Kinh tế
Phát triển sản phẩm truyền thống từ sở hữu nhãn hiệu tập thể
Khi được công nhận nhãn hiệu tập thể, nhiều sản phẩm truyền thống của thành phố có thêm giấy thông hành để vươn tầm phát triển, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao, phát triển bền vững.
Giá cát Hòa Nhơn là một trong những sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể vào đầu năm 2022. TRONG ẢNH: Bà Đặng Thị Tươi, một trong những người tham gia làm giá cát Hòa Nhơn (thôn Phú Hòa 2, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang). Ảnh: HOÀNG LINH |
Khẳng định giá trị của sản phẩm trên thị trường
Làng làm nghề giá cát ở thôn Phú Hòa 2 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) tồn tại gần 20 năm nay. Sau khi bến tập kết cát ở thôn Phú Hòa 2 giải thể, nghề khai thác cát mai một dần, hầu hết lao động trong thôn chuyển đổi ngành nghề để mưu sinh, riêng nghề làm giá cát vẫn được duy trì nhưng ở quy mô manh mún, chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng trong phạm vi gia đình. Vài năm trở lại đây, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành thành phố và địa phương, nhiều hộ gia đình trong thôn quyết tâm đầu tư về cơ sở vật chất lẫn xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm giá cát Hòa Nhơn; đồng thời, xác định đây là nghề truyền thống cần được gìn giữ nhằm đem lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống cho người dân trong thôn.
Bà Đặng Thị Tươi, người có hơn 20 năm làm nghề giá cát ở thôn Phú Hòa 2 cho biết, hiện gia đình bà dành khoảng 50m2 khuôn viên phía sau nhà để làm giá cát với sản lượng thu hoạch 100kg/ngày. Phần lớn giá cát do nhà bà Tươi làm ra được bỏ sỉ cho các chợ ở khu vực huyện Hòa Vang với mức giá 15.000 đồng/kg, giá bán lẻ 20.000 đồng/kg, qua đó đem lại cho gia đình nguồn thu nhập khá ổn định.
Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Nhơn cho hay, hiện trong thôn Phú Hòa 2 có 8 hộ gia đình làm giá cát. Nghề làm giá cát được UBND xã cùng các hội, đoàn thể, các cấp ngành thành phố khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển, góp phần chuyển đổi ngành nghề trên địa bàn xã. Các hộ gia đình làm giá cát đã được địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để đầu tư, phát triển nghề; được tạo điều kiện để đưa sản phẩm quảng bá ở các hội chợ nông sản của huyện, thành phố. Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã công nhận nhãn hiệu tập thể vào đầu năm 2022. Theo đó, sản phẩm giá cát Hòa Nhơn được khẳng định và bảo hộ thương hiệu, tạo sức cạnh tranh trên thị trường với các sản phẩm giá khác, là cơ sở để vào các kênh bán hàng hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử… Quan trọng hơn, khi sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường sẽ giúp người nông dân có thu nhập ổn định, thay đổi tư duy để hướng đến kinh doanh bền vững, nâng tầm cho sản phẩm truyền thống của địa phương.
Một sản phẩm khác cũng được công nhận nhãn hiệu tập thể vào đầu năm 2022 là đá trang trí Hòa Sơn, thuộc làng nghề đá chẻ Hòa Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang). Việc được chứng nhận nhãn hiệu tập thể giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm địa phương, bảo đảm quyền và lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng cũng như thực hiện thành công định hướng của thành phố về phát triển làng nghề đá chẻ Hòa Sơn gắn với phát triển bền vững và tăng trưởng. Hiện nay, làng nghề chẻ đá ở Hòa Sơn có hơn 100 cơ sở sản xuất gia công với khoảng 500 lao động, mức thu nhập trung bình của lao động tại các cơ sở từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm đá trang trí Hòa Sơn không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 10 sản phẩm được chứng nhận sở hữu trí tuệ tập thể như: nước mắm truyền thống Nam Ô, bánh tráng Túy Loan, kiệu hương Hòa Nhơn, bưởi Hòa Ninh, bánh khô mè Quang Châu, đá trang trí Hòa Sơn, giá cát Hòa Nhơn, cá nước ngọt Hòa Khương…
Hướng đến phát triển bền vững, tăng trưởng cao
Để phát huy giá trị từ việc được chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đá trang trí Hòa Sơn, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn thông tin, thời gian tới, xã chú trọng xây dựng, củng cố hệ thống văn bản làm cơ sở cho công tác quản lý nhãn hiệu tập thể như: quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể; quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm; quy định về sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm. Cùng với đó, tổ chức triển khai các hoạt động in ấn, cấp tem nhãn sử dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm; xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm; thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng và phát triển hệ thống thương mại phục vụ cho việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời thống nhất các nội dung về giá cả; chú trọng thực hiện công tác bao bì, nhãn hiệu trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, địa phương xây dựng chuỗi liên kết các mỏ đá - cơ sở sản xuất - thị trường tiêu thụ để bảo đảm cung ứng đầu vào và ra; thực hiện tái chế, tận dụng nguồn đá phế phẩm, bột đá để tái sử dụng, sản xuất các sản phẩm khác, sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường; tập huấn, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác nhãn hiệu tập thể.
Đối với sản phẩm giá cát Hòa Nhơn, bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Nhơn chia sẻ, hội tiếp tục phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ làm bao bì đóng gói cho sản phẩm giá cát Hòa Nhơn và cùng UBND xã hỗ trợ quảng bá giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là các kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các chợ lớn trên địa bàn thành phố.
Nhằm thúc đẩy việc xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm địa phương, thời gian qua, các cấp ngành, địa phương của huyện Hòa Vang, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều hoạt động nhằm chuyển tải những thông tin cần thiết đến các tập thể, cá nhân nằm trong diện được nhận chứng nhận sở hữu tập thể. HĐND thành phố đã có nghị quyết quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.
Đối với đăng ký bảo hộ trong nước, hỗ trợ 30 triệu đồng/đơn với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới; 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, hỗ trợ 60 triệu đồng/đơn với đơn đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới.
HOÀNG LINH