Hợp tác đầu tư, thương mại của kiều bào Thái Lan đối với thành phố Đà Nẵng được đánh giá có nhiều tiềm năng, triển vọng. Cần làm gì để tiềm năng này thành kết quả trên thực tế?
Hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam và Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng ký kết biên bản kết nối doanh nghiệp Thái Lan - Đà Nẵng năm 2022. Ảnh: THÀNH LÂN |
Mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Thái Lan - Đà Nẵng 2022.
Ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, đây là lần đầu tiên Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức đoàn các doanh nghiệp kiều bào là người Việt ở Thái Lan về Việt Nam xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trên tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp và các địa phương làm trung tâm phục vụ của công tác ngoại giao kinh tế. Thành phố Đà Nẵng là điểm đến đầu tiên của đoàn với trên 40 doanh nghiệp Thái Lan trong hành trình tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác phát triển.
Ông Hồ Văn Lâm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt kiều thế giới, Chủ tịch Hội Doanh nhân kiều bào Thái Lan kiến nghị cần sớm xúc tiến hình thành tuyến vận tải đông - tây kết nối khu vực đông bắc Thái Lan và miền Trung Việt Nam thông qua Lào, bởi đây sẽ là tuyến vận tải chiến lược, tạo cơ hội mới để thúc đẩy đầu tư thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh kết nối Việt Nam - Lào - Thái Lan và làm sao để hàng hóa từ Đà Nẵng đến Thái Lan thuận lợi hơn; đồng thời, tổ chức được hệ thống phân phối hàng Việt Nam chất lượng cao đáp ứng thị hiếu ở các phân khúc khác nhau tại thị trường Thái Lan...
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Tổng Hội người Việt Nam tại Thái Lan, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Udon Thani Lương Xuân Hòa cho rằng, nếu có thể khắc phục bất cập trong khác biệt về vị trí đặt ghế lái ô-tô để đẩy mạnh phát triển lưu thông đường bộ Việt Nam - Thái Lan sẽ tạo cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp hai bên kết nối hợp tác đầu tư, kinh doanh buôn bán hàng hóa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai nước cần tiếp tục thúc đẩy cơ chế hợp tác trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) cũng như ủng hộ và cùng với các địa phương liên quan của Việt Nam vận động triển khai tuyến EWEC2 (cảng Đà Nẵng - quốc lộ 14B - Nakhon - Bangkok). Đây sẽ là tuyến đường ngắn nhất dẫn đến cảng Đà Nẵng, giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông hàng hóa từ các quốc gia trong khu vực.
Ông Nguyễn Văn Minh, Hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam tại Bangkok chia sẻ, để khai thác hiệu quả nguồn lực hai bên, thúc đẩy hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư, Đà Nẵng cần tiếp tục tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tại Thái Lan, để từ đó các tập đoàn, các doanh nghiệp và người dân Thái Lan và đặc biệt là bà con kiều bào người Việt có cơ hội trao đổi thương mại với các doanh nghiệp của thành phố. Đà Nẵng cũng cần thường xuyên thông tin về các chính sách ưu đãi đầu tư, quy trình đầu tư đối với các doanh nghiệp kiều bào, các tập đoàn Thái Lan khi có nhu cầu trao đổi thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay hàng hóa Thái Lan khá phổ biến tại Việt Nam trong khi hàng hóa Việt Nam ở Thái Lan còn hạn chế.
Còn ông Mai Xuân Hùng, Thư ký Hội Doanh nhân gốc Việt tại Thái Lan cho biết, hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp người Việt ở Thái Lan có khoảng 1.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp rất thành công, hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, logistics, dịch vụ, xây dựng, nhà hàng, khách sạn... Một số doanh nghiệp kiều bào người Việt tại Thái Lan đã và đang mở rộng kinh doanh sang thị trường Việt Nam, tuy nhiên, con số đó vẫn còn khá khiêm tốn so với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khác của Thái Lan đầu tư sang Việt Nam. Tuy vậy, các doanh nghiệp gốc Việt ở Thái Lan có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối và đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam vào Thái Lan vì các doanh nghiệp này ở các địa phương có đông kiều bào sinh sống. Khi hàng hóa Việt Nam được doanh nghiệp đưa tới kiều bào qua kênh kiều bào sẽ nhanh chóng lan tỏa ra thị trường Thái Lan...
Kim ngạch thương mại hai chiều chưa tương xứng Kim ngạch thương mại hai chiều giữa thành phố Đà Nẵng với các doanh nghiệp Thái Lan tăng dần qua từng năm nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Kim ngạch xuất khẩu Đà Nẵng - Thái Lan năm 2021 đạt khoảng 4 triệu USD. Một số doanh nghiệp Đà Nẵng có quan hệ xuất nhập khẩu với Thái Lan như: Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Vinatex Đà Nẵng, Công ty CP Dệt may 29/3, Công ty TNHH Lafien Vina, Công ty TNHH Tiến Thắng, Công ty CP Dược Thiết bị y tế Đà Nẵng, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung, Công ty TNHH Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Duy Thành... Cùng với đó, giá trị đầu tư của Thái Lan vào thành phố Đà Nẵng đạt gần 64 triệu USD với 15 dự án còn hiệu lực, tập trung ở các lĩnh vực thương mại, bán lẻ, sản xuất, may mặc, thiết kế, xây dựng, công nghệ thông tin và hợp tác du lịch, trao đổi khách... |
THÀNH LÂN