Xuất khẩu tăng trưởng tích cực

.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, đặc biệt trong quý 3, tình hình hoạt động xuất khẩu tại thành phố đạt kết quả rất tích cực bởi phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của thành phố có tình hình kinh doanh thuận lợi.

Ảnh: Quỳnh Trang, Đồ họa: Mai Anh
Ảnh: QUỲNH TRANG, Đồ họa: MAI ANH

Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng ổn định

Theo số liệu của Cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố ước tính trong tháng 9 đạt 343 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 41,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 202 triệu USD, tăng tương ứng 0,5% và 45%. Dự kiến 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 2.743,3 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.629,3 triệu USD, tăng 27,3%. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục theo hướng xuất siêu với mức 515,3 triệu USD trong vòng 9 tháng năm 2022, tăng 69,9% so với thời điểm cùng kỳ. Đây là dấu hiệu khá lạc quan trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn.

Theo số liệu từ Sở Công Thương, kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố 9 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, hàng dệt may ước đạt 430 triệu USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ 2021; thủy sản ước đạt 191,5 triệu USD, tăng 22,8%; thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ ước đạt 17,9 triệu USD, tăng 22,6 %; đồ chơi trẻ em ước đạt 79,4 triệu USD, tăng 22,7%; cao su thành phẩm ước đạt 89,5 triệu USD, tăng 25,5%; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 544 triệu USD, tăng 23,4%.

Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP dệt may Hòa Thọ Nguyễn Đức Trị cho biết, 9 tháng năm 2022, doanh thu tổng công ty đạt 3.974 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 95% kế hoạch năm 2022; kim ngạch xuất khẩu đạt 217,6 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 95% kế hoạch năm 2022.

Có được kết quả tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021, một phần nguyên nhân là do dịch bệnh đã được kiểm soát và các thị trường chủ lực của tổng công ty đã khôi phục trở lại sau dịch bệnh. Trong đó, công tác thị trường được triển khai thực hiện khá tốt cho cả hai ngành sợi và may; tận dụng cơ hội thị trường phục hồi tích cực sau dịch, các phòng kinh doanh đã tích cực khai thác đơn hàng để bảo đảm sản xuất theo chuyên môn hóa cho các nhà máy.

Thông tin từ Công ty CP Dược Danapha, tính đến tháng 9-2022, sản phẩm của công ty xuất khẩu sang 20 quốc gia; ghi nhận mức tăng trưởng cao với doanh số xuất khẩu 3,3 triệu USD, đạt gần 90% kế hoạch năm 2022.

Nỗ lực trong những tháng cuối năm

Theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương, mặc dù tại thời điểm quý 1, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về biến động lao động ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất; việc tuyển dụng lao động cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, sang quý 2 và quý 3, hoạt động sản xuất ổn định trở lại, nhiều doanh nghiệp phải tăng tốc để kịp sản xuất đáp ứng đơn hàng. Một số doanh nghiệp lớn của thành phố (trong lĩnh vực dệt may, thủy sản, cao su) có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ước 9 tháng đầu năm khá cao (từ trên 25%).

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng dự báo tình hình xuất khẩu kể từ cuối năm 2022 sang năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn do các biến động của tình hình thế giới có xu hướng gia tăng như: giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí sản xuất tăng, lạm phát tại một số nền kinh tế lớn dẫn đến nhu cầu thị trường giảm...

Theo ông Nguyễn Đức Trị, tình hình kiểm soát dịch bệnh chưa triệt để và tác động tiêu cực của tình hình an ninh chính trị thế giới tác động lên chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, thị trường ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm của công ty. Hiện, công ty đang tích cực triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các phòng ban, đơn vị và chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thực hiện công tác số hóa, chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian đến.

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường, thời gian qua, UBND thành phố ban hành một số cơ chế, chính sách trên lĩnh vực công nghiệp như: chương trình khuyến công, phát triển công nhân lành nghề, xây dựng thương hiệu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin về cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu, lộ trình thực hiện các cam kết hội nhập, giới thiệu cơ hội kết nối giao thương; đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử…

Theo lãnh đạo ngành công thương, Hoa Kỳ là thị trường hấp dẫn và đang dẫn đầu về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, bên cạnh các thị trường xuất khẩu lớn khác như Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ thì tại thành phố Đà Nẵng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của doanh nghiệp thành phố (sau Nhật Bản).

Do đó, đây được cho là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho thị trường Hoa Kỳ, nhất là các mặt hàng nông sản, thủy sản, đồ nội thất, trang trí… bởi đây là các nhóm mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và Hoa Kỳ có nhu cầu lớn.

Tuy có nhu cầu cao, sức tiêu thụ lớn nhưng Hoa Kỳ lại là thị trường khá “khó tính”, có yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, các rào cản kỹ thuật về lao động, môi trường... Để xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ càng để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và đứng vững tại thị trường này một cách lâu dài.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.