Kinh tế

Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022: Cơ hội để Đà Nẵng tăng tốc, mở rộng các đường bay

06:37, 06/06/2022 (GMT+7)

Từ ngày 4 đến 8-6, tại Đà Nẵng diễn ra nhiều hoạt động kết nối các đại biểu, đối tác, doanh nghiệp từ các hãng hàng không, sân bay, điểm đến và nhà cung ứng của ngành hàng không… trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á (Routes Asia 2022).

Ngành du lịch Đà Nẵng đón tiếp và hỗ trợ đại biểu quốc tế đến tham dự sự kiện tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ
Ngành du lịch Đà Nẵng đón tiếp và hỗ trợ đại biểu quốc tế đến tham dự sự kiện tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

Kỳ vọng sớm mở thêm các đường bay mới

Trong hai ngày 4 và 5-6, tiếp và làm việc với đoàn của hãng hàng không Indigo (Ấn Độ) và đoàn Informa Routes, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn hoan nghênh chào đón các đại biểu đến tham gia sự kiện tại Đà Nẵng và bày tỏ mong muốn thông qua cuộc gặp gỡ với hãng hàng không Indigo ngoài việc kết nối trong lĩnh vực hàng không, du lịch còn có sự kết nối với các doanh nghiệp của Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ cao. Thành phố cam kết sẽ hỗ trợ tối đa hợp tác giữa các doanh nghiệp trong hoạt động lữ hành, du lịch, hàng không, kết nối các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, logistics của Đà Nẵng…; đồng thời, mong rằng sau sự kiện diễn đàn, hãng hàng không Indigo sẽ có đường bay thẳng đến Đà Nẵng.

Trao đổi với đại diện Informa Routes, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn cảm ơn công ty đã chọn Đà Nẵng là địa điểm đăng cai sự kiện. Đây là sự kiện mới không chỉ đối với Đà Nẵng mà với cả Việt Nam, tạo điều kiện cho Đà Nẵng kết nối khôi phục các đường bay đã có trước đây và hướng đến tiếp cận, mở thêm các đường bay mới. Thành phố đã huy động các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động bên lề để tạo chuỗi hoạt động đặc sắc cho diễn đàn, bảo đảm tổ chức thành công sự kiện này và mong muốn sau sự kiện này phía Informa Routes sẽ có các sự kiện lớn hơn như “Diễn đàn Phát triển đường bay thế giới” được tổ chức tại Đà Nẵng.

Các đối tác đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng. Ông Rajat Kumar, Phó Chủ tịch hoạch định mạng lưới đường bay hãng hàng không Indigo hy vọng tới đây sẽ thiết lập được đường bay chính thức tới Đà Nẵng. Ông Rajat Kumar cho biết, các doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm lớn tới thị trường Việt Nam và ông đã trao đổi với các đối tác của Đà Nẵng, một số đối tác phụ trách về thương mại - đầu tư của Ấn Độ.

Trong vài ngày tới, hãng muốn được trao đổi chặt chẽ hơn với thành phố, cập nhật thêm các thông tin chung, cơ hội đầu tư và phát triển tại Đà Nẵng, nhất là tiềm năng phát triển du lịch MICE và du lịch dành cho đám cưới của các tỷ phú Ấn Độ. Trong khi đó, ông Steven Mall, Giám đốc thương hiệu Informa Routes cho hay, qua sự kiện này, Informa Routes mang cộng đồng hàng không đến Đà Nẵng, đây là cơ hội vàng để Đà Nẵng tăng tốc phát triển mở rộng các mạng lưới bay; là đòn bẩy, động lực để phát triển thành phố trong tương lai. Những ngày tới, hy vọng sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ, các mối quan hệ được thiết lập, tạo ra các cơ hội tuyệt vời để các đại biểu tham dự hiểu rõ hơn về tiềm năng, thế mạnh của Đà Nẵng.

Các đại biểu quốc tế trao đổi bên lề Diễn đàn “Đà Nẵng - điểm đến tiềm năng châu Á” do UBND thành phố tổ chức chiều 5-6. Ảnh: THU HÀ
Các đại biểu quốc tế trao đổi bên lề Diễn đàn “Đà Nẵng - điểm đến tiềm năng châu Á” do UBND thành phố tổ chức chiều 5-6. Ảnh: THU HÀ

Đà Nẵng - điểm đến tiềm năng châu Á

Với mong muốn quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của thành phố trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ, logistics; giới thiệu năng lực hạ tầng của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng tới các đại biểu, UBND thành phố đã tổ chức diễn đàn “Đà Nẵng - điểm đến tiềm năng châu Á” với sự tham gia của 80 đại biểu trong nước và quốc tế là đại diện các hãng hàng không, đơn vị lữ hành quốc tế, hiệp hội du lịch.

