Kinh tế

Đề xuất phát triển đô thị theo chiều cao tối đa 80m

14:02, 29/09/2022 (GMT+7)

Thực hiện nhiệm vụ được UBND thành phố giao tại Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 10-6-2021 về triển khai Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Xây dựng vừa chủ trì, tổ chức lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Đà Nẵng.

Khu vực ven sông, ven biển phía đông thành phố được phát triển công trình cao tầng từ 60-80m. Trong ảnh: Vệt đô thị ven biển với hệ thống nhà cao tầng thuộc địa phận quận Ngũ Hành Sơn - Sơn Trà. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Khu vực ven sông, ven biển phía đông thành phố được phát triển công trình cao tầng từ 60-80m. TRONG ẢNH: Vệt đô thị ven biển với hệ thống nhà cao tầng thuộc địa phận quận Ngũ Hành Sơn - Sơn Trà. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đinh Thế Vinh cho biết, Quy chế quản lý kiến trúc và lập danh mục công trình kiến trúc nhằm cụ thể hóa nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nội dung này đang được Sở Xây dựng công khai và xin ý kiến rộng rãi đến cộng đồng dân cư. Sở cũng đã ký hợp đồng tư vấn với liên danh Viện Kiến trúc Quốc gia - Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị về gói thầu “Tư vấn lập quy chế quản lý kiến trúc thành phố Đà Nẵng và danh mục công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn thành phố. Hiện, liên danh tư vấn đã cơ bản hoàn thành dự thảo. Căn cứ Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 7-9-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc nên Sở Xây dựng tiến hành lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo quy chế quản lý kiến trúc.

Một số nội dung được tổ chức, cá nhân quan tâm là xác định quy định chiều cao công trình, tầng cao trung bình, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất đề cập trong quy chế theo hướng kiểm soát chặt chẽ tầng cao trung bình phù hợp với đặc điểm địa hình, cảnh quan thiên nhiên và khả năng đáp ứng hạ tầng của từng khu vực.

Cụ thể, định hướng chiều cao các tòa nhà thấp tầng từ khu vực phía nam thành phố và quanh sân bay, tăng dần hướng về khu vực đồi núi ở phía tây và khu vực bờ đông sông Hàn. Trong đó, các khu vực phát triển cao tầng (trung bình trên 80m) cho phép phát triển trong vùng trung tâm thành phố mở rộng (một phần quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn). Đây là những khu vực không bị hạn chế bởi quy định về độ tĩnh không sân bay nên phát triển công trình có chiều cao tạo ra một trung tâm thành phố hiện đại, có bản sắc riêng. Ở các khu vực này, thành phố khuyến khích phát triển cao tầng tại các khu vực giao cắt các trục đường chính đô thị, hướng biển theo các điểm, cụm, tuyến để tạo nhịp điệu và hình ảnh chung cho từng khu vực đô thị.

Các khu vực phát triển cao tầng khác (trung bình 60m đến 80m) cho phép phát triển trong khu vực trung tâm thành phố hiện tại (một phần quận Hải Châu), nơi có các tòa nhà hiện tại, phù hợp với tĩnh không sân bay. Mục đích là để bảo đảm sự phù hợp giữa tòa nhà, đường phố với cảnh quan; đồng thời khuyến khích tái phát triển trung tâm thành phố có mật độ dân số cao hơn và sức chứa lớn hơn. Ngoài ra, các tòa nhà cao tầng cho phép phát triển tại phân khu đô thị sườn đồi nhằm khuyến khích phát triển các mô hình nhà ở cao tầng mới khu vực huyện Hòa Vang.

Các khu vực phát triển tầm trung (trung bình 40m đến 60m) cho phép phát triển dọc theo vịnh Đà Nẵng (một phần các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu) nhằm bảo đảm tầm nhìn ra vịnh không bị hạn chế. Khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng (một phần các quận Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ) chỉ được phát triển các tòa nhà tầm trung do ảnh hưởng bởi tĩnh không sân bay. Các tòa nhà thấp tầng (trung bình dưới 40m) nằm trong hành lang cất - hạ cánh của Sân bay Đà Nẵng, các nhà xưởng trong khu công nghiệp, các nhà ở riêng lẻ khu vực phía nam.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định các khu vực cần kiểm soát chiều cao nghiêm ngặt. Cụ thể, khu vực an ninh quốc phòng kiểm soát tầng cao công trình để bảo đảm các quy định về an ninh quốc phòng và khu vực phòng thủ. Hành lang ven biển hạn chế bố trí các công trình cao tầng tạo thành “vách bê-tông” liên tục dọc bờ biển làm ảnh hưởng đến không gian cảnh quan chung; đồng thời kiểm soát đặc biệt đối với công trình kiến trúc trên 25 tầng. Dự thảo cũng quy định về kiểm soát mật độ xây dựng như mật độ xây dựng các công trình chức năng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chung hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế; mật độ nén tập trung cao tại các trung tâm khu đô thị. Các khu vực đô thị hiện hữu cần phải tuân thủ các yêu cầu về mật độ xây dựng thuộc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; kiểm soát sự gia tăng mật độ làm phá vỡ cấu trúc chung của đô thị. 

Trong khi đó, các khu vực phát triển mới phải bảo đảm mật độ xây dựng tối đa và các yêu cầu về mật độ cảnh quan tối thiểu theo đúng mục đích sử dụng đất và tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:/2021/BXD về quy hoạch xây dựng thuộc lĩnh vực xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành. Theo đó, đối với đơn vị ở có mật độ xây dựng gộp tối đa là 50%/mật độ cảnh quan tối thiểu 20%; mật độ xây dựng thuần tối đa/mật độ cảnh quan tối thiểu cho công trình như công trình thương mại và sử dụng hỗn hợp là 80%/mật độ cảnh quan 10%; công nghiệp (tất cả các ngành) là 70%/mật độ cảnh quan 20%; hạ tầng xã hội (các cơ sở văn hóa và xã hội; các cơ sở y tế, bệnh viện và các trung tâm y tế, các cơ sở giáo dục…) là 40%/ mật độ cảnh quan 30%. Mật độ xây dựng xác định cụ thể trong giai đoạn lập đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, gắn với chức năng cụ thể.

TRIỆU TÙNG

.