Đẩy mạnh thu hút đầu tư, khôi phục phát triển kinh tế

.

Thành phố  triển khai nhiều hoạt động, sự kiện nhằm giới thiệu tiềm năng địa phương, xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.

9 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội thành phố khởi sắc.  Trong ảnh: Kỹ sư đang làm việc tại Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN
9 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội thành phố khởi sắc. TRONG ẢNH: Kỹ sư đang làm việc tại Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư

Hơn 2 năm qua, Covid-19 ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Do đó, để thu hút đầu tư có hiệu quả, Đà Nẵng đã xây dựng chương trình xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp với việc cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo sức hấp dẫn. Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm 2022, thành phố đã ban hành Quyết định số 324/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác liên ngành về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư do Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát và tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; đồng thời tiếp cận và thu hút nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào thành phố. Cùng với đó, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương chủ động hướng dẫn, tư vấn cho nhà đầu tư, chủ đầu tư... từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành “điểm đến hấp dẫn” đối với nhà đầu tư.

Theo Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Huỳnh Liên Phương, nhằm tạo đà tăng trưởng cho thành phố sau thời kỳ “đóng băng” vì dịch bệnh, thành phố tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại, trong đó “Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022” là sự kiện nổi bật. Diễn đàn đã quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của thành phố đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại đây, thành phố trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; chủ trương nghiên cứu đầu tư; thông báo về việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch phân khu; Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đầu tư đề xuất hơn 5,6 tỷ USD.

Trước đó, tại các buổi làm việc và đón tiếp lãnh đạo các tập đoàn như: Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho; đoàn doanh nghiệp Tây Ban Nha; Chủ tịch Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) Odaka Yoshimune; đoàn doanh nghiệp bang Bremen (Cộng hòa Liên bang Đức); đoàn Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); Công ty Metran (Nhật Bản); Tập đoàn ParkCity Property Holdings (Malaysia)..., lãnh đạo thành phố cam kết đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cùng các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư vào Đà Nẵng.

Ông Datuk Seri Yaw Chee Siew, Chủ tịch Tập đoàn ParkCity Property Holdings cho biết, ParkCity đang thực hiện khảo sát các địa điểm đầu tư trên địa bàn thành phố và nhận thấy nơi đây có nhiều tiềm năng. Cùng quan điểm, ông Nakagawa Wataru, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng chia sẻ: “Với sự phát triển kinh tế đa dạng các lĩnh vực từ sản xuất, du lịch đến công nghệ thông tin, thành phố đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư. Với sự tích cực của chính quyền thành phố trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tôi cho rằng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản sẽ đến Đà Nẵng trong tương lai”.

Còn ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Chủ tịch Tập đoàn Jardines Matheson (Pháp) đánh giá Đà Nẵng là một trong những địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư. Hiện các doanh nghiệp trong EuroCham đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng, bên cạnh du dịch, thương mại là các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ thông tin, chuyển đổi số du lịch xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Tiếp nối sự kiện Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, ngày 4-7, thành phố tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Thái Lan - Đà Nẵng 2022, nhằm kết nối đầu tư, thương mại và du lịch với các doanh nghiệp Thái Lan. Tiếp đó, ngày 12-8, thành phố tổ chức “Tọa đàm giới thiệu môi trường đầu tư thành phố Đà Nẵng hướng đến người Việt Nam ở nước ngoài” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội để thành phố Đà Nẵng chia sẻ thông tin về môi trường đầu tư, những chính sách và lĩnh vực thu hút đầu tư của thành phố đến doanh nghiệp và lãnh đạo các hội, hiệp hội doanh nhân, trí thức kiều bào ở nước ngoài.

Mới đây, đoàn công tác của thành phố do Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết dẫn đầu làm việc tại các nước châu Âu. Tại Vương quốc Anh, đoàn đã kêu gọi thúc đẩy hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, đầu tư, tài chính, giáo dục và y tế; quảng bá môi trường đầu tư, thương mại, du lịch và giới thiệu một số dự án trọng điểm, kêu gọi đầu tư của thành phố Đà Nẵng đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng.

