Phát triển du lịch sinh thái, xây dựng điểm đến xanh

Bài cuối: Bảo đảm phát triển bền vững

.

Du lịch sinh thái ở nông thôn đang là xu hướng rất được quan tâm đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, góp phần hình thành, xây dựng điểm đến xanh.

Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để khai thác loại hình du lịch sinh thái. Trong ảnh: Bờ bãi ven sông Cu Đê (thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) là nơi được yêu thích của người dân thành phố. Ảnh: H.H
Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để khai thác loại hình du lịch sinh thái. TRONG ẢNH: Bờ bãi ven sông Cu Đê (thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) là nơi được yêu thích của người dân thành phố. Ảnh: H.H

Sớm hướng dẫn, tạo điều kiện phát triển

Ông Đinh Văn Như, chủ homestay Alăng Như cho rằng, từ khi có khách du lịch đến, đời sống của người dân có nhiều thay đổi, kích thích việc tăng gia sản xuất như: trồng cây ăn quả, nuôi thêm gia cầm, gia súc... để bán cho du khách, tạo thêm thu nhập, công ăn việc làm. Người dân mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện về thủ tục, giấy tờ để có cơ sở làm du lịch một cách bền vững, nhằm xóa nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp sẽ trở thành một trong những trụ cột về sản phẩm cho điểm đến Đà Nẵng, đặc biệt là sau Covid-19, nhu cầu của du khách đang hướng mạnh về phía các sản phẩm gần gũi với thiên nhiên, sản phẩm gia tăng trải nghiệm, đồng sáng tạo... Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để khai thác loại hình du lịch này nhưng hiện mới ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Vì vậy, để khai thác hiệu quả, thành phố cần nhanh chóng quy hoạch phát triển một cách bài bản; hình thành các khung pháp lý tương ứng để có thể sớm phát triển loại hình du lịch này. Đồng thời thành phố sớm kiểm tra rà soát các cơ sở đã hình thành và đang khai thác; hướng dẫn người dân, các nhà đầu tư thực hiện đúng theo định hướng của thành phố và của địa phương, tạo điều kiện cho họ tham gia vào các đề án đang triển khai, các định hướng quy hoạch loại hình du lịch này của thành phố. Bên cạnh đó, cần ban hành các tiêu chuẩn và điều kiện tổ chức loại hình du lịch này...

Tại Báo cáo số 158/BC-UBND ngày 11-5-2022, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Du lịch hỗ trợ lập quy hoạch phát triển du lịch tại địa phương một cách bài bản, khoa học, định hướng phát triển bền vững trong thời gian đến. Hiện nay, UBND huyện Hòa Vang đã tiếp nhận 36 hồ sơ đăng ký tham gia thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố. Trong đó, tại xã Hòa Bắc có 14 hồ sơ, xã Hòa Phú 8 hồ sơ, xã Hòa Ninh có 6 hồ sơ, xã Hòa Khương 2 hồ sơ, xã Hòa Phong 1 hồ sơ, xã Hòa Nhơn 1 hồ sơ và xã Hòa Liên 4 hồ sơ.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Quang Vinh thông tin, Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố chỉ cho phép thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang với chỉ 15 mô hình, thí điểm mà thôi. Trong và sau quá trình thí điểm, mục đích sử dụng đất vẫn là đất nông nghiệp, không phải chuyển mục đích sử dụng sang loại đất khác. Việc thí điểm cũng chỉ cho phép người dân bản địa thực hiện, không cho phép người từ dưới phố lên hoặc người dân từ các nơi khác về mua đất nông nghiệp để khai thác dịch vu, du lịch trên đất nông nghiệp.

