Kinh tế
Thị trường thương mại điện tử: Minh bạch hóa nguồn gốc, định danh nhà cung cấp
Sự chuyển đổi thói quen tiêu dùng sang kênh trực tuyến của người dân trong thời điểm Covid-19 là một thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp khai thác tiềm năng của thị trường thương mại điện tử.
Hầu hết các siêu thị trên địa bàn thành phố đã triển khai thanh toán không tiền mặt. TRONG ẢNH: Khách mua hàng tại Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Chủ động tham gia thị trường thương mại điện tử
Năm 2021, trong khi nhiều ngành hàng, lĩnh vực gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) vẫn có mức tăng trưởng và phát triển theo hướng đồng bộ giữa người mua và người bán. Năm 2022, TMĐT được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nội địa xây dựng những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, từ đó mở rộng thị trường.
Covid-19 trong những năm 2020, 2021 khiến nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động bán lẻ TMĐT lên ngôi, đặc biệt, trong năm 2022, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi và tăng trưởng. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đã dần quen với các hoạt động mua sắm trên nền tảng công nghệ internet.
Hai năm qua, mỗi năm, Hợp tác xã Mắm Bình Minh (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cung ứng ra thị trường 10.000 lít nước mắm, trong đó, ngoài kênh bán lẻ truyền thống, hợp tác xã (HTX) phối hợp các sàn như Tiki, Shoppee, danangtrade.com.vn để quảng bá sản phẩm. Nhờ vậy, HTX nhận được nhiều đơn hàng trực tuyến, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khó khăn bởi Covid-19 và trước bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao như hiện nay.
Thời gian qua, người tiêu dùng trên địa bàn đã hình thành thói quen mua sắm trên hệ thống TMĐT. Nhờ đa dạng chủng loại hàng hóa, giá cả cạnh tranh, nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn và đặc biệt không phải di chuyển đến siêu thị hay trung tâm thương mại nên chị Nguyễn Phương Mai (trú đường Nguyễn Thiện Kế, quận Sơn Trà) lựa chọn kênh TMĐT để mua sắm thường xuyên. “Hàng hóa trên các kênh TMĐT hiện nay đã đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng”, chị Mai chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, tính đến tháng 6-2022, đã vận động và đưa 1.770 doanh nghiệp thành viên tham gia trên sàn TMĐT của thành phố, cung cấp 2.582 sản phẩm/dịch vụ; triển khai hỗ trợ tham gia gian hàng trên sàn TMĐT Shopee cho 5 đơn vị, gồm: hộ kinh doanh Trà gừng Tâm Nguyên, cơ sở sản xuất Lạp xưởng tươi MINKAI, hộ kinh doanh Tré Bà Đệ, HTX Mắm Bình Minh, hộ kinh doanh nước mắm Hương Làng Cổ. “Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đặt các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt trong tiêu thụ sản phẩm.
Trước thực tế này, ngành công thương gia tăng các giải pháp hỗ trợ các thành phần kinh tế tiêu thụ sản phẩm như đẩy mạnh phát triển kết nối cung cầu; thúc đẩy tiêu thụ nội địa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm”, ông Hạnh thông tin thêm.
Lành mạnh hóa thị trường
Báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố chưa phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm nào liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT. Dù vậy, cơ quan chức năng dự báo tỷ lệ gian lận trên TMĐT sẽ chiếm 50-60% trong tổng số các hình thức gian lận thương mại nói chung. Hiện, các doanh nghiệp TMĐT đã có nhiều giải pháp để hạn chế vấn đề này như: quy định về công bố thông tin, đánh giá tín nhiệm nhà cung cấp, ban hành các quy định thành viên, tham dự... Tuy vậy, các giải pháp kỹ thuật này chỉ hạn chế chứ không chấm dứt được việc buôn bán hàng giả, kém chất lượng trên các sàn TMĐT.
Ông Võ Văn Khanh, Chi hội trưởng Hiệp hội TMĐT tại Đà Nẵng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần tăng cường chuyển đổi số, thích ứng với ứng dụng kinh doanh trên môi trường trực tuyến để đáp ứng trải nghiệm mua sắm ngày càng cao của khách hàng; đồng thời doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh mô hình vận hành, điều chỉnh về sản phẩm nhằm bảo đảm sự cạnh tranh. Đối với người tiêu dùng, ông cũng khuyến cáo không nên ham sản phẩm quá rẻ, hay mua hàng trên những trang thông tin không chính thức hoặc chưa được xác thực đăng ký với các cơ quan quản lý Nhà nước; người tiêu dùng chỉ nên mua hàng trên các trang TMĐT uy tín, lựa chọn sản phẩm các doanh nghiệp xác thực trên sàn, nhất là các sản phẩm có chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, thông tin, giá cả minh bạch và có nhiều đánh giá tốt từ khách đã mua hàng.
Tiến sĩ Võ Quang Trí (Trưởng khoa Thương mại điện tử, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) đề xuất, các doanh nghiệp TMĐT cần tăng cường các giải pháp minh bạch hóa nguồn gốc hàng hóa cũng như định danh nhà cung cấp. Các giải pháp tập trung vào việc công bố và xác nhận thông tin chính thức với sàn TMĐT, có các bảo đảm về pháp nhân kinh doanh. Ngoài ra, các sàn nên phối hợp các cơ quan quản lý thị trường để giám sát và có những khuyến cáo cần thiết đối với các trường hợp nghi vấn. Về lâu dài, các sàn TMĐT có thể kết hợp với các trường đại học, nghiên cứu các công nghệ hoặc giải pháp nhằm xác định các nhà cung cấp đạt chuẩn. “Về phía người tiêu dùng, cần tự trang bị cho mình kiến thức khi tham gia các giao dịch trực tuyến hay trên các sàn TMĐT. Cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác trước khi tiến hành các giao dịch và tốt nhất, chỉ nên giao dịch với các đối tác cung ứng đã được bảo đảm của các sàn TMĐT”, tiến sĩ Võ Quang Trí nói.
QUỲNH TRANG