kích cỡ thị trường như thế nào. Anh Hải nói: “Có những cái mình nghĩ rất hay nhưng chỉ phục vụ một nhóm rất nhỏ, vậy nếu đặt lên bàn cân thì có đáng đầu tư nguồn lực để làm hay không? Đó cũng là một câu hỏi cần trả lời”. Câu hỏi thứ ba là “Who?” - “Ai?”, startup không thể đi một mình, mà cần có người đồng hành, họ là ai, ai sẽ hướng dẫn mình, ai sẽ thực hiện các nhiệm vụ hằng ngày, ai sẽ mua sản phẩm hay dịch vụ của mình… Câu hỏi cuối cùng là “How?” - “Như thế nào?”. Khi làm Selly, mình xác định sẽ phải “đốt thuyền”, nghĩa là đặt cược hết mọi thứ vào dự án, không còn suy nghĩ đến cái gì khác. Nếu đã xác định được đâu là bờ và đã có hoa tiêu dẫn đường thì từ từ, thuyền sẽ cập bờ.

Dat Bike: biết lùi lại đúng lúc

Cuối tháng 4, Dat Bike, startup thiết kế và sản xuất xe máy điện từng được ươm tạo tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), công bố gọi vốn thành công 5,3 triệu USD tại vòng Series A. Dẫn đầu vòng rót vốn này là quỹ Jungle Ventures, cùng sự tham gia của quỹ Wavemaker Partners. Như vậy, tổng vốn huy động của công ty kể từ khi thành lập chính thức cán mốc 10 triệu USD. Dat Bike dự định sử dụng khoản đầu tư mới này vào phát triển công nghệ và quy mô sản xuất, mở rộng thị trường ra các thành phố lớn và đô thị loại 1 trên cả nước, đồng thời tuyển dụng những nhân tài hàng đầu. Nhìn lại chặng đường hơn 3 năm khởi nghiệp, anh Nguyễn Bá Cảnh Sơn, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Dat Bike chia sẻ, một trong những “cú hích” giúp anh kiên trì trong những ngày đầu xây dựng dự án chính là việc anh đã tự “định nghĩa” bản thân, xem mình là một người giải quyết bài toán phổ cập xe máy điện ở Đông Nam Á.

Trước khi khởi nghiệp, anh Sơn là một lập trình viên. Vốn là học sinh chuyên tin Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng, sau đó anh nhận bằng thạc sĩ ngành Khoa học máy tính tại Mỹ và trở thành kỹ sư phần mềm tại Thung lũng Silicon (Bắc California, Mỹ). Anh nói: “Khi khởi nghiệp, mình không còn tự bó buộc bản thân vào vai trò một kỹ sư phần mềm nữa mà xem mình là một người giải quyết vấn đề. Mình cũng đi học hàn, học tiện, tự hàn cái bàn làm việc, rồi qua cái xe máy điện đầu tiên…”.

Khi đã thành lập doanh nghiệp, anh Sơn cho rằng điều khó nhất anh học được chính là… không làm gì hết. Anh giải thích, khi có một vấn đề xảy ra trong công ty, bản năng đầu tiên của anh là đứng ra xử lý. Tuy vậy, dần dần, chính điều này khiến anh trở nên quá bận bịu, quá chi tiết, trong khi những thành viên khác trong công ty không có cơ hội để giải quyết vấn đề. Khi công ty ngày càng mở rộng quy mô, việc người đứng đầu luôn đứng ra làm mọi thứ sẽ khiến công ty đi chậm lại, thậm chí người đứng đầu còn có thể trở thành “nút thắt cổ chai” cản trở sự phát triển chung. Anh Sơn chia sẻ, anh đã học cách trao quyền, hướng dẫn những người khác làm việc và… để yên cho người khác làm, thậm chí chấp nhận sẽ có những sai sót để từ đó rút kinh nghiệm. Mọi chuyện có thể sẽ không luôn như mình muốn nhưng mình cần nghĩ theo hướng lâu dài. Bây giờ tất cả các mảng trong công ty đều có nhân sự quản lý cấp cao, chỉ riêng phần sản phẩm thì anh trực tiếp chỉ huy.

PHONG LAN

.