Kinh tế

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thu phí không dừng

13:44, 23/06/2022 (GMT+7)

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 30-6, toàn bộ các trạm thu phí BOT phải hoàn thành lắp thiết bị điện tử tự động thu phí không dừng (ETC); mỗi trạm chỉ để lại 2 làn bên ngoài để xử lý trường hợp khẩn cấp nhưng đến thời điểm này, yêu cầu này không thể đạt được.

Đến ngày 30-6, các trạm BOT không hoàn thành việc lắp thiết bị điện tử tự động thu phí không dừng (ETC) thì sẽ bị dừng thu phí. Trong ảnh: Một trạm thu phí trên quốc lộ 1A. Ảnh: THÀNH LÂN
Đến ngày 30-6, các trạm BOT không hoàn thành việc lắp thiết bị điện tử tự động thu phí không dừng (ETC) thì sẽ bị dừng thu phí. TRONG ẢNH: Một trạm thu phí trên quốc lộ 1A. Ảnh: THÀNH LÂN

Được triển khai từ năm 2015, đến nay, cả nước mới có 113 trạm thu phí đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng; trong đó Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý 69 trạm, địa phương quản lý 44 trạm. Hiện Bộ GTVT thực hiện dán khoảng 3,2 triệu thẻ trên tổng số hơn 4 triệu ô-tô, chiếm 69%, song, hiệu quả thu phí không dừng tại các dự án BOT chưa được phát huy. Mới đây, theo kế hoạch vừa được Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) công bố, từ ngày 31-7, hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng (ETC) sẽ hoàn thành lắp đặt trên 4 tuyến cao tốc là: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Nội Bài - Lào Cai và Thành phố Hồ Chí Minh - Dầu Giây. Như vậy, VEC cũng mới chỉ triển khai được 1/5 tuyến cao tốc có lắp ETC... Một con số còn khá khiêm tốn so với yêu cầu sau 7 năm triển khai thực hiện.

Theo tài xế Nguyễn Tấn Bảo, chủ xe 43C246..., nhiều chủ xe chậm thực hiện sử dụng dịch vụ thu phí không dừng do thời gian đầu, tình trạng lỗi thẻ không dừng xảy ra khá phổ biến. Nhiều xe bị trừ tiền hai lần khi qua trạm, barie không mở mà vẫn trừ tiền, thẻ không tích hợp nếu đi qua trạm của đơn vị cung cấp dịch vụ ETC khác... Ngoài ra, nhiều người giữ thói quen sử dụng tiền mặt, thích dừng xe tại trạm để trả phí.

Cùng quan điểm này, tài xế Mai Văn Phương, chủ xe 43A152... cho rằng, hệ thống ETC vẫn tồn tại một số lỗi, gây bất tiện như: xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền hoặc tài khoản bị trừ tiền hai lần khi qua trạm, thậm chí có xe không lưu thông vẫn bị trừ tiền... Dù vậy, tự động thu phí không dừng vẫn có những mặt tích cực như: tăng thời gian lưu thông, giảm ách tắc tại trạm thu phí, tăng minh bạch, chống gian lận...

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT Bùi Hồng Trung, nhằm đồng hành các chủ xe và tiếp tục triển khai Công điện số 155/CĐ-TTg ngày 22-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai dán thẻ định danh đối với ô-tô sử dụng dịch vụ thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, sở vừa công bố thông tin hai đơn vị để các tổ chức, cá nhân lựa chọn, liên hệ triển khai dán thẻ định danh, gồm: Công ty TNHH thu phí tự động VETC (Thẻ VETC) và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (Thẻ ePass). Ngoài ra, để tăng số phương tiện dán thẻ không dừng, các đơn vị cung cấp dịch vụ đã kết nối tự động tài khoản giao thông với một số ngân hàng lớn và tiến tới liên thông toàn bộ ngân hàng. Tài khoản giao thông hết tiền sẽ được nạp tự động từ ngân hàng với số tiền mà chủ tài khoản đặt.

Hiện Bộ GTVT và các địa phương đã lên kế hoạch, chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm mục tiêu lắp đặt, vận hành các làn thu phí còn lại theo yêu cầu. Ngày 1-6 vừa qua, Bộ GTVT đã thí điểm thu phí không dừng hoàn toàn trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và việc thực hiện khá tốt. Đây là tiền đề để triển khai tốt hơn trong giai đoạn tới.

Được biết, số lượng phương tiện tham gia dán thẻ trong thời gian qua tăng rất khả quan, từ khoảng 1 triệu phương tiện vào thời điểm tháng 10-2021 đến thời điểm này có khoảng 3,2 triệu phương tiện tham gia dịch vụ. Bộ GTVT đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2022, số lượng phương tiện dán thẻ đạt 80-90%.

Thông tin từ Công ty CP Giao thông số Việt Nam cho hay, doanh nghiệp đang tập trung tuyên truyền mạnh đến chủ xe về lợi ích và hiệu quả sử dụng ETC và khi muốn dán thẻ có thể đăng ký online, sẽ có nhân viên đến dán. Cùng với đó, hệ thống thanh toán đa kênh từ trực tiếp, ngân hàng, ví điện tử, các giao dịch được trừ công khai, minh bạch đến người dân, chủ xe...

Ngày 9-6, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Nếu đến ngày 30-6, các trạm BOT không hoàn thành, chúng tôi sẽ cho dừng thu phí để tập trung làm, khi làm xong sẽ cho thu phí lại”. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, thu phí không dừng là công nghệ mới, được ứng dụng để giúp việc đi lại của người dân thuận lợi và việc nộp thuế phí được công khai, minh bạch. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã triển khai ứng dụng công nghệ này từ năm 2015, tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp nhiều vướng mắc, do thói quen của người dân, việc vận hành gặp một số sơ suất kỹ thuật.

THÀNH LÂN

.