Kinh tế

Phát triển bền vững đô thị ven biển

21:42, 03/08/2022 (GMT+7)

ĐNO - Ngày 3-8, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam phối hợp với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới”.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng các đô thị biển nước ta, nói đúng hơn là các đô thị ven biển, vẫn được phát triển trên nền tảng của tư duy “đất liền”. Nhìn chung, giá trị “biển bạc” vẫn chưa được phát huy, trong khi các giá trị trước mắt của “đất vàng” ở ven biển và trên đảo vẫn hấp dẫn hơn đối với nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư.

Còn theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, hiện nay phần lớn các đô thị có biển, không gian dải ven biển luôn được ưu tiên quy hoạch cho mục đích phát triển các công trình dịch vụ du lịch. Nhiều dự án thiếu không gian cảnh quan, quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án “treo”, gây lãng phí đất đai...

Do đó, cần thiết phải có sự điều chỉnh các văn bản pháp luật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực ven biển; cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án.

Tại hội nghị, nhiều tham luận khác cũng đề cập đến những giải pháp phát triển phải có tầm nhìn và cách tiếp cận mới về đô thị biển, thể hiện trong quy hoạch quốc gia. Đối với chức năng của đô thị biển, phải được định hình rõ và bảo đảm không xảy ra xung đột, tích hợp chức năng của đô thị trên tinh thần hiện đại hóa là đô thị cảng biển (hàng hóa hoặc du lịch), trung tâm công nghiệp thông minh, tổ hợp logistics kiểu mới. Ngoài ra, động lực phát triển phải dựa vào các doanh nghiệp tư nhân.

Đồng thời đề xuất giải pháp tiến ra biển bằng hệ thống đô thị biển để “mạnh về biển, giàu từ biển”, đầu tiên và quan trọng nhất là phải thay đổi về tư duy và nhận thức, phải hướng ra biển, dựa vào biển, lấy biển làm động lực phát triển, để làm giàu từ biển.

Mặt khác, cần bảo tồn, sử dụng các giá trị của cảnh quan thiên nhiên và các hệ sinh thái biển, đảo như là nguồn “vốn phát triển” dài hạn, thiết kế và lựa chọn các mẫu hình kiến trúc đô thị xanh, thân thiện với tự nhiên. Bên cạnh đó, xác định mô hình đô thị biển như là một “hệ sinh thái đô thị biển” đa chiều, đa dạng và đa dụng.

TRIỆU TÙNG

.