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn nhấn mạnh, diễn đàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thành phố đang triển khai các giải pháp đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đà Nẵng - một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm du lịch, thương mại và giao dịch quốc tế lớn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Quy mô và trình độ nền kinh tế thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2019 (trước khi bị tác động tiêu cực của Covid-19) bình quân 7,71%/năm.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố có những bước tích cực, du lịch đã có những dấu hiệu phục hồi khá tốt, đến nay, Đà Nẵng đã kết nối với 6 hãng hàng không mở lại 4 đường bay quốc tế trực tiếp đến thành phố. Hiện Đà Nẵng nỗ lực phát triển 3 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển và chú trọng 5 lĩnh vực mũi nhọn.

Sắp tới, thành phố sẽ trình Trung ương xem xét đề án “Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực”. Đồng thời, Chính phủ đã cho chủ trương thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; cho phép thành phố nghiên cứu Đề án hình thành khu phi thuế quan, nghiên cứu phát triển Đại học Đà Nẵng thành đại học quốc gia, nâng cấp nhà ga hành khách T1, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng... Đây là những cơ hội và là động lực mới cho thành phố phấn đấu thực hiện.

Tại diễn đàn, các diễn giả trình bày các tham luận giới thiệu tiềm năng của ngành du lịch Đà Nẵng; quy hoạch các trung tâm logistics trên địa bàn thành phố; năng lực hạ tầng của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng từ năm 2021 đến năm 2030; các dự án kêu gọi đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ như: trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa máy bay; trường đào tạo phi công và kỹ thuật hàng không... của Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp...

* Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch: Phấn đấu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ chất lượng cao

Đà Nẵng đã và đang trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và tuyệt vời tại châu Á cũng như thế giới. Cụ thể, lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2010-1019 tăng cao với tốc độ bình quân 19,34%/năm; trong đó, tốc độ tăng bình quân lượng khách quốc tế đạt 28,45%/năm. Đà Nẵng sẽ triển khai 5 nhóm giải pháp trong thời gian tới gồm: cơ cấu lại nguồn lực đầu tư và hạ tầng, sản phẩm du lịch có chiều sâu, tạo sản phẩm đẳng cấp khác biệt; tiếp tục giữ gìn môi trường an toàn, thân thiện, mến khách. Mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và Đông Nam Á. Tốc độ bình quân tăng trưởng khách do cơ sở lưu trú phục vụ dự kiến đạt 17,63%/năm trong giai đoạn 2021-2030.

* Ông Đặng Nam Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải: Hình thành 5 trung tâm logistics chính

Đà Nẵng sẽ hình thành 5 trung tâm logistics chính, bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đồng thời sẽ phát triển các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác có vai trò hỗ trợ các trung tâm logistics tập trung, đồng thời thu gom phân phối hàng hóa phục vụ thành phố và các tỉnh lân cận, quy mô đến năm 2030 đạt 26ha, đến năm 2045 đạt 68ha. Các trung tâm logistics được bố trí theo thực tế nhu cầu và điều kiện quỹ đất của thành phố tại các địa điểm thuận tiện giao thông và gần các đầu mối sản xuất tiêu thụ hàng hóa… Trong tương lai, Đà Nẵng đáp ứng được điều kiện cần và đủ thúc đẩy dịch vụ kho bãi container hỗ trợ vận tải biển và vận tải đường bộ, đường thủy, tạo sức lan tỏa cho toàn khu vực, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung.

* Ông Nguyễn Đăng Minh, Trưởng ban Kinh doanh, phát triển thị trường, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV): Đưa Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng trở thành một trong những cảng lớn nhất Việt Nam

Với 2 nhà ga hành khách và nhà ga hàng hóa, công suất phục vụ của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng khoảng15 triệu lượt khách/năm và 18.000 tấn hàng hóa/năm. Thời gian tới, ACV sẽ khai thác hiệu quả sân bay cũng như tiếp tục tập trung đầu tư phát triển một số dự án quan trọng như: nhà ga hàng hóa với công suất 100.000 tấn/năm và có khả năng mở rộng lên 150.000 tấn/năm, diện tích sử dụng đất 2,68 ha. Dự kiến khởi công vào năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024, đạt mục tiêu trở thành 1 trong 3 trung tâm logistics hàng không chuyên dụng tại Việt Nam. Nhà ga hành khách T3 với công suất 15 triệu hành khách/năm, dự kiến khởi công trong giai đoạn 2025-2030. Đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam, một trong những sân bay và điểm đến hấp dẫn của khu vực châu Á.

* Ông Phillip Nguyễn, Tổng Giám đốc IPP Travel Retails: Đà Nẵng hội tụ đủ các tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư

Đà Nẵng là một trong những điểm đến nổi tiểng cho du lịch MICE, du lịch sự kiện, hội tụ đủ các tiềm năng về giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng mà IPP Travel Retails muốn giới thiệu với các đối tác quốc tế thông qua sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022. Bên cạnh du lịch, Đà Nẵng còn có lợi thế về dịch vụ, hậu cần, logistics… do đó rất thuận lợi cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm mở rộng thị trường để đầu tư, mở các đường bay mới.

THU HÀ

.