Kinh tế
Phát triển kinh tế bền vững từ trồng rừng gỗ lớn
Để phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn cần có thêm chính sách, hoạt động hỗ trợ, tạo động lực để nhiều hộ dân tham gia. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao giá trị kinh tế từ rừng và phát triển kinh tế rừng bền vững.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, trú xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (bên phải) đang giới thiệu về mô hình trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Qua 4 năm tiên phong trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn tại tiểu khu 22 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), đến nay, ông Nguyễn Hữu Hoàng đã trồng khoảng 55.000 cây lát hoa, 45.000 cây dổi hương, 65.000 cây sưa đỏ, 5.000 cây gỗ hương đỏ, 14.5000 cây cà te, 2.500 cây chò. 4.000 cây thiết lim... trong tổng diện tích khoảng 75,91ha. Đây đều là những loại cây gỗ quý, có giá trị kinh tế cao.
Theo ông Hoàng, việc trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, bởi phần rễ cây gỗ lớn sẽ đâm sâu vào lòng đất, tạo liên kết thảm thực vật, bảo vệ môi trường sinh thái và không gây sạt lở đất đá mỗi khi bão lũ. Tuy nhiên, người trồng rừng gỗ lớn phải đợi thời gian rất dài, thậm chí từ 20-30 năm mới có thể thu lợi nhuận, mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời nguồn vốn đầu tư lớn, tỷ lệ hao hụt cao.
Còn tại Tiểu khu 48 (thôn An Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang), với mong muốn khôi phục hệ sinh thái rừng và tạo không gian xanh, từ đầu năm 2021, anh Nguyễn Văn Chương đã tham gia trồng rừng gỗ lớn.
Trong diện tích khoảng 21ha, nhiều giống cây gỗ quý như: sao đen, cẩm lai, lát hoa, gõ đỏ, long não, sala… được anh phân chia trồng theo từng khu vực, tạo sự đa dạng và dễ dàng quản lý, chăm sóc cây. Trong quá trình trồng, anh gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân công, giống cây phù hợp, kỹ thuật trồng, thời tiết, nguồn vốn đầu tư…
“Thời gian đầu, tôi phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu giống cây, kỹ thuật trồng. Mặc khác, các giống cây gỗ lớn sinh trưởng rất chậm trong vài năm đầu nên việc chăm sóc rất khó khăn. Vì vậy, khi bắt đầu trồng, tôi xác định phải kiên trì và trồng lâu dài”, anh Chương nói.
Phó Trưởng phòng Quản lý sử dụng và Phát triển rừng (Chi Cục Kiểm lâm) Lê Thị Thu Hiền cho biết, việc phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn. Theo đó, điều kiện thời tiết liên tục xảy ra mưa bão, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân trong việc tham gia chính sách, trong khi thời gian trồng rừng gỗ lớn kéo dài từ 10 năm trở lên.
Bên cạnh đó, một số hộ dân do vấn đề chuyển nhượng đất trồng rừng nên thay đổi ý kiến, khi được tổ chức nghiệm thu và giải ngân hỗ trợ thì từ chối nhận và tham gia. Ngoài ra, do diện tích lớn, địa hình phức tạp nên công tác đo đạc hiện trạng xây dựng dự án, nghiệm thu kết quả gặp khó khăn; việc tuyên truyền, phối hợp giữa các xã địa phương và đơn vị tư vấn trong công tác đo đạc ngoài hiện trường không hiệu quả, gây cản trở trong quá trình triển khai...
Tạo động lực từ chính sách, hoạt động hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, việc triển khai chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn của thành phố không chỉ thể hiện sự quan tâm mà còn tạo động lực phát triển kinh tế. Thành phố cần có thêm các chính sách ưu đãi để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân yên tâm trồng rừng.
“Đợt mưa lũ vừa qua, một số lối đi trong khu vực trồng rừng bị hư hại, gây khó khăn cho việc vận chuyển cây giống. Mong rằng, các cấp lãnh đạo sẽ tiếp tục tạo điều kiện để tôi cải tạo lối đi, phục vụ công tác trồng, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trong tương lai”, ông Hoàng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chương cho rằng, kinh phí đầu tư lớn, thời gian trồng rừng lâu khiến người dân không có nguồn vốn tái đầu tư để trồng mới, chăm sóc cây khi gặp sự cố. Vì vậy, các cấp ngành cần cân đối về mặt tài chính để hỗ trợ, chia ra nhiều đợt để người dân. Mặt khác, cần có sự quan tâm, hướng dẫn kỹ càng về quy trình, thủ tục thụ hưởng chính sách, hỗ trợ về vấn đề kỹ thuật trồng rừng, các giống cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu… trong khu vực trồng, tạo thuận tiện cho người dân tiếp cận chính sách dễ dàng.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca, người dân chưa nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng rừng gỗ lớn, cùng với thực hiện thủ tục thụ hưởng chính sách còn khó khăn nên số lượng tham gia không nhiều. Thời gian đến, UBND huyện Hòa Vang sẽ tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng sao số lượng hộ dân tham gia. Qua đó, nâng cao hiệu quả về bảo vệ môi trường, quản lý bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Bà Lê Thị Thu Hiền (Chi Cục Kiểm lâm) cho rằng công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn cần được các địa phương quan tâm, đẩy mạnh hơn. Bên cạnh đó, UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức các chương trình tham quan những mô hình hiệu quả, thành công về trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn tại các địa phương khác. Qua đó, giúp cho các hộ trồng rừng vững tin và nhận thấy được lợi ích, hiệu quả kinh tế từ mô hình.
Theo kế hoạch dự án “Hỗ trợ đầu tư phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng kế hoạch 2021-2025 thuộc giai đoạn 2019-2030”, trong cả giai đoạn, thành phố sẽ thực hiện hỗ trợ người dân trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn với tổng diện tích 789,19ha tại huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu. Trong đó, hỗ trợ trồng mới khoảng 554,27ha; hỗ trợ chuyển hóa rừng khoảng 234,92ha. Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 10,63 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. |
VĂN HOÀNG