Kinh tế

Chủ động hàng hóa cho thị trường cuối năm

08:20, 29/10/2022 (GMT+7)

Nhận định thị trường đang phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu mua sắm cuối năm sẽ tăng cao nên từ đầu quý 4-2022, các doanh nghiệp trên địa bàn (nhất là doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm) đã lên kế hoạch đẩy mạnh sản xuất, dự trữ hàng hóa, tìm nguồn nguyên liệu phù hợp để đưa ra giá thành cạnh tranh, giảm sức ép cho người tiêu dùng.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Chị Đỗ Ngọc Hoa (giáo viên mầm non, trú quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, thu nhập không tăng nhưng giá hàng hóa tiêu dùng lại liên tục tăng nên gia đình chị tiết kiệm chi tiêu trong dịp Tết Quý Mão 2023. “Tuy nhiên, các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, gà, trứng, dầu, gạo… là những sản phẩm bắt buộc phải dùng, phải chi tiêu nên tôi hy vọng Nhà nước sẽ có biện pháp kìm giá để người lao động thu nhập thấp có thể sắm sửa đủ dùng”, chị Hoa nói.

Hiện nay, giá heo hơi giảm mạnh tạo cơ hội cho nhiều nhà sản xuất hàng thực phẩm tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào tạo nguồn đầu ra cho dịp mua sắm cao điểm cuối năm. Là một trong những doanh nghiệp sản xuất và phân phối thực phẩm (thịt heo, trứng gà), hiện dây chuyền sản xuất của Công ty CP Vissan đã nắm bắt được xu thế mua sắm và bắt đầu tăng tốc để dự trữ nguồn hàng cung ứng cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm.

Theo đại diện Vissan,  đối với thị trường Đà Nẵng, trong quý 4, đơn vị đã chuẩn bị nguồn vốn 55 tỷ đồng cho 600 tấn hàng hóa. Với riêng Tết Quý Mão 2023, số lượng nguồn hàng cung ứng cho thị trường là 400 tấn (tương ứng 42 tỷ đồng), tăng 15% về lượng, 12% về số nguồn vốn so với cùng kỳ. Mặt khác, trước bối cảnh kinh tế còn khó khăn, Tết Nguyên đán năm nay, khả năng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên sẽ quan tâm nhiều hơn đến giá cả hàng hóa, nhất là nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm. Vì vậy, đơn vị đã lên kế hoạch thực hiện các chương trình khuyến mại theo hình thức “cuốn chiếu”, cả mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến. Đặc biệt, giá sản phẩm chế biến giảm sâu nhất lên tới 25%.

“Nhiều năm nay, chúng tôi luôn tham gia chương trình bình ổn giá (đối với mặt hàng tươi sống) và luôn thực hiện chương trình kích cầu từng thời điểm và từng mặt hàng, chủng loại. Trong đó, những ngày cuối cùng của năm (Từ 28-30 Tết), Vissan sẽ có chương trình giảm giá sốc cho người tiêu dùng khi mua sắm thực phẩm tươi sống”, vị đại diện này thông tin thêm.

Bên cạnh sản phẩm thịt, trứng cũng là sản phẩm hút hàng dịp cuối năm. Công ty Cổ phần C.P - chi nhánh Đà Nẵng là một trong những đơn vị phân phối trứng gà công nghiệp cấp 1 cho nhiều siêu thị lớn trên địa bàn thành phố. Đại diện đơn vị này cho biết, hiện nay mỗi ngày đơn vị này cung ứng ra thị trường Đà Nẵng khoảng 30.000 - 40.000 quả/ngày, gà thịt 2.500 - 3.000 con/ngày và chỉ cung ứng cho những đối tác đã có hợp đồng cung cấp gồm các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.

Đại diện C.P Đà Nẵng khẳng định, hiện đơn vị bảo đảm nguồn cung cho thị trường, trong điều kiện phân phối trứng các loại nếu tăng theo biến động thị trường thì đơn vị vẫn chủ trương duy trì mức tăng vừa phải để bảo đảm cung ứng hàng hóa cho đối tác và không gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng.

Công ty CP Vissan đã chủ động nguồn hàng cho mùa mua sắm cuối năm. Ảnh: QUỲNH TRANG
Công ty CP Vissan đã chủ động nguồn hàng cho mùa mua sắm cuối năm. Ảnh: QUỲNH TRANG

Nhìn chung, các công ty sản xuất kinh doanh ngành lương thực, thực phẩm đã hoàn tất khâu chuẩn bị để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường từ nay đến Tết Quý Mão 2023. Mặt khác, các đơn vị phân phối lớn trên địa bàn như siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, MM Mega Market, Lotte mart… cũng đã hoàn thành kế hoạch dự trữ nguồn hàng.

Trưởng phòng Marketing siêu thị Co.opmart Đà Nẵng Nguyễn Đắc Thuận thông tin, dự kiến, trong quý 4, siêu thị sẽ tăng lượng hàng hóa 30% so với các quý trước, riêng nhóm hàng thực phẩm thiết yếu tăng 40%. Ngoài nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của người dân, đơn vị chuẩn bị các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến và các loại đặc sản vùng miền; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động bán hàng online. Trong khi đó, đại diện Lotte mart Đà Nẵng cho biết, dự báo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa các tháng cuối năm sẽ tăng mạnh nên đơn vị đã chủ động dự trữ nguồn hàng phong phú, tăng đến 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến thời điểm này, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị, Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng… báo cáo công tác dự trữ hàng hóa cũng như các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn giá năm nay để thực hiện.

Tăng cường công tác điều hành giá trong các tháng cuối năm 2022

UBND thành phố vừa ban hành văn bản về việc tăng cường công tác điều hành giá các tháng còn lại năm 2022. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo, giám sát các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các công ty thương mại đầu mối lớn cung ứng lương thực, thực phẩm và một số hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố; tăng cường dự trữ, cung ứng hàng hóa, bảo đảm xuyên suốt, tránh đứt, gãy chuỗi cung ứng; phối hợp với các đơn vị như: Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, nhất là các mặt hàng có biến động tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu giảm để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Sở Y tế tăng cường quản lý, kiểm tra giá kê khai được phân công theo quy định; theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để bảo đảm cung ứng đủ thuốc và vật tư y tế với giá hợp lý phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. 

UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát giá cả, đặc biệt vào dịp lễ, mùa mưa bão, thời điểm cuối năm, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng nhiên liệu, mặt hàng quan trọng để có biện pháp điều hành.

QUỲNH TRANG

.