Kinh tế
Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại
Trong năm 2022, ngành công thương thành phố tổ chức tổ chức 5 hội chợ triển lãm thương mại (Hội chợ Xuân 2022, Hội chợ quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang Kinh tế Đông Tây - EWEC Đà Nẵng, Hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng 2022, Triển lãm Vietbuild Đà Nẵng 2022, Hội chợ Nông nghiệp Hòa Vang 2022) với gần 1.930 gian hàng của hơn 730 lượt đơn vị, DN tham gia.
Hoạt động giao thương trở lại sôi động đã tác động tích cực trong quá trình khôi phục và phát triển chung của thành phố theo chủ đề “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Việc tổ chức hội chợ đã hỗ trợ các DN, nhất là DN vừa và nhỏ, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xúc tiến, quảng bá, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm.
Một số các sản phẩm như: bánh dừa nướng Mỹ Phương, Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa Dr Trung, cà phê Mayaca, nước mắm Hồng Hương, bánh khô mè Bà Liễu mẹ, rong biển Đại Dương... dần khẳng định được vị trí của mình trên thị trường thông qua công tác kết nối, quảng bá, tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.
Các hoạt động thuộc chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối sản phẩm Đà Nẵng vào các kênh phân phối, phát triển và hình thành các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc trưng… tuy mới đẩy mạnh triển khai từ giữa năm 2022 nhưng bước đầu đạt một số thành tựu.
Đến nay đã có 29/40 sản phẩm OCOP đã được đưa vào các kênh phân phối tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị mini, siêu thị đặc sản, chợ; 12 nhóm sản phẩm của 9 DN đã được vào 5 siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Dự kiến trong thời gian tới, hình thành các điểm bán, trưng bày sản phẩm OCOP, đặc trưng… tại các chợ, các trung tâm thương mại, các địa điểm du lịch trên địa bàn thành phố.
Hiện nay đã có 2 điểm bán chuẩn bị khai trương tại chợ Hòa An, chợ Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ), 2 điểm bán đang xây dựng tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), chợ Phú Lộc (quận Thanh Khê), 2 điểm bán đang vận động các tiểu thương tham gia vận hành kiot tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận Hải Châu), chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà), riêng điểm bán tại chợ Hàn đang hoàn thiện, nâng cấp...
Trước tình hình xuất khẩu của DN gặp khó khăn, ngành công thương đã nỗ lực thông tin nhu cầu của các đối tác từ Bulgary, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thụy Sĩ.... cần tìm nhà cung cấp, đơn vị sản xuất tại Việt Nam; đề xuất các hoạt động kỷ niệm quan hệ ngoại giao với các nước Lào, Campuchia, Nhật Bản...; có kế hoạch xúc tiến và tăng cường quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và châu Âu giai đoạn 2022-2025, trong đó tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, công tác xúc tiến thương mại của ngành công thương thời gian qua đã đổi mới về phương thức triển khai. Điển hình là kết nối khách hàng trực tuyến qua các chương trình hội chợ triển lãm, giao thương, trưng bày giới thiệu sản phẩm trên môi trường số.
Tuy nhiên, theo nhận định của DN xuất khẩu trên địa bàn, tình hình thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp với nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn, thương lượng giảm giá...
Trước các thay đổi này, ngành công thương cũng như DN xuất khẩu cần điều chỉnh phương pháp xúc tiến thương mại trực tiếp kết hợp trực tuyến phù hợp với thực tế; tăng cường liên kết trong hoạt động XTTM trong nước và nước ngoài theo hướng xây dựng chiến lược dài hơi, tập trung đúng đối tượng thay vì dàn trải.
Cùng với các giải pháp trên, các hiêp hội, ngành hàng và DN xuất khẩu cũng nhận định rằng, việc tham gia các hội chợ, triển lãm ở trong nước cũng như quốc tế trong thời điểm này là cần thiết. Bởi lẽ khi tham gia những hoạt động này, DN sẽ tìm kiếm được người mua hàng mới, từ đó mở rộng cơ hội xuất khẩu...
HẢI ÂU