Tiếp tục hỗ trợ, tạo đà khôi phục tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm

.

Qua 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng trưởng GRDP của thành phố tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: dịch vụ tăng 9,8%, công nghiệp và xây dựng tăng 2,4%; thu ngân sách đạt khá… Đây là động lực để kinh tế thành phố chuyển từ phục hồi sang khôi phục đà tăng trưởng cao trong 6 tháng cuối năm.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao

Tại buổi công bố thông tin về kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2022, Cục Trưởng Cục Thống kê thành phố Trần Văn Vũ cho biết, ngay từ đầu năm 2022, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày 15-1 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, UBND thành phố chú trọng đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, quan tâm ưu tiên phục hồi các ngành kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đây là cơ sở tạo sức bật cho sự tăng trưởng kinh tế thành phố.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Thị Thanh Tâm, tình hình phát triển kinh tế thành phố 6 tháng cuối năm có nhiều thuận lợi theo kịch bản tăng trưởng. Sở đã tham mưu UBND thành phố thực hiện một số giải pháp điều hành phát triển dựa trên các trụ cột gồm: tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đô thị; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Kết luận hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về tình hình công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 và một số chủ trương quan trọng theo chương trình công tác đã đánh giá kinh tế thành phố phục hồi mạnh mẽ và có nhiều khởi sắc, nhất là lĩnh vực du lịch. Các công trình trọng điểm, động lực được quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ; các chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được thực hiện tốt. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm.

Cụ thể, thành phố có giải pháp quyết liệt thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là đối với các ngành kinh tế chủ lực và có đóng góp lớn trong tăng trưởng GRDP thành phố; phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP cao nhất năm 2022. Đồng thời thực hiện quyết liệt biện pháp giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch năm 2022; trong đó, lựa chọn, phân nhóm các dự án động lực, trọng điểm để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; phân nhóm các công trình phấn đấu hoàn thành trong năm 2022 (tuyến đường vành đai phía tây đoạn quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh, tuyến đường ĐH2, tuyến đường ĐT601, đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, Khu Công viên phần mềm số 2, các công trình xử lý, thu gom nước thải…).

Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố ngày 30-6, Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Thanh Tâm cho biết sẽ tham mưu UBND thành phố để đẩy nhanh việc hoàn thiện một số chính sách quan trọng, làm nền tảng và động lực cho kinh tế thành phố phát triển.

Cụ thể, trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án thành lập khu phi thuế quan; trình HĐND thành phố nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc trưng và nghị quyết quy định chính sách về hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tham mưu UBND thành phố hoàn thành và triển khai đề án truyền thông chuyển đổi số; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng, Công viên phần mềm số 2; hoàn thiện, trình đề án khai thác Khu Công viên phần mềm số 2.

UBND thành phố cũng trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình HĐND thành phố thông qua các hồ sơ về quy chế quản lý kiến trúc, điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở và điều chỉnh chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021-2030. UBND thành phố cũng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1-11- 2016 về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố; đề án xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.

Thành phố sớm hỗ trợ thủ tục pháp lý, tạo điều kiện để chủ đầu tư triển khai giai đoạn 2 Khu công nghệ thông tin tập trung. Ảnh:TRIỆU TÙNG
Thành phố sớm hỗ trợ thủ tục pháp lý, tạo điều kiện để chủ đầu tư triển khai giai đoạn 2 Khu công nghệ thông tin tập trung. Ảnh:TRIỆU TÙNG

Tiếp tục hỗ trợ, phục hồi sản xuất

Theo Sở KH&ĐT, hiện UBND thành phố đang tiếp tục đề xuất và triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; tổ chức các thủ tục đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Cầm - giai đoạn 2 trong quý 4- 2022; phấn đấu đưa Cụm công nghiệp Cẩm Lệ vào hoạt động, lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Hòa Nhơn…

Đối với lĩnh vực du lịch, thành phố tiếp tục khai thác các dư địa để tăng trưởng. Theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, một số giải pháp cần thực hiện ngay là hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả tuyến du lịch đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn, đưa vào hoạt động sản phẩm dù lượn Sơn Trà, các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước tại khu vực bán đảo Sơn Trà và khu vực biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa. Đồng thời xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu du lịch, tổ chức sự kiện và truyền thông, quảng bá, xúc tiến điểm đến Đà Nẵng.

Về lĩnh vực giao thông, chủ động phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xúc tiến, khôi phục các đường bay quốc tế; đẩy nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B, tuyến cao tốc Hòa Liên - Túy Loan và bến cảng Liên Chiểu. Về lĩnh vực tài nguyên - môi trường, thành phố tập trung hoàn thành việc xây dựng quy trình đấu giá đất hợp lý; tổ chức hiệu quả và bảo đảm yêu cầu đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 theo danh mục được UBND thành phố phê duyệt; báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về việc liên quan đến giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người sử dụng đất trong quá trình thực hiện các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong cho biết đã đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện nhiệm vụ lập, phê duyệt quy hoạch phân khu và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc theo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tại Thông báo số 202-TB/TU ngày 14-10-2021. Cụ thể, đối với việc thẩm định, hội đồng thẩm định và Sở Xây dựng tham mưu rút ngắn thời gian thẩm định (2 bước) xuống tối đa 20 ngày làm việc; tổ chức thực hiện song song một số công đoạn có liên quan đến công tác lập quy hoạch các cấp độ (kể cả điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, tổ chức tham vấn, lấy ý kiến từng giai đoạn...) nhằm rút ngắn thời gian thực hiện. Về giải ngân vốn đầu tư công, Sở KH&ĐT cũng đã có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện với kế hoạch theo mốc thời gian cụ thể tiến độ giải ngân trong năm đến ngày 30-9 đạt 60%; đến ngày 31-12 đạt 90% và đến ngày 31-1-2023 đạt 100%.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.