Kinh tế

Bảo hộ sở hữu trí tuệ công nghiệp: Tạo niềm tin để kích thích sáng tạo

13:16, 13/09/2022 (GMT+7)

Hiện nay, vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với các nhóm đối tượng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… ngày càng được các cơ quan chức năng và cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm nhằm tăng cường việc bảo vệ bí mật kinh doanh, nâng cao hiệu lực của pháp luật, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Bà Lê Thị Xuân Thùy, tác giả của nhiều sáng kiến được cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ công nghiệp của Công ty TNHH Môi trường xanh Sustech. Ảnh: KHÁNH HÒA
Bà Lê Thị Xuân Thùy, tác giả của nhiều sáng kiến được cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ công nghiệp của Công ty TNHH Môi trường xanh Sustech. Ảnh: KHÁNH HÒA

Được thành lập từ năm 2016, chuyên về lĩnh vực nghiên cứu, sáng chế và kinh doanh các sản phẩm xử lý nguồn nước, đến nay, Công ty TNHH Môi trường Xanh Sustech (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) đã có 4 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ SHTT cho sản phẩm công nghiệp.

Cụ thể gồm: thùng hóa vàng mã, thiết bị lọc nước đa tầng, xử lý nước thải nhiễm ion kim loại nặng và thiết bị nuôi trùn quế. Hiện công ty đang hoàn tất hồ sơ để xin chứng nhận bảo hộ SHTT đối với sản phẩm “Quy trình làm thức ăn nuôi trùng khô” phục vụ nhu cầu nuôi trồng rau, củ thủy canh ở khu vực đô thị.

Bà Lê Thị Xuân Thùy, giảng viên Khoa Môi trường (Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng), thành viên Công ty TNHH Môi trường Xanh Sustech, chủ nhân những sáng kiến trên cho biết, công ty nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí (gần 80 triệu đồng) trong quá trình hoàn thiện hồ sơ bảo hộ SHTT cho các sản phẩm được chế tạo ra.

“Khi được cấp chứng nhận bảo hộ, chúng tôi không còn lo lắng về việc sản phẩm bị làm giả, làm nhái cũng như có cơ sở để trình báo cơ quan chức năng xử lý khi sản phẩm bị xâm phạm về quyền sở hữu. Bản thân tôi cũng tự tin, tâm huyết hơn để tiếp tục nghiên cứu nhằm cho ra đời những sản phẩm có tính ứng dụng cao với giá thành hợp lý, phù hợp với mọi đối tượng người tiêu dùng”, bà Lê Thị Xuân Thùy cho hay.

Làm thế nào để bảo hộ SHTT đối với sản phẩm công nghiệp là trăn trở lâu nay của nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh. Nhất là khi tình trạng hàng giả, hàng nhái cạnh tranh không lành mạnh vẫn tồn tại trên thị trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, hiệu quả kinh doanh cũng như niềm tin và động lực của những người làm nghiên cứu, kinh doanh chân chính.

Nhìn nhận về những khó khăn trong quá trình thực hiện bảo hộ SHTT cho sản phẩm công nghiệp, do thành viên của đơn vị chế tạo ra, bà Lê Thị Phương Cẩm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết, vì chưa được bảo hộ về SHTT nên có những sản phẩm do người lao động làm ra, khi đưa ra thị trường đã bị làm giả, làm nhái nên không thể cạnh tranh được về giá cả.

“Là một đơn vị thuộc khối Nhà nước, các sản phẩm của chúng tôi nghiên cứu và chế tạo ra sẽ khó cạnh tranh được với khối tư nhân nếu không được bảo hộ SHTT. Chúng tôi mong muốn được tiếp cận tốt hơn nữa đối với chính sách về bảo hộ SHTT đối với sản phẩm công nghiệp cũng như khai thác được nguồn kinh phí từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học”, bà Lê Thị Phương Cẩm chia sẻ.

Theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, sở phối hợp các ngành chức năng triển khai nhiều hoạt động hướng dẫn, cung cấp mọi thông tin liên quan đến thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, biện pháp bảo vệ quyền và các thủ tục giải quyết tranh chấp khi phát sinh cho các tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; pháp luật về SHTT, Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

Đối với công tác quản lý Nhà nước về SHTT, thành phố đã xây dựng Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Đà Nẵng đến năm 2030; ban hành nghị quyết của HĐND thành phố quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nhờ vậy, nhận thức của các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng về việc bảo hộ và tôn trọng quyền SHTT được nâng cao. Công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương được đẩy mạnh và có tác động đến kinh tế - xã hội của thành phố thông qua việc hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

“Hoạt động sáng kiến, lao động sáng tạo được triển khai rộng tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đem lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc trong hoạt động quản lý, lao động, sản xuất. Quan trọng hơn nữa là từng bước hình thành văn hóa SHTT trong xã hội”, bà Vũ Thị Bích Hậu nhấn mạnh.

Báo cáo từ Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, tính đến ngày 31-12-2021, thành phố Đà Nẵng có 4.197 văn bằng được cấp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (gồm 4.023 nhãn hiệu; 55 sáng chế và giải pháp hữu ích; 119 kiểu dáng công nghiệp). Riêng 8 tháng đầu năm 2022, có 5 tổ chức kinh tế tập thể đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể gồm: giá cát Hòa Nhơn; gà đồi Đồng Nghệ; cá nước ngọt Hòa Khương; lúa hữu cơ Hòa Khương; đá trang trí Hòa Sơn.

KHÁNH HÒA

.