Đưa sản phẩm "Made in Danang" vươn xa

.

Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) vào các hệ thống phân phối, ngành công thương đã và đang triển khai nhiều chương trình kết nối, hội chợ theo chiều sâu cả về số lượng lẫn chất lượng, với mong muốn đưa các sản phẩm này đến gần hơn người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Công nhân sản xuất sản phẩm yến sào tại Công ty TNHH Yến sào Tiên Sa (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ). Ảnh: VĂN HOÀNG
Công nhân sản xuất sản phẩm yến sào tại Công ty TNHH Yến sào Tiên Sa (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ). Ảnh: VĂN HOÀNG

Kết nối, hỗ trợ xúc tiến thương mại

Đến nay, Đà Nẵng có 40 sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên (năm 2020 có 18 sản phẩm, năm 2021 có 22 sản phẩm), trong đó có 17 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 23 sản phẩm đạt OCOP 3 sao với 36 chủ thể tham gia (10 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã và 20 hộ kinh doanh).

Thời gian qua, để hỗ trợ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thương mại đặc trưng của thành phố có đầu ra ổn định, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, Sở Công Thương đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động xúc tiến thương mại.

Năm 2022, thành phố đã tổ chức 10 đợt hội nghị, chương trình kết nối cung cầu hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm.

Cùng với đó là các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm Đà Nẵng đến với người tiêu dùng như: “Quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng - Đà Nẵng 2022” tại Công viên bờ đông cầu Rồng vào dịp lễ 30-4 và 1-5, quy mô 40 gian hàng; triển lãm sản phẩm OCOP trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á năm 2022 - Routes Asia 2022 (ngày 4 đến 9-6), quy mô 12 gian hàng nhằm giới thiệu sản phẩm, văn hóa của Đà Nẵng đến khách quốc tế; Hội chợ hàng Việt với quy mô 150 gian hàng, trong đó, Sở Công Thương đã bố trí gian hàng trưng bày 27 sản phẩm OCOP, đặc trưng, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Đà Nẵng; Tuần hàng “OCOP - Sản vật Việt Nam phát triển và hội nhập” từ ngày 10 đến 13-11 tại Trung tâm MM Mega Market Đà Nẵng, quy mô 30 gian hàng. Không chỉ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa phương, trong năm 2022, Sở Công Thương tổ chức 8 đoàn doanh nghiệp, trong đó có hơn 50 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu tại các địa phương trong và ngoài nước như: Hà Nội, Bình Định, Quảng Nam, Gia Lai, Huế, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh; 2 đoàn với hơn 20 lượt doanh nghiệp OCOP tham gia các hoạt động giao thương ở nước ngoài như: Hội chợ triển lãm tại Sekong - Lào và Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đà Nẵng và các tỉnh Nam Trung Lào.

Hội nghị kết nối cung cầu Đà Nẵng 2022 có 115 đơn vị sản xuất và phân phối đến từ 27 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: HẢI ÂU
Hội nghị kết nối cung cầu Đà Nẵng 2022 có 115 đơn vị sản xuất và phân phối đến từ 27 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: HẢI ÂU

Nhờ những nỗ lực đó, các doanh nghiệp OCOP đã bước đầu mở rộng thị trường, được người tiêu dùng biết đến. Thông qua các chương trình kết nối, có 29/40 sản phẩm OCOP đưa vào các kênh phân phối tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị mini, siêu thị đặc sản, chợ; 12 nhóm sản phẩm của 9 doanh nghiệp đã được vào 5 siêu thị, trung tâm thương mại lớn.

Tại thị trường trong nước, các đơn vị đã tìm được nhà phân phối tại các tỉnh, thành phố như: Công ty TNHH Mỹ Phương Food (sản phẩm bánh dừa) tiêu thụ hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước; Công ty TNHH Bắc Đẩu (sản phẩm chả mực, cá đét) mở rộng thị trường tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh; Công ty TNHH SXTM Thực phẩm dinh dưỡng Đại Dương (sản phẩm rong biển ăn liền Đại Dương) đã tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung - Tây nguyên; hộ sản xuất tré Ông Chánh mở rộng một số kênh bán lẻ tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh...

Tại thị trường nước ngoài: Công ty TNHH Mỹ Phương Food xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào; Công ty TNHH Bắc Đẩu xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; Công ty TNHH MTV SX và TM Đại Cường (bánh tráng gạo), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Vinseed (mật ong Đông trùng hạ thảo - Dr. Trung) đã bước đầu tiếp cận thị trường Lào, Thái Lan...

Phát huy hiệu quả xúc tiến thương mại trong tình hình mới

Có thể nói, trong thời gian qua, thành phố rất quan tâm và đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; qua đó đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường.

Đơn cử như chương trình “Quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng - Đà Nẵng 2022” đã thu hút sự quan tâm, tham quan và mua sắm của hàng nghìn khách du lịch. Nhiều khách du lịch sau khi dùng thử sản phẩm tại chương trình khi trở về đã liên lạc đặt thêm sản phẩm qua điện thoại hoặc kênh online. Hay tại “Tuần hàng OCOP - sản vật Việt Nam, phát triển và hội nhập” đã có 4 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm Đà Nẵng đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị MM Mega Market.

Tại hội nghị kết nối sản phẩm của Đà Nẵng vào hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố đã có 15 cặp kết nối ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán sản phẩm OCOP với đơn vị sản xuất.

“Các chương trình kết nối trực tiếp giữa đơn vị sản xuất - chủ thể sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thương mại đặc trưng của thành phố với các đơn vị phân phối rất hiệu quả. Chúng tôi đã tìm được nhiều đối tác mới có triển vọng cho đầu ra của sản phẩm ổn định hơn”, bà Mai Thị Ý Nhi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Foods chia sẻ.

Đa số doanh nghiệp OCOP mong muốn tham gia nhiều hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu để tiếp thị sản phẩm. Ảnh: QUỲNH TRANG
Đa số doanh nghiệp OCOP mong muốn tham gia nhiều hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu để tiếp thị sản phẩm. Ảnh: QUỲNH TRANG

Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương cho biết, thời gian tới, ngành công thương tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình quảng bá sản phẩm Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1232/QĐ-UBND ngày 4-5-2022 của UBND thành phố; tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu quảng bá sản phẩm của Đà Nẵng đến với người tiêu dùng Đà Nẵng và các tỉnh bạn; thực hiện các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế bao bì, xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tham gia gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm Đà Nẵng.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong tình hình mới, sở sẽ tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, kỹ năng liên quan đến quản trị doanh nghiệp, an toàn thực phẩm, phát triển thị trường, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh... để từng bước xúc tiến, đưa sản phẩm vào phân phối tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng.

“Sở Công Thương sẽ phối hợp các trung tâm thương mai, siêu thị trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm, tuần hàng… nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, làng nghề, nông sản… của thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố vào hệ thống kênh bán lẻ hiện đại. Chúng tôi cũng hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng các kênh bán hàng, xúc tiến bán hàng trực tuyến bằng các giải pháp tiếp thị đa kênh; đồng thời, phối hợp các cơ quan, đơn vị triển khai kế hoạch phát triển các điểm giới thiệu và bán các sản phẩm của Đà Nẵng tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng trên địa bàn thành phố”, bà Phương thông tin.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.