Tại Hà Lan, đoàn công tác làm việc với Cơ quan quản lý Cảng Rotterdam nhằm trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực cảng biển, logistics, môi trường, đầu tư, du lịch. Tại Cộng hòa Liên bang Đức, đoàn công tác đề xuất Tập đoàn TUI phối hợp và hỗ trợ thành phố xây dựng, triển khai chiến lược quảng bá điểm đến Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam tới thị trường khách du lịch châu Âu; xúc tiến các chuyến bay charter (thuê chuyến) từ các nước Bắc Âu đến Đà Nẵng và nghiên cứu triển khai, mở thêm thương hiệu TUI tại Đà Nẵng.

Đoàn công tác tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư “Invest Da Nang Seminar” tại bang Bremen. Tại đây, thành phố giới thiệu tiềm năng và lợi thế của Đà Nẵng, trong đó, tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; dịch vụ, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10-2022, trong chuyến thăm làm việc tại 3 nước Ấn Độ, Singapore và Hàn Quốc, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn dẫn đầu làm việc với nhiều tập đoàn, công ty, đối tác nhằm đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động hợp tác về đầu tư, du lịch, thương mại. Tại Ấn Độ, các cuộc hội nghị xúc tiến thu hút sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư.

UBND thành phố cũng đã ban hành kế hoạch xúc tiến và tăng cường mối quan hệ giữa thành phố với các đối tác châu Âu (Vương quốc Bỉ, CHLB Đức, Vương quốc Hà Lan, Cộng hòa Phần Lan, Cộng hòa Pháp, Vương quốc Thụy Điển, Romania, Cộng hòa Bulgari, Cộng hòa Slovakia, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga… và các nước châu Âu tiềm năng) trong giai đoạn 2022-2025.

Các kỹ sư đang làm việc tại Trung tâm Công nghệ thông tin của FPT (quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: T.LÂN
Các kỹ sư đang làm việc tại Trung tâm Công nghệ thông tin của FPT (quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: T.LÂN

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư và các công trình, dự án trọng điểm

Trong 9 tháng đầu năm, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 21 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 7.345 tỷ đồng, gấp 3 lần về số vốn so với cùng kỳ 2021; trong đó có 8 dự án ngoài khu công nghiệp (KCN) với tổng với vốn đầu tư 4.609 tỷ đồng và 13 dự án trong các KCN, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung với tổng vốn đầu tư 2.735 tỷ đồng; cấp mới 37 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 68,474 triệu USD.

Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 39,2% so với cùng kỳ 2021 (tương đương với 1.815 doanh nghiệp). Lũy kế đến hết tháng 9-2022, trên địa bàn thành phố có 737 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 163.889,3 tỷ đồng (trong đó có 355 dự án đầu tư trong nước ngoài KCN với tổng vốn đầu tư 134.683,3 tỷ đồng; 382 dự án đầu tư trong nước trong các khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung với tổng vốn đầu tư trên 29.206 tỷ đồng) và 944 dự án FDI đã cấp với tổng vốn đăng ký 4,062 tỷ USD; có 35.933 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 238.414 tỷ đồng.

Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được chú trọng, trong 9 tháng, thành phố đã đón tiếp 153 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc, tăng 108 đoàn (240%) so với cùng kỳ 2021. Tổ chức thành công các đoàn công tác và xúc tiến đầu tư của lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành ở nhiều nước như Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia châu Âu...

Thành phố tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao. Ước đến cuối tháng 9-2022, giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 của thành phố đạt 3.000 tỷ đồng, đạt 50,3% kế hoạch, cao hơn mức bình quân của cả nước. Thành phố đã khánh thành, đưa vào sử dụng công trình Vườn tượng APEC mở rộng, công trình Cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý; gói thầu số 10 và 12 thuộc dự án Nâng cấp mở rộng cảng cá Thọ Quang; công trình khu nghĩa trang tại thôn An Châu, xã Hòa Phú phân kỳ 2; dự án Cải tạo, nâng cấp đường Tô Hiệu (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến đường sắt Bắc - Nam) và Cải tạo, nâng cấp đường Lâm Hoành; dự án Nhà máy nước Hòa Liên cơ bản hoàn thành…

Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các công trình lớn: Đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, đường ĐH2, tuyến đường vành đai phía tây, tuyến đường vành đai phía tây 2… Tổ chức khởi công các công trình, dự án như: Nâng cấp, tôn tạo Đài Tưởng niệm thành phố và cải tạo, mở rộng Quảng trường 29 tháng 3; dự án Cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn quận Thanh Khê, Liên Chiểu và dự án Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân giai đoạn 3; Kè khẩn cấp chống sạt lở sông Quá Giáng (giai đoạn 1)…

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.