Kinh tế

Tăng cường xúc tiến, mở rộng thị trường

14:03, 07/10/2022 (GMT+7)

Để mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế trong giai đoạn hiện nay, ngành du lịch thành phố tập trung đẩy mạnh xúc tiến quảng bá ở các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Khách du lịch quốc tế tham quan tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN
Khách du lịch quốc tế tham quan tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, tổng số lượt khách lưu trú tháng 9 ước đạt hơn 120.000 lượt, bằng 87,5% so với tháng trước, tăng gần 27 lần so với tháng cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 75.700 lượt, bằng 93,8% so với tháng trước và cao gấp 41,4 lần so với tháng cùng kỳ. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng còn khiêm tốn so với trước khi xảy ra Covid-19. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng cường liên kết tạo sản phẩm mới, làm mới sản phẩm, truyền thông, xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường để đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Nguyễn Thị Hoài An cho biết, nằm trong chuỗi hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, ngành du lịch thành phố đang hướng đến các thị trường khách du lịch quốc tế tiềm năng như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Cụ thể, trong tháng 8-2022, thành phố kích hoạt thị trường Hàn Quốc với hàng loạt sản phẩm, sự kiện du lịch mới, đặc biệt là du lịch MICE, golf...

“Kỳ vọng của doanh nghiệp về trao đổi khách giữa Hàn Quốc và Đà Nẵng và sự trở lại của thị trường này rất lớn, chúng ta cần thêm các hoạt động quảng bá xúc tiến làm chất xúc tác để củng cố kết nối đối tác và lan tỏa các gói sản phẩm hấp dẫn dành riêng cho thị trường hàng đầu này”, bà Nguyễn Thị Hoài An nhận định. 

Thực tế, ngay khi khởi động lại đường bay quốc tế từ tháng 3-2022 đến nay, đã có 9 hãng hàng không khai thác đường bay trực tiếp giữa Đà Nẵng và các thành phố lớn của Hàn Quốc gồm: Incheon, Busan, Daegu, Muan với tần suất 76 chuyến/tuần, tổng lượt khách Hàn Quốc ước đạt 53.660 lượt... Mặc dù có dấu hiệu khởi sắc nhưng ngành du lịch vẫn cần triển khai nhiều đầu việc để thu hút khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng.

Mới đây, từ ngày 28-9 đến 3-10, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại 3 nước Ấn Độ, Singapore và Hàn Quốc, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng do Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn dẫn đầu làm việc với một số quốc gia nhằm đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động hợp tác về đầu tư, du lịch, thương mại. Tại Ấn Độ, các cuộc hội nghị xúc tiến thu hút sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tại đây, các doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến Đà Nẵng, điểm đến du lịch có nhiều nét tương đồng về văn hóa, ẩm thực, trải nghiệm... Điểm nhấn của đợt xúc tiến du lịch lần này là việc kết nối để nhiều tỷ phú Ấn Độ chọn Đà Nẵng làm nơi tổ chức tiệc cưới.

Ông Satish Ramnani, Giám đốc Công ty sự kiện Veydaa, cho biết đang phối hợp đối tác tại Việt Nam chuẩn bị cho tiệc cưới của gia đình tỷ phú Ấn Độ tại một resort ở Đà Nẵng với khoảng 450 khách trong tháng 1-2023. Ngoài ra, lãnh đạo Sở Du lịch đã có các cuộc tiếp xúc riêng với Công ty Dịch vụ hàng không toàn cầu (GAS) để thúc đẩy chương trình hợp tác giữa công ty và Sở Du lịch trên lĩnh vực xúc tiến du lịch. Tại thị trường Singapore, hoạt động xúc tiến du lịch được triển khai cùng đối tác Singapore Airlines với các hoạt động xúc tiến du lịch, kết nối đường bay đến các thị trường mới như: Úc, Ấn Độ, Indonesia... cũng như mở rộng hoạt động dịch vụ tại Đà Nẵng. Cụ thể, phối hợp tổ chức các đoàn famtrip, presstrip từ Singapore, châu Âu, Úc, Mỹ đến Đà Nẵng, kết nối mời các hãng lữ hành quốc tế tham gia Hội chợ du lịch Việt Nam (dự kiến tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 12-2022). Trước đó, đoàn công tác cũng làm việc với Công ty Asian Tour nhằm xúc tiến các hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch golf.

UBND thành phố cũng đã ban hành kế hoạch xúc tiến và tăng cường mối quan hệ giữa thành phố với các đối tác châu Âu (Vương quốc Bỉ, CHLB Đức, Vương quốc Hà Lan, Cộng hòa Phần Lan, Cộng hòa Pháp, Vương quốc Thụy Điển, Romania, Cộng hòa Bulgari, Cộng hòa Slovakia, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga… và các nước châu Âu tiềm năng) trong giai đoạn 2022-2025.

Mục tiêu của kế hoạch này là đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa thành phố và châu Âu, góp phần phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - châu Âu; khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, đầu tư thế hệ mới mà Việt Nam và các nước EU và ngoài EU là thành viên chính thức. Qua đó tăng cường sự hiểu biết và thu hút sự quan tâm của các đối tác châu Âu về thị trường Đà Nẵng và ngược lại; đẩy mạnh hợp tác toàn diện trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ cao, cảng biển và cảng hàng không, logistics… đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố, hướng tới mục tiêu phục hồi toàn diện và phát triển bền vững. Đồng thời quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến các nước châu Âu, hướng đến mục tiêu trở thành “thành phố đáng sống, điểm đến đầu tư lý tưởng” đối với các đối tác châu Âu.

Theo Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch). Để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch cần đẩy mạnh xúc tiến các thị trường trọng điểm du lịch khác như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông...; tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên, sinh thái; phát huy các sản phẩm du lịch mới theo xu hướng thị trường như du lịch nghỉ dưỡng dài ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, du lịch golf…

THÀNH LÂN

.