Kinh tế
Đòn bẩy hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế
Nhờ các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn thành phố có thêm điều kiện để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh; qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, vươn lên làm giàu.
Nhờ tận dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều mô hình sản xuất của nông dân góp phần cải thiện đời sống hội viên. TRONG ẢNH: Mô hình trồng nấm của ông Đinh Văn Hòa tại phường An Khê, quận Thanh Khê. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Ông Đinh Văn Hòa (phường An Khê, quận Thanh Khê) đã cùng các hội viên nông dân khác trên địa bàn thành lập Chi hội nghề nấm An Khê. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông Hòa cùng các thành viên trong chi hội mạnh dạn vay vốn, đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất. Tính đến nay, ông Hòa đã 2 lần vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay, mỗi năm, gia đình ông Hòa thu nhập khoảng 120 triệu đồng từ nghề trồng nấm; từ đó có thêm vốn xoay vòng để tái sản xuất. Với diện tích sản xuất khoảng 1.000m2, mỗi tháng ông Hòa cung ứng cho thị trường 70-80kg nấm các loại như nấm sò trắng, nấm sò tím, mộc nhĩ… và 2 tạ nấm linh chi khô/vụ.
Tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, ông Hồ Như Liệu sau thời gian làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại nước ngoài, năm 2020, ông lại về khởi nghiệp tại mảnh đất trống trên địa bàn phường. Từ diện tích 500m2 ban đầu, ông Liệu đầu tư hệ thống tưới và nhà lưới để thực hiện mô hình trồng rau sạch công nghệ cao.
Đến năm 2021, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân phường Hòa Phát, ông vay 100 triệu từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội để nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất từ 500m2 lên 2.000m2. Mỗi ngày, vườn rau “An An Phát Garden” của ông Liệu cung cấp hơn 100kg rau, củ các loại cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, chợ và khách sỉ trên các sàn thương mại điện tử. Sau khi trừ các khoản chi phí nhân công, giống, vật tư…, mô hình trồng rau của ông Liệu mang lại lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng/năm.
“Điều kiện vay vốn dễ dàng, lãi suất ưu đãi, thời gian trả dài hạn là những yếu tố giúp cho chúng tôi khôi phục và phát triển kinh tế. Thời gian đến, tôi sẽ tiếp tục mở rộng và xây dựng thương hiệu rau sạch, giải quyết việc làm cho lao động địa phương”, ông Liệu chia sẻ.
Theo Hội Nông dân quận Cẩm Lệ, trong 6 tháng đầu năm, hội phối hợp giải ngân gần 21,6 tỷ đồng, trong đó thực hiện giải ngân 2,1 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 47 hộ vay; tổng dư nợ gần 9,96 tỷ đồng với 265 hộ vay vốn (tính đến cuối tháng 6-2022). Đối với nguồn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hội đã phối hợp giải ngân cho 315 hộ vay với tổng số tiền là gần 19,5 tỷ đồng… Hội còn phối hợp, tận dụng và kết nối nhiều nguồn lực từ sở, ban, ngành để hỗ trợ nông dân trên địa bàn sản xuất, tạo thu nhập ổn định và phát huy hiệu quả của các nguồn vốn vay ưu đãi cho nông dân; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, vật tư, nguyên liệu đầu vào, cơ giới hóa quy trình sản xuất.
Ngoài ra, hội còn phối hợp với các địa phương, tạo điều kiện cho nông dân khai thác các khu đất trống chưa sử dụng trên địa bàn để phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị. Nhiều hội viên nông dân tận dụng nguồn vốn vay, phát huy được hiệu quả của các mô hình sản xuất như mô hình sản xuất rau công nghệ cao của anh Nguyễn Văn Liêu (phường Hòa Phát), mô hình trồng hoa lan của chị Nguyễn Thị Hiền (phường Hòa Xuân), trồng rau sạch tại vùng rau La Hường (phường Hòa Thọ Đông)…
“Các nguồn vốn vay ưu đãi cho nông dân đã tạo thêm nguồn vốn để hội viên nông dân đầu tư, mở rộng và phát triển các mô hình kinh tế. Qua đó, giải quyết được việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập, giúp đỡ cho những người yếu thế hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận. Tính đến nay, không có hội viên nông dân quận Cẩm Lệ bị nợ quá hạn sau khi vay vốn”, bà Hứa Thị Thùy Phương, Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ cho biết.
Theo thống kê của Hội Nông dân thành phố, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp thành phố đang quản lý là gần 40,3 tỷ đồng, trong đó vốn ủy thác từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là hơn 9 tỷ đồng, vốn ủy thác từ UBND thành phố là 30 tỷ đồng… Tính đến 31-5, Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố đã giải ngân cho 130 hộ vay vốn với tổng số tiền là 4 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố Nguyễn Kim Dũng nhận định, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tạo điều kiện giúp nông dân đầu tư sản xuất, phát triển ngành nghề, tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân góp phần thực hiện có hiệu quả các đề án của hội, thể hiện rõ vai trò thiết thực trong việc triển khai thực hiện đề án “Xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp tạo tiền đề hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ giai đoạn 2018-2023”.
“Quỹ Hỗ trợ nông dân tiếp tục khẳng định được vai trò, vị thế và làm trung tâm nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, làm cho hoạt động hội và phong trào nông dân phong phú hơn. Qua đó, phát huy được vai trò của các cấp hội trong việc làm cầu nối để nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ mới để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; loại hình kinh tế hợp tác…, giúp các hội viên nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, cải thiện đời sống kinh tế, nâng cao thu nhập”, ông Nguyễn Kim Dũng cho hay.
VĂN HOÀNG