Kinh tế

Đầu tư nâng cấp hạ tầng chợ truyền thống

08:26, 24/10/2022 (GMT+7)

Với cơ sở hạ tầng không ngừng đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, hệ thống các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Hòa Vang tăng mạnh về sức mua, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ Túy Loan. Ảnh: KHÁNH HÒA
Hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ Túy Loan. Ảnh: KHÁNH HÒA

Đầu tư nâng cấp, sửa chữa mới

Hoạt động từ năm 2014, đến đầu năm nay, chợ Lệ Trạch (xã Hòa Tiến) tiếp tục được UBND huyện Hòa Vang đầu tư mở rộng với kinh phí 420 triệu đồng nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo đảm tiêu chí chợ an toàn thực phẩm. Ngoài chợ Lệ Trạch, năm 2022, huyện Hòa Vang tiếp tục xây dựng các chợ hạng 2, duy trì chợ Túy Loan và chợ Miếu Bông là chợ an toàn thực phẩm.

Phấn đấu đến năm 2023, chợ Túy Loan đạt mô hình chợ văn minh thương mại; năm 2024, chợ Lệ Trạch đạt chợ an toàn thực phẩm và năm 2025 lên chuẩn chợ văn minh thương mại. Đối với chợ hạng 3, giai đoạn 2022 - 2025, sẽ đầu tư nâng cấp, sửa chữa các chợ: Hòa Khương, An Ngãi Đông, An Ngãi Tây, Quan Nam, Hòa Phú, Hòa Bắc, Hưởng Phước. Nguồn vốn xây dựng, nâng cấp các chợ được UBND huyện lấy từ nguồn ngân sách thành phố, ngân sách huyện, xã và từ nguồn xã hội hóa do các hộ tiểu thương đóng góp, dự kiến tổng kinh phí hơn 80,61 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Kim Đính, Trưởng ban quản lý các chợ huyện Hòa Vang cho biết, trên địa bàn có 3 chợ lớn, đóng vai trò chợ đầu mối là Túy Loan (xã Hòa Phong), chợ Hưởng Phước (xã Hòa Liên) và chợ Miếu Bông (xã Hòa Phước); riêng chợ Miếu Bông còn là điểm cung ứng hàng hóa cho khu vực giáp ranh với tỉnh Quảng Nam. Cả ba chợ này, ngoài việc đảm nhận cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm cùng các dịch vụ đi kèm phục vụ đời sống người dân, còn cung cấp nguồn hàng cho khu du lịch Bà Nà Hills, Núi Thần Tài, Ngầm Đôi, sức mua tăng mạnh so với các năm trước. Để bảo đảm hoạt động tại các chợ hạng 2, tại mỗi chợ, Ban quản lý các chợ huyện Hòa Vang thành lập 1 tổ quản lý chợ gồm nhiều thành viên để quản lý trực tiếp. Đối với chợ hạng 3, chợ tạm, giao UBND xã tổ chức kinh doanh và quản lý hoạt động theo hình thức tự quản.

Theo đánh giá từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa Vang, ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn chuyển biến tích cực về cơ sở hạ tầng thương mại, hàng hóa; giá trị thương mại - dịch vụ hằng năm tăng hơn 10%. Trong đó, chợ truyền thống vẫn là loại hình tổ chức thương mại chủ yếu, tỷ trọng phân phối hàng hóa tiêu dùng qua kênh bán lẻ truyền thống của huyện chiếm 80-90%. Hiện trên địa bàn huyện có 19 chợ truyền thống, trong đó có 3 chợ hạng 2 là chợ Túy Loan, Miếu Bông và Lệ Trạch, 16 chợ quy mô hạng 3 và chợ tạm với hơn 2.000 hộ tiểu thương kinh doanh ổn định. Số lượng tiểu thương có vốn kinh doanh chiếm hơn 85%, còn lại là hộ mua bán không thường xuyên…

Sớm có văn bản hướng dẫn

Ông Ngô Ngọc Trúc, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa Vang cho biết, việc đầu tư xây dựng các chợ được thực hiện lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn huyện đã đầu tư và đưa vào hoạt động chợ Hòa Nhơn, chợ Mới Ba Xã, chợ Lệ Trạch, chợ tạm Hòa Bắc; hoàn thành nâng cấp các chợ Quan Nam 3, Hòa Khương, An Ngãi Đông, An Ngãi Tây 2, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Châu; đầu tư chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm tại 2 chợ Túy Loan và Miếu Bông. Đối với dự án chợ đầu mối Hòa Phước, đến nay, HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án này.

Công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn huyện chuyển biến tích cực, góp phần đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ, lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt đời sống của nhân dân. Các chợ thu hút, tập trung lực lượng hàng hóa từ các nguồn sản xuất, kinh doanh tại địa phương cũng như các vùng lân cận; cơ bản đáp ứng nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa và tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, trong công tác quản lý Nhà nước về chợ hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc do hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn nhiều nhưng quy mô nhỏ, lẻ. Nhiều chợ cơ sở hạ tầng xuống cấp, không bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; công tác tổ chức quản lý hoạt động, khai thác nguồn thu tại chợ và quản lý tài chính thu, chi tại các chợ xã quản lý còn lúng túng…

Để quản lý, khai thác tốt các chợ truyền thống, UBND huyện Hòa Vang kiến nghị thành phố sớm có văn bản hướng dẫn, quy định về phát triển và quản lý chợ. Ngoài nguồn ngân sách huyện, hằng năm thành phố quan tâm bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các chợ trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tăng cường tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh khai thác chợ hiệu quả.

KHÁNH HÒA

.