Kinh tế
Doanh nghiệp bán lẻ chung tay bình ổn thị trường
Dù chịu áp lực về yêu cầu tăng giá từ các nhà cung cấp nhưng nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang tìm các giải pháp để bình ổn thị trường hàng hóa trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao; đồng thời khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cố gắng giữ mức giá bình ổn để thu hút người tiêu dùng. TRONG ẢNH: Khách mua hàng tại siêu thị MM Mega Market. Ảnh: Q. TRANG |
Nhiều hệ thống siêu thị lớn khẳng định đang đàm phán với nhà cung cấp hàng hóa để giữ mức giá bình ổn... Bên cạnh đó, nhiều đơn vị bán lẻ còn chủ động lên các chương trình khuyến mại, giảm giá một số mặt hàng để tăng sức mua. Tại siêu thị MM Mega Market diễn ra chương trình khuyến mãi “Sinh nhật to, khuyến mại lớn” với nhiều mặt hàng giảm giá tới 50%, mua 2 tính tiền 1, tập trung vào các mặt hàng thương hiệu riêng của MM, các nhóm hàng thực phẩm thiết yếu và đồ gia dụng. Ngoài ra, siêu thị cũng sắp triển khai chương trình khuyến mãi mua 1 tặng 1, mua nhiều lợi nhiều, nhân 5 lần điểm tích lũy trên ứng dụng MCard...
Tại siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng, nhiều mặt hàng thiết yếu đang có mức khuyến mãi cao như dầu ăn, nước mắm, gia vị, gạo, sữa… Cụ thể, dòng gạo thơm vàng Neptune giảm 47%, dầu gạo lứt Simply (loại 2 lít) được khuyến mãi mua 1 tặng 1… Bộ phận truyền thông của hệ thống siêu thị Lotte Mart cho biết, hệ thống đang tiến hành thương lượng kéo dài thời gian áp dụng giá mới với các nhà cung cấp; đồng thời tận dụng nguồn hàng dự trữ để duy trì được mức giá cũ lâu nhất có thể cho người tiêu dùng. Ngoài tăng lượng hàng dự trữ, hệ thống còn chấp nhận giảm lợi nhuận để phối hợp nhà cung cấp tăng cường các chương trình khuyến mãi từ 10-20% cho những mặt hàng thiết yếu có mức tăng giá cao.
Còn đại diện hệ thống siêu thị WinMart+ thông tin, giá xăng leo thang dẫn đến biến động chung trong toàn thị trường, giá các mặt hàng trong hệ thống bán lẻ WinMart+ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do áp lực từ các nhà cung cấp. Thực tế, việc điều chỉnh giá nhiều nhất ở các sản phẩm dầu ăn, còn các mặt hàng khác có sự biến động không đáng kể như thủy hải sản, thực phẩm khô tăng khoảng 5%. Hệ thống vẫn duy trì đàm phán, phối hợp các đối tác nhằm nỗ lực kìm giá như làm việc với các nhà cung cấp địa phương để thu mua sản phẩm trực tiếp với giá tốt, cắt giảm các chi phí trung gian không cần thiết. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động cam kết thu mua với số lượng lớn để tạo đầu ra ổn định cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp và giữ giá cả ổn định đến tay khách hàng.
“Đặc biệt, chúng tôi đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá định kỳ 2 lần/tháng trên hàng trăm mặt hàng thiết yếu cho khách hàng, với mong muốn hỗ trợ người tiêu dùng an tâm mua sắm trong giai đoạn biến động giá này. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương trên cả nước tổ chức những tuần hàng nông sản với nhiều khuyến mại nhằm quảng bá đặc sản vùng miền”, vị đại diện này cho biết.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cố gắng giữ mức giá bình ổn để thu hút người tiêu dùng. TRONG ẢNH: Khách mua hàng tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Theo tiến sĩ Võ Quang Trí, Trưởng khoa Thương mại điện tử, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) thời gian tới, lạm phát còn diễn biến phức tạp. Hiện tại, lạm phát có thể do cả 3 yếu tố thúc đẩy gồm cầu kéo (do khôi phục nhu cầu dịch vụ, đi lại, tiêu dùng sau dịch bệnh), cung đẩy (do chi phí đầu vào tăng, đặc biệt là giá nhiên liệu, nguyên vật liệu nhập khẩu...) cũng như nội tại (tăng lương thu hút công nhân lao động, tăng lương bảo đảm đời sống...). Ngoài ra, các chính sách điều tiết thương mại, xuất nhập khẩu cũng là yếu tố bất ổn cho giá tiêu dùng trong nước, đặc biệt là ảnh hưởng của nhập khẩu lạm phát trên thế giới vào Việt Nam. Vì vậy, bài toán kìm giữ lạm phát nhưng đồng thời thúc đẩy kinh tế hồi phục đang rất khó khăn, đòi hỏi cần tính toán và xem xét cẩn trọng.
“Sự trợ lực của nhà bán lẻ trong thời điểm này rất quan trọng. Các doanh nghiệp bán lẻ nên có những chuyển dịch linh hoạt để thích nghi với các áp lực này. Một trong những chuyển dịch nên tính đến là việc nghiên cứu để tối ưu hóa hoạt động, cắt giảm chi phí bù vào sự tăng giá hàng hóa đầu vào. Có thể cân nhắc đa dạng hóa thêm các nhà cung cấp để tìm kiếm các nguồn hàng ít chịu ảnh hưởng của giá vận tải. Ngoài ra, các chuỗi bán lẻ, tùy theo quy mô và đặc điểm của mình thực hiện các chính sách kích cầu khối lượng (giảm giá khi mua khối lượng lớn) để kích thích tiêu thụ đồng thời tăng vòng quay hàng hóa, tăng hiệu quả và lợi nhuận”, tiến sĩ Võ Quang Trí đề xuất.
Một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế là kích cầu tiêu dùng nội địa. Người dân chi tiêu nhiều hơn thì doanh nghiệp mới bán được hàng, phục hồi nhanh chóng sản xuất. Tuy nhiên, với những biến động về giá cả như hiện nay, các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp cần có cách ứng xử phù hợp, vừa tránh cú sốc cho thị trường nhưng vẫn bảo đảm doanh nghiệp an tâm sản xuất để phát triển.
QUỲNH TRANG