“Việc xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp để thực hiện thí điểm phải là các công trình tạm, mang tính chất lắp, ghép, không cho phép xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp. Đối với các công trình xây dựng phục vụ khai thác dịch vụ, du lịch trên đất nông nghiệp hiện nay ở huyện Hòa Vang, chúng tôi đã kiến nghị UBND huyện Hòa Vang rà soát. Trường hợp nào không phù hợp thì buộc phải xử lý, tháo dỡ. Trường hợp nào phù hợp với Nghị quyết số 82/NQ-HĐND thì yêu cầu người dân lập các thủ tục để thực hiện cho đúng. Trường hợp nào chưa đủ điều kiện thì người dân liên doanh, liên kết với các hộ liền kề để bảo đảm quy mô (diện tích đất, mặt nước, rừng), điều kiện theo khuôn khổ của Nghị quyết số 82/NQ-HĐND”, ông Nguyễn Quang Vinh nói.

Hình thành sản phẩm du lịch xanh

Du lịch nông thôn gồm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp sẽ góp phần hình thành điểm đến du lịch xanh. PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, xây dựng du lịch xanh có ý nghĩa rất quan trọng để thu hút khách. Điểm đến du lịch xanh phải gắn với các sản phẩm du lịch đặc thù và khác biệt. Yếu tố xanh và khác biệt sẽ tạo lợi thế cạnh tranh giữa điểm đến du lịch trong bối cảnh hiện nay, khi xu thế về nhu cầu khám phá, trải nghiệm đã thay đổi nhiều. Xây dựng điểm đến du lịch xanh và khác biệt chính là yếu tố thắng lợi trong phát triển du lịch.

Ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch V.E.I (Đà Nẵng) nhìn nhận, trong tương lai, xu hướng du lịch trải nghiệm, trekking, cắm trại sẽ phát triển theo thị hiếu và nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, để khai thác được sản phẩm này thì phải hình thành, thiết kế được sản phẩm tour hoàn thiện các điểm đi, điểm đến. Có thể kết hợp thành tour đi bộ trong rừng, trải nghiệm ẩm thực, tour chèo thuyền, đi xe đạp, hoặc tour từ đường thủy… Thông qua các điểm dừng chân, tùy vào tuyến có thể xây dựng các tour đi về trong ngày hoặc 2 ngày 1 đêm. Quan trọng phải có sự kết nối giữa các bên và tạo được tour hoàn chỉnh, có như vậy mới thực sự trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Để có hướng đi mở cho các hộ gia đình, doanh nghiệp khai thác các sản phẩm liên quan đến du lịch nông thôn trên địa bàn huyện Hòa Vang, ông Cao Trí Dũng đặt vấn đề thành phố cần nhanh chóng công bố quy hoạch chuyên đề về phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp; hình thành các khung pháp lý chặt chẽ cho việc phát triển loại hình này; hướng dẫn các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng triển khai thực hiện theo quy định chung; định hướng hình thành thêm các sản phẩm liên quan đến loại hình này như: leo núi, đi bộ, xe đạp địa hình, chèo thuyền kayak, cắm trại, check-in, ẩm thực địa phương... Ngoài ra cũng cần quan tâm đến sinh kế của cộng đồng địa phương, tạo thu nhập, việc làm, tăng sức mua sản phẩm điểm đến để có thể phát triển bền vững loại hình du lịch này.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân cho hay, phòng sẽ tham mưu UBND huyện thực hiện tốt việc khai thác lợi thế nông nghiệp, nông thôn để phát triển du lịch với các bước đi phù hợp, đúng các quy định hiện nay. Huyện Hòa Vang sẽ tiếp tục khai thác, phát huy những giá trị, tiềm năng của du lịch đi đôi với giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa; thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch giữa các xã Hòa Bắc - Hòa Phú - Hòa Ninh và các địa phương trong thành phố, hướng đến liên kết với các điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng trong khu vực miền Trung; cùng nhau xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh Hòa Vang... Trong phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Sở Du lịch phối hợp UBND các quận, huyện hỗ trợ phát triển các tour du lịch leo núi (trekking) tại xã Hòa Bắc; triển khai Đề án thực hiện thí điểm phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản kết hợp khai thác du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện Hòa Vang...

Với những định hướng, giải pháp đang thực hiện, du lịch sinh thái nông thôn hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòa Vang và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của thành phố trong những năm đến. 

HOÀNG HIỆP - THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.