Kinh tế

Giải pháp phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Bài 2: Đà Nẵng chủ động tham gia phát triển vùng như thế nào?

06:22, 20/09/2022 (GMT+7)

Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã thể hiện rõ vai trò hạt nhân của thành phố trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đà Nẵng xác định kinh tế biển là động lực phát triển, hình thành chuỗi liên kết phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong ảnh: Cảng Đà Nẵng là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây, đóng vai trò quan trọng trong luân chuyển hàng hóa. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Đà Nẵng xác định kinh tế biển là động lực phát triển, hình thành chuỗi liên kết phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. TRONG ẢNH: Cảng Đà Nẵng là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây, đóng vai trò quan trọng trong luân chuyển hàng hóa. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Triển khai quy hoạch địa phương làm đòn bẩy phát triển

Tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16-8-2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 2-8-2012 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tổ chức vào tháng 8-2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh trình bày báo cáo tổng kết nêu: Đà Nẵng đã và đang đóng vai trò hạt nhân trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT).

Thực tế, Đà Nẵng có những điểm mạnh và cơ hội để bứt phá, vươn lên, dẫn dắt sự phát triển chung của vùng. Điểm mạnh cơ bản đối với Đà Nẵng là có vị trí địa kinh tế - chính trị thuận lợi để trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh khai thác hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối với khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương; cơ sở hạ tầng đô thị phát triển; kinh tế biển và dịch vụ logistics đang được đầu tư xây dựng và khai thác.

Cơ hội đối với thành phố Đà Nẵng chính là Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là định hướng nền tảng cho sự phát triển mới. Nghị quyết số 43-NQ-TW xác định “Đà Nẵng là trung tâm kinh tế - xã hội lớn, hạt nhân chuỗi đô thị, cực tăng trưởng vùng KTTĐMT”. Đặc biệt là khát vọng phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân về xây dựng thành phố đáng sống.

Quan điểm phát triển của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là kết nối chặt chẽ trong phát triển kinh tế vùng, trong đó tập trung đầu tư phát triển dựa trên 3 trụ cột: du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng và trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; kinh tế tri thức với phát triển công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với kinh tế số; hình thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao gồm: cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.

Mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 là xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á; đến năm 2045 xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững. Chỉ tiêu tăng trưởng của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.809 USD và đến năm 2030 đạt 7.000 - 7.500 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt 85,5% diện tích.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Thanh Tâm, thành phố coi trọng việc lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung đề cao sự phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng. Trong đó có việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế theo hướng ưu tiên trọng điểm cho mỗi địa phương vùng KTTĐMT nhưng gắn với lợi thế cạnh tranh toàn vùng như: khai thác, sử dụng hệ thống cảng biển, sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics, hệ sinh thái du lịch…

Trong khi đó, theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải thành phố Bùi Hồng Trung, các địa phương vùng KTTĐMT cần rà soát quy hoạch hạ tầng giao thông đầu mối, thống nhất quy mô để có lộ trình đầu tư, kêu gọi đầu tư phù hợp; gắn quy hoạch hạ tầng giao thông với chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế.

Đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế biển

Nhìn vào sự phục hồi phát triển du lịch sau Covid-19 cho thấy, Đà Nẵng tiếp tục là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách. Ngoài ra, Đà Nẵng đầu tư phát triển dự án Bến cảng Liên Chiểu để phát huy lợi thế từ tiềm năng phát triển kinh tế biển.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Tô Văn Hùng, các ngành kinh tế biển: du lịch và dịch vụ biển, hàng hải sẽ là ngành kinh tế chủ đạo trong vùng KTTĐMT. Ông Hùng đề xuất giải pháp phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trong vùng là cần rà soát và cơ cấu các ngành kinh tế biển theo hướng bền vũng và phù hợp với từng địa phương; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển; tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển cũng như chủ động, giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị - xã hội (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ) Phan Thị Sông Thương cho rằng, vùng KTTĐMT cần triển khai quy hoạch phát triển cảng biển ở vùng theo hướng liên kết chặt chẽ, đồng bộ trong mối quan hệ phát triển tương hỗ; tập trung đầu tư phát triển một cảng chính và kết nối với các cảng trong vùng, cả nước và khu vực (cụ thể là cảng Liên Chiểu); phân luồng hàng hóa phù hợp với tiềm năng, lợi thế phát triển của từng địa phương trong vùng; phát triển mạng lưới giao thông liên tỉnh kết nối các trung tâm logistics và hệ thống cảng biển; hoàn thiện khung pháp lý trong công tác quản lý cảng biển và xây dựng mô hình quản lý và đầu tư cảng phù hợp với đặc điểm của các địa phương trong vùng.

Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Huy Hòa nhận định, lợi thế của vùng KTTĐMT là kinh tế biển. Theo đó, để Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển tầm cỡ khu vực và quốc tế, cần sớm hoàn thành tuyến đường du lịch ven biển, các tuyến cao tốc… để kết nối vùng gắn với thu hút đầu tư, hiện đại hóa các cảng biển Chân Mây, Liên Chiểu… Việc đầu tư hạ tầng giao thông có tính nội vùng nhưng cũng kết nối các vùng kinh tế lân cận để phá vỡ tính chia cắt do địa hình.

Ông Huỳnh Huy Hòa nêu cơ hội phát triển kinh tế biển đối với vùng KTTĐMT là ngày 26-7-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 892/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030”. Theo đề án, Đà Nẵng nằm trong trung tâm kinh tế biển và đóng vai trò đầu tàu thực hiện nhiệm vụ phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế, liên kết liên ngành, liên tỉnh khai thác, sử dụng hiệu quả cao các nguồn lực, nguồn tài nguyên biển.

Đồng thời, Đà Nẵng tham gia phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển cũng đi liền với phát triển cộng đồng doanh nghiệp liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh, tạo dựng môi trường phát triển các ngành nghề kinh tế biển có sức thu hút, hấp dẫn cao.

Tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16-8-2004 của Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp ở thành phố tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đặc biệt là việc triển khai kết luận của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43-NQ/TW; kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy theo Thông báo số 02/TB-VP ngày 4-1-2022 và Thông báo số 220-TB/TB-VP ngày 1-8-2022.

Đây là những tiền đề, định hướng hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố, đóng góp chung vào sự phát triển bền vững của toàn vùng. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị Ban cán sự Đảng UBND thành phố tham mưu cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp như: phối hợp với các địa phương, nhất là tỉnh Quảng Nam xây dựng quy hoạch và phát triển hệ thống đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển; liên kết trong quy hoạch và khai thác các sản phẩm du lịch, tổ chức hoạt động liên kết quảng bá, xúc tiến tại các thị trường trọng điểm, tiềm năng; phối hợp các địa phương trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; phối hợp tỉnh Quảng Nam phát triển Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia, trước mắt phải triển khai đô thị Đại học Đà Nẵng.

TRIỆU TÙNG

.