Kinh tế
Nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp
Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập sâu, gây thiệt hại lớn cho nông dân trên địa bàn thành phố. Đến nay, nông dân đang khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng, khắc phục hậu quả và chuẩn bị khôi phục sản xuất, bảo đảm cung ứng cho thị trường cuối năm và nhu cầu người dân trong Tết Nguyên đán sắp đến.
Dự kiến sau 23-10 âm lịch, nông dân mới tập trung sản xuất cho vụ đông xuân và vụ Tết. TRONG ẢNH: Nông dân vùng sản xuất rau an toàn La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) đang dọn dẹp, khắc phục thiệt hại sau lũ. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Sau nhiều ngày ngập trong nước lũ, toàn bộ diện tích rau màu của nông dân tại vùng sản xuất rau an toàn La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) bị thiệt hại hoàn toàn. Ngay sau khi nước rút, nhiều nông dân tại đây tranh thủ dọn dẹp vệ sinh, khử trùng đồng ruộng, làm đất để chuẩn bị sản xuất vụ rau đông xuân.
Ông Hồ Văn Tưởng, nông dân tại vùng rau (trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) cho biết, gia đình ông canh tác hơn 1.000m2 rau màu các loại. Vào mùa mưa, vùng rau thường xuyên bị ngập nước, ông Tưởng cùng nhiều nông dân trong vùng chỉ trồng ở những diện tích trên cao để tránh thiệt hại. Tuy nhiên, trận lụt vừa qua khiến toàn bộ diện tích sản xuất tại vùng rau bị ngập úng, nông dân bị mất trắng.
“Bão vừa qua lại đến trận lụt lịch sử nên nông dân bị thiệt hại nặng nề. Bây giờ, chúng tôi dọn dẹp để đến 23-10 âm lịch trồng trọt trở lại. Trước mắt là trồng các loại rau ngắn ngày cho vụ đông xuân, rồi tập trung cho vụ Tết”, ông Tưởng chia sẻ.
Cách đó không xa, lão nông Lê Hồng Việt (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) cũng đang dọn dẹp, sàng lọc những cây non còn khả năng phát triển để chăm sóc, gieo cấy trở lại, tiết kiệm chi phí mua giống. Được biết, đợt ngập vừa qua, đất sản xuất của ông Việt bị ngâm trong nước 4 ngày. Đối với số cây non được cấy trở lại, ông Việt cho biết sẽ thu hoạch sau 20-25 ngày nữa.
Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau an toàn La Hường cho biết, để kịp thời cung ứng nguồn rau xanh cho thị trường Đà Nẵng sau mưa lũ, nông dân tại vùng đang khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng. Đối với những diện tích đã dọn xong, nông dân cũng lựa chọn xuống giống những loại rau ngắn ngày, cho thu hoạch trong vòng 25 ngày.
Cũng theo ông Trần Văn Hoàng, việc tìm mua giống mới để sản xuất trở lại của nông dân đang gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn giống rau, giá cả tăng… “Nông dân mua giống rất khó mà vụ rau đông xuân thì cần các loại giống mới. Đối với những diện tích rau muống còn sót lại, bà con vẫn giữ, duy trì và lấy giống để cấy lại, phục vụ cho năm tới. Những diện tích rau ở vùng đất cao, nông dân cũng đang dưỡng lại để tìm giống”, ông Trần Văn Hoàng thông tin.
Tại huyện Hòa Vang, nông dân tại vùng sản xuất rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong) cũng đang khẩn trương dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng, khắc phục thiệt hại sau mưa lũ để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân. Sau khi nước rút, một lượng lớn đất, bùn tràn lên các đường trong vùng rau khiến việc đi lại, dọn dẹp gặp khó khăn.
Bà Đặng Thị Hòa, nông dân tại vùng rau cho biết, việc sản xuất vẫn chưa thể khôi phục do đất bị ẩm, mềm, không thể gieo giống. Trước mắt, bà Hòa cùng nhiều nông dân sẽ sử dụng máy cày cày xới rồi bắt đầu rải vôi, khử phèn. Dự kiến, việc sản xuất sẽ trở lại vào tháng 11-2022. Hiện tại, Hợp tác xã dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan đang vận động các xã viên tập trung vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất và xin hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất.
Ông Bùi Dũng, Giám đốc hợp tác xã cho hay, toàn bộ khu vực sản xuất rau nằm trong vùng thấp trũng nên bị ngập hoàn toàn. Các giống rau củ quả bị thiệt hại 100%, không thể tiếp tục sản xuất. Hợp tác xã cũng đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ về giống và các loại thuốc vật tư nông nghiệp để khử đất để bà con trở lại sản xuất, bảo đảm nguồn cung rau xanh cho thị trường thành phố, đặc biệt kịp thời vụ sản xuất phục vụ thị trường trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.
Trong khi đó, đợt mưa lũ khiến toàn bộ diện tích nuôi cá của nông dân tại thôn Phú Sơn 1, Phú Sơn 2 (xã Hòa Khương) bị ngập và mất trắng. Đến nay, các hộ nuôi vẫn chưa thể khôi phục tình hình sản xuất. Theo anh Cao Văn Tới, tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt Hòa Khương, các hộ nuôi cá đang tìm nguồn giống mới, thả cá để tái sản xuất.
Tuy nhiên, chỉ còn vài tháng nữa đến Tết Nguyên đán nên số cá mới thả sẽ không kịp lớn, không thể cung cấp ra thị trường. Đối với việc sản xuất cá thành phẩm, thời gian đến, anh Tới sẽ tìm nguồn cung nguyên liệu tại các địa phương khác, bảo đảm việc sản xuất và cung cấp cho nhu cầu của người trên địa bàn thành phố.
Ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang thông tin, UBND huyện cùng các đơn vị và người dân đang tập trung, khẩn trương khắc phục thiệt hại sau mưa lũ. Những diện tích nông nghiệp bị ngập úng, hư hại, địa phương cũng vận động bà con nông dân ra quân dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng. Dự kiến sau 23-10 âm lịch, nông dân mới ra đồng, tập trung sản xuất cho vụ đông xuân, vụ Tết.
Thiệt hại về nông nghiệp 62 tỷ đồng Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, trong đợt mưa lũ vừa qua, ước tính thiệt hại về nông nghiệp lên đến 62 tỷ đồng. Trong đó, gần 42,6ha diện tích rau màu bị ngập, hư hại; 83,03ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; gần 93.000 con gia cầm, 1.036 con gia súc bị chết trôi; 14.860 chậu hoa đất, 7ha hoa trồng đất, 8.000 nhánh lan mokara và 191.900 bịch nấm bị hư hại; ước tính 50ha ruộng bị bồi lấp khoảng 100.000m3; 18ha rừng bị thiệt hại; 127,78 tấn lúa, gạo, bắp bị ướt… |
VĂN HOÀNG