Cả nước có 8.478 sản phẩm OCOP

.

Sáng 9-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Theo thông tin tại hội nghị, tính đến ngày 31-8, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm. Cụ thể, có 8.478 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên của hơn 4.351 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã…

Trong đó, có 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao. Riêng tại Đà Nẵng, toàn thành phố đã đánh giá và phân hạng cho 40 sản phẩm OCOP của 34 chủ thể; trong đó có 23 sản phẩm 3 sao, 14 sản phẩm 4 sao.

Thời gian qua, thành phố đã có nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ cho các chủ thể OCOP trên địa bàn như: hoàn thiện, chuẩn hóa hồ sơ tham gia phân hạng; xây dựng nhãn hiệu, thiết kế bao bì, trang thông tin và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chứng nhận chất lượng về ISO, HACCP, VietGAP…; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại; hình thành các điểm trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng của thành phố…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh vai trò quan trọng của Chương trình OCOP và phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn 2021-2025.

Qua đó, tiếp tục khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị văn hóa; tạo không gian phát triển kinh tế, giá trị cố kết cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Việc triển khai các chương trình cần linh hoạt, phù hợp theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của từng địa phương.

Đặc biệt, cần phải có tư duy tích hợp trong việc liên kết sản phẩm, đa dạng hóa và tối ưu hóa giá trị của sản phẩm; tạo ra sinh kế cho người dân, gắn kết tính cộng đồng trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, du lịch nông thôn phải tạo được sự giao thoa, tương tác và trải nghiệm khi kéo dòng khách trong nước và quốc tế đến địa phương. Việc phát triển du lịch nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào quê hương.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.