Liên tục nhiều ngày qua, thời tiết tại thành phố Đà Nẵng trở nên oi bức, nắng nóng gay gắt, nền nhiệt phổ biến từ 38 đến 40 độ C. Vào buổi trưa, nhiệt độ ngoài trời tăng cao khiến nhiều người không dám ra đường hoặc phải mặc trang phục chống nắng kín mít khi ra khỏi nhà. Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân không ngừng tăng cao, điện tiêu thụ cũng đang “nóng” lên theo nhiệt độ của thời tiết.
Công nhân điện lực làm việc dưới thời tiết nắng nóng. |
Trời nóng điện càng “nóng”
“Trời nắng quá, ra ngoài đi chơi cũng rất mệt nên ban ngày em hay ở nhà hoặc qua nhà bạn chơi thôi, chiều tối mát mới đi tắm biển, tụ tập với bạn bè”, em Phương Thảo, học sinh Trường Hòa Vang chia sẻ.
“Căn hộ của tôi ở hướng Tây, bắt đầu từ 11 giờ trưa ánh nắng trực tiếp rọi vào nhà cho đến chiều tối nên gia đình tôi phải thường xuyên bật điều hòa từ sáng đến tối, chớ không chịu nổi cái nóng của mùa này”, chị Trần Thị Thúy, cư dân ở Chung cư Quang Nguyễn đường Nguyễn Hữu Thọ cho biết.
Còn đối với bác Lê Thị Công, 75 tuổi đường Ngô Thế Vinh, phường Hòa Thuận Tây: “Năm nay nắng nóng trễ hơn năm ngoái nhưng lại rất gay gắt, khí trời cũng hầm hập, người già như tôi cảm thấy rất mệt. Bình thường vợ chồng tôi không thích nằm điều hòa, mà nắng nóng khó chịu quá phải bật điều hòa mới ngủ được”.
Không riêng Đà Nẵng, cả miền Trung những ngày này đang hứng chịu cái nóng như “chảo lửa”, sản lượng điện tiêu thụ hằng ngày cũng vì thế không ngừng tăng cao. Trong hai ngày 20 và 21-6, Công ty Điện lực Đà Nẵng ghi nhận công suất đỉnh đạt mức 545MW, tăng gần 10% so với tuần trước; sản lượng điện đạt gần 11,5 triệu kWh, tăng gần 15% so với mức trung bình điện tiêu thụ của tuần trước, đây là mức tiêu thụ điện đạt ngưỡng cao nhất từ đầu năm đến nay.
Điều này cũng dễ hiểu khi nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa, tủ lạnh, quạt gió… của người dân để “chống nóng” là bức thiết. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện do phải vận hành đầy tải, quá tải. Còn đối với các gia đình, nhu cầu sử dụng điện liên tục sẽ ảnh hưởng đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị, tiềm ẩn nguy cơ sự cố điện, nhảy aptomat, thậm chí cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm.
Công nhân điện “vượt nắng” để cấp điện liên tục
Mồ hôi ướt sũng bộ đồ màu cam, khẩu trang bịt kín mít chỉ chừa lại hai con mắt, anh Trần Đức - công nhân Đội QLVH đường dây và TBA Điện lực Hòa Vang cho biết: “Để tránh nóng, Điện lực đã bố trí cho anh em công nhân bắt đầu làm việc từ 5-6 giờ sáng đến khoảng 10 giờ trưa - thời điểm nắng nóng cao điểm thì chúng tôi nghỉ và đến 14 giờ thì lại tiếp tục công việc. Dù vậy, trong lúc làm việc anh em cũng phải tiếp nước liên tục, sáng giờ mới mấy tiếng mà tôi đã uống hết hai bình rồi”.
