Quy hoạch tổng thể quốc gia: Phát triển đột phá các ngành kinh tế biển

.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 138/NQ-CP ngày 25-10-2022 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó xác định: phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; thông qua 4 vùng kinh tế biển.

Thúc đẩy ngành công nghiệp logistics với hệ thống các cảng biển như cảng Tiên Sa.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Thúc đẩy ngành công nghiệp logistics với hệ thống các cảng biển như cảng Tiên Sa. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Nghị quyết nêu rõ, xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn. Phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Vùng biển nước ta được phân thành các vùng chức năng về bảo vệ, bảo tồn, phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh và quản lý sử dụng theo các vùng cấm khai thác, khai thác có điều kiện, khuyến khích phát triển đối với các ngành kinh tế biển và vùng cần bảo vệ đặc biệt cho quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái.

Đặc biệt, Quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng theo các vùng biển và ven biển. Vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình) sẽ tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới. Phát triển một số ngành công nghiệp biển có lợi thế gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển.

Vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ (Thanh Hóa - Bình Thuận) tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ. Cơ cấu lại khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế ven biển. Tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, nhất là cảng biển chuyên dụng gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh) tập trung phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế, gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí. Xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao.

Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Cà Mau - Kiên Giang) tập trung xây dựng phát triển thành phố Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh, mang tầm quốc tế. Phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo, nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tại các đảo kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển.

Đối với thành phố Đà Nẵng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Huỳnh Huy Hòa nhận định, lợi thế của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là kinh tế biển. Theo đó, để Đà Nẵng phát huy tiềm năng và thế mạnh để trở thành trung tâm kinh tế biển tầm cỡ khu vực và quốc tế, cần sớm hoàn thành tuyến đường du lịch ven biển, các tuyến cao tốc… để kết nối vùng gắn với thu hút đầu tư, hiện đại hóa các cảng biển Chân Mây, Liên Chiểu… Việc đầu tư hạ tầng giao thông có tính nội vùng nhưng cũng kết nối các vùng kinh tế lân cận để phá vỡ tính chia cắt do địa hình.

Ông Huỳnh Huy Hòa cũng nêu cơ hội phát triển kinh tế biển đối với thành phố Đà Nẵng thể hiện trong Quyết định số 892/QĐ-TTg ngày 16-7-2022 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030”. Theo đề án, thành phố Đà Nẵng nằm trong trung tâm kinh tế biển và đóng vai trò đầu tàu thực hiện nhiệm vụ phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế, liên kết liên ngành, liên tỉnh khai thác, sử dụng hiệu quả cao các nguồn lực, nguồn tài nguyên biển. Đồng thời, Đà Nẵng tham gia phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển đi liền với phát triển cộng đồng doanh nghiệp liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh, tạo dựng môi trường phát triển các ngành nghề kinh tế biển có sức thu hút, hấp dẫn cao.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.