Đà Nẵng ưu tiên phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ

.

ĐNO - Chiều 4-11, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND thành phố về định hướng phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Đà Nẵng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì buổi làm việc với đoàn. 

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: QUỲNH TRANG
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: QUỲNH TRANG

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương trong thẩm quyền, chức trách của mình sẽ ủng hộ hoàn toàn tất cả những nội dung đề xuất của UBND thành phố Đà Nẵng. Thứ trưởng đề nghị Sở Công Thương thành phố chủ động làm việc trực tiếp với các đơn vị của bộ về các vấn đề đã đề cập trong buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, định hướng phát triển công nghiệp của Đà Nẵng trong thời gian tới là cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành sử dụng kỹ thuật - công nghệ trung và cao, sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Trong giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, thành phố Đà Nẵng sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn đến phát triển công nghiệp. Những vấn đề lớn trong phát triển công nghiệp đều đã đưa vào Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị Bộ Công Thương ủng hộ việc thành lập Khu phi thuế quan thành phố Đà Nẵng và tạo điều kiện hỗ trợ thành phố nghiên cứu, tham mưu xây dựng các chính sách thực sự vượt trội, giúp tạo động lực để thành phố phát triển trong thời gian đến.

Ngoài ra, hiện nay, thành phố đang triển khai lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó định hướng hình thành các tổ hợp trung tâm thương mại lớn, trung tâm thương mại quốc tế trên địa bàn nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn, là trung tâm phát luồng hàng hóa của khu vực và cả nước.

Vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là cơ sở bán lẻ nước ngoài mở rộng hệ thống phân phối tại thành phố; đồng thời sớm tham mưu cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: QUỲNH TRANG
Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ Công Thương với UBND thành phố Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến cũng như kiến nghị một số vấn đề với Bộ Công Thương. Tổng Giám đốc Thaco Industries Đỗ Minh Tâm cho rằng, Đà Nẵng cần có chính sách để thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển để định hướng cho nhân sự thế hệ trẻ tiếp theo của thành phố, hướng đến ngành học thiết thực, thực hiện tốt chiến lược của thành phố.

Giám đốc Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng Trịnh Thế Cường đề xuất, Đà Nẵng phải thu hút được doanh nghiệp FDI có chuỗi cung ứng, tận dụng chuỗi dịch chuyển bởi thành phố có lợi thế phát triển cảng Liên Chiểu quy mô lớn; tăng cường liên kết với các địa phương lân cận. Ngoài ra, đề xuất Bộ Công Thương quan tâm cho phép Đà Nẵng thành lập một trung tâm cảng vụ hàng hải cấp quốc gia; nâng cấp Cảng cá và âu thuyền Thọ Quang, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) Lê Hoàng Khánh Nhựt kiến nghị, thành phố cần tập trung đầu tư thêm công nghệ cao, đưa các nhà máy thông minh vào vận hành để tăng tính cạnh tranh; đặc biệt, ưu tiên phát triển liên kết kinh tế vùng.

UBND thành phố kiến nghị, đề xuất Bộ Công Thương sớm triển khai thành lập Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng tại thành phố Đà Nẵng trong năm 2022 theo nhiệm vụ đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6-8-2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đà Nẵng sẵn sàng bố trí quỹ đất tại Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng để phục vụ xây dựng trung tâm.

Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, thành phố đề nghị Bộ Công Thương phối hợp hỗ trợ triển khai các nội dung của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025, cụ thể tập trung các nội dung: kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước

Đồng thời xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; kết nối cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng và quốc gia.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3-11-2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Về công tác khuyến công, đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ ngành Công Thương Đà Nẵng đẩy mạnh công tác khuyến công, trong đó ưu tiên đẩy mạnh hoạt động sản xuất sạch hơn, hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị và hoạt động đào tạo, tư vấn nâng cao năng lực quản lý của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Về công tác xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, đề nghị Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ, mời gọi, thu hút các tập đoàn, công ty lớn vào đầu tư, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên của Đà Nẵng.

Trong đó tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp; quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện, giới thiệu các doanh nghiệp đầu tư mới hoặc mở rộng, nâng công suất các dự án sản xuất công nghiệp có thuế tiêu thụ đặc biệt trên địa bàn như bia, thuốc lá, ô-tô,… để tăng thu ngân sách.

Về hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực công nghiệp, đề nghị Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ kinh phí cho Sở Công Thương tổ chức Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại Đà Nẵng theo chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ quốc gia; hỗ trợ các doanh nghiệp thành phố xúc tiến xuất khẩu, tìm kiếm thị trường, đối tác thông qua các Tham tán thương mại, các sàn thương mại điện tử và các Hội chợ quốc tế nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

Ngoài ra, tạo điều kiện để Sở Công Thương và các sở, ban, ngành thành phố tham gia Đoàn công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại về công nghiệp của Bộ Công Thương tổ chức ở nước ngoài.  

Theo báo cáo từ Sở Công Thương, hiện trên địa bàn thành phố có 6 khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và Cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng. Giai đoạn 2011-2021, quy mô giá trị tăng thêm (ngành công nghiệp tăng bình quân 5,67%/năm, trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt mức tăng khá cao là 10,7%/năm. 

Tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp vào cơ cấu GRDP thành phố ngày càng tăng (từ 14,6% năm 2010 lên 14,95% năm 2021). Ngành công nghiệp có đóng góp quan trọng và ổn định trong giải quyết việc làm cho người lao động tại thành phố (chiếm khoảng 30,5% việc làm toàn thành phố giai đoạn 2011-2015, khoảng 26-27% trong giai đoạn 2016-2021).

Công nghiệp hỗ trợ được Đà Nẵng xác định là một trong 3 lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên phát triển góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn vào thành phố.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.