Anh Trần Đức - công nhân Đội QLVH đường dây và TBA Điện lực Hòa Vang tiếp nước để tiếp tục công việc dưới thời tiết nắng nóng trên 38 độ C. |
Dưới cái nắng như “đổ lửa”, công nhân ngành điện đã dùng nhiều cách “chống chịu” để hoàn thành công tác được giao, đảm bảo nguồn điện liên tục phục vụ nhu cầu của khách hàng. Ngoài trang cụ bảo hộ lao động, khẩu trang bằng vải cách nhiệt, kính mát, nón rộng vành… là vật “bất ly thân” của anh em công nhân khi làm việc dưới thời tiết nắng nóng. “Những ngày này, nếu nhiệt độ ngoài trời khoảng 38-40 độ C, thì nhiệt độ các thiết bị trên trụ sẽ tăng lên gấp nhiều lần, đụng vào có khi bỏng tay. Nên khi thao tác trên lưới anh em phải thật cẩn thận, tỉ mỉ để không làm ảnh hưởng đến tiến độ của công việc”, anh Trần Đức cho biết thêm. Giữa cái nắng hầm hập, rất nhiều những công việc như cân pha, chuyển tải, nâng công suất, thay dây… đã được các anh xử lý, hoàn thiện, để giữ dòng điện liên tục chảy trôi.
Ngoài những công việc kể trên, ngành điện cũng đã cử nhiều nhóm công tác kiểm tra thường xuyên nhiệt độ của các thiết bị, đường dây, trạm biến áp… để kịp thời phát hiện các nguy cơ gây quá tải cục bộ do nhu cầu dùng điện tăng cao của người dân. Trên cơ sở đó, nhanh chóng lên kế hoạch hoán chuyển, nâng công suất đảm bảo lưới điện vận hành an toàn.
“Bên cạnh việc thường xuyên tuần canh, kiểm tra lưới điện, PC Đà Nẵng cũng tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại như vệ sinh cách điện hotline, sửa chữa nóng lưới điện, máy biến áp lưu động… hạn chế tối đa việc mất điện khi thi công làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân”, ông Nguyễn Đình Tuân, Phó Giám đốc PC Đà Nẵng cho biết.
Người dân chủ động kiểm soát lượng điện tiêu thụ
Nắng nóng cao điểm cũng làm tăng nguy cơ chạm chập thiết bị điện trong gia đình. Mới đây, ngày 20-6, Điện lực Liên Chiểu (PC Đà Nẵng) đã phát hiện và xử lý kịp thời trường hợp sản lượng điện tăng bất thường của khách hàng N.T.H (tổ 90 Đa Phước, phường Hòa Khánh Bắc,) có sản lượng tăng gấp 20 lần so với mức sử dụng bình quân hằng ngày. Sau khi cùng với khách hàng kiểm tra các thiết bị điện và đường dây sau công-tơ, công nhân điện lực đã phát hiện dây sau công-tơ bị chạm chập vào mái tôn dẫn đến rò rỉ điện. Đây cũng chính là nguyên nhân làm sản lượng điện tăng đột biến.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay PC Đà Nẵng đã phát hiện và kịp thời xử lý 39 trường hợp rò rỉ, chạm chập sau công-tơ, góp phần đảm bảo an toàn sử dụng điện, giảm tổn thất tiền điện của nhân dân, khách hàng.
Để nhân dân chủ động trong việc tiêu thụ điện, nhất là vào thời điểm nắng nóng như hiện nay, ngành điện thành phố đã “trao” đến cho khách hàng công cụ kiểm soát chỉ số điện hằng ngày tại địa chỉ https://pcdn.cpc.vn/tracuu. Với ứng dụng này, khách hàng hoàn toàn có thể biết được tiền điện sử dụng hằng ngày của gia đình (tạm tính) để điều chỉnh mức tiêu thụ phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả. Ngoài ra, trong trường hợp có nghi vấn về sản lượng điện tăng bất thường hay phát hiện rò rỉ điện, khách hàng liên hệ Tổng đài CSKH Điện lực miền Trung 19001909 sẽ được nhân viên điện lực giải đáp cụ thể, thấu đáo 24/7.
Hà Chi