Kinh tế
Cước vận tải biển giảm, doanh nghiệp thêm thuận lợi
Giá cước vận tải đường biển giảm, tạo thuận lợi cho việc giảm chi phí của doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Công nhân sản xuất tại Công ty CP Lâm sản Xuất khẩu Đà Nẵng. Ảnh: MAI QUẾ |
Giá cước giảm mạnh
Từ giữa tháng 7 đến nay, giá cước vận tải giảm 40-60% so với thời gian đỉnh điểm cuối năm 2021, bên cạnh đó, tình trạng khó đặt tàu và khan hiếm container rỗng đã giảm, không căng thẳng như trước.
Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, Giám đốc Công ty CP Kho vận Liên Chiểu Xanh giải thích, giai đoạn trước giá cước vận tải tăng đột biến chủ yếu do kẹt cảng và thiếu nhân công ở những cảng lớn, nay những khó khăn trên đã được tháo gỡ. Ngoài ra, lạm phát ở châu Âu cũng như diễn biến chính trị trên thế giới dẫn đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân các nước giảm, lượng hàng hóa lưu thông giảm nên giá cước vận tải biển cũng giảm theo.
Hiện giá cước từ Việt Nam đi Mỹ, châu Âu vào khoảng 60-100 triệu đồng/container, bằng 1/3 so với mức giá đỉnh năm 2021 (từ 230-300 triệu đồng/container). Giá cước chặng Việt Nam - Trung Quốc cũng đã giảm 30-50 triệu đồng/container xuống còn 10-15 triệu đồng/container.
Thời điểm cuối năm 2021, cước vận tải biển có khi chiếm đến 1/3 giá trị container hàng nên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng bị giảm bớt lợi nhuận khá nhiều, nay giá cước giảm thì doanh nghiệp thêm thuận lợi. Tuy vậy, hầu hết các chặng đã hình thành mặt bằng giá mới cao hơn giai đoạn trước dịch bệnh khoảng từ 10-15%.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) cho biết, giá cước vận tải biển giảm tác động tích cực tới doanh nghiệp vì giúp giảm chi phí cấu thành sản phẩm, tuy nhiên, vẫn có khó khăn khi chi phí logistics giảm ở tất cả thị trường trên thế giới sẽ tăng yếu tố cạnh tranh.
Vì vậy, lượng đơn hàng của DRC tháng 9 có giảm so với các tháng trước nhưng không đáng kể, dự kiến doanh thu quý 3 năm 2022 của DRC vẫn tăng 25% so với cùng kỳ. Đồng quan điểm, ông Bùi Minh Vũ, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng nhìn nhận, giá cước giảm giúp doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn trong việc đặt tàu, lưu thông hàng hóa cũng nhanh hơn, giảm thiểu tình trạng thiếu nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất cũng như giảm chi phí đầu vào.
Đặc biệt, cước vận tải biển giảm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, bởi phần lớn các hợp đồng thường quy định bên nhập khẩu là bên chịu chi phí vận chuyển.
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy có thêm thuận lợi khi cước vận tải biển giảm nhưng lượng đơn hàng của các doanh nghiệp lại có xu hướng giảm rõ rệt trong các tháng gần đây. Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và kiến trúc Á Châu cho biết, mặc dù doanh nghiệp vẫn duy trì được đơn hàng, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động nhưng dự báo mức tăng trưởng vào cuối năm nay sẽ khó đạt được như kế hoạch đề ra.
Tương tự, theo ông Huỳnh Trinh, Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng, mặc dù đã bước vào mùa sản xuất mới nhưng ngành gỗ, nội thất đang gặp nhiều khó khăn khi xu hướng tiêu dùng của người dân tại thị trường châu Âu, châu Mỹ… chỉ ưu tiên các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lượng đơn hàng của công ty giảm nên doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội cước vận tải giảm để gia tăng đơn hàng.
Theo bà Phạm Thị Lan Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinafco, hiện giá cước vận tải biển quốc tế đã giảm nhưng vẫn cao so với thời điểm trước dịch bệnh. Trong khi đó, cước vận tải biển nội địa vẫn neo ở mức cao, chỉ có một số tuyến từ phía Nam ra là có giảm nhưng không đáng kể. Thông thường, giá cước vận tải biển Việt Nam sẽ giảm sau thế giới 3-6 tháng.
Nguyên nhân là khi thị trường thế giới sụt giảm nhu cầu, các tàu của công ty vận tải Việt Nam đang cho thuê ở nước ngoài mới rút về thị trường nội địa, khi phương tiện vận tải gia tăng thì giá cước vận tải nội địa mới giảm. Phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi bằng đường biển nên giá cước neo cao sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp trong nửa cuối năm.
Ông Dương Tiến Lâm, Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tại Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty CP Asiatrans Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh việc đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu chưa thể khôi phục trong một sớm một chiều thì giá cước vận chuyển giảm nhưng chậm.
Ngoài ra, chi phí lưu kho bãi cũng tăng do nhu cầu lưu kho bãi tăng trong khi nguồn cung chưa đủ đáp ứng, điều này đòi hỏi phải có những giải pháp để doanh nghiệp giảm bớt áp lực về chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
MAI QUẾ