Ngày 21-12, Sở Du lịch tổ chức góp ý dự thảo “Kế hoạch phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc của Đà Nẵng”.
Kế hoạch nhằm đa dạng hóa và hình thành hệ thống sản phẩm du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng; góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh điểm đến du lịch Đà Nẵng, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nguồn thu và khai thác hiệu quả chuỗi giá trị và quảng bá, giữ gìn, tăng cường giao lưu các giá trị văn hóa địa phương đến du khách.
Theo đánh giá của Sở Du lịch, hiện trên địa bàn có hơn 4.000 cơ sở ăn uống và 200 nhà hàng, trong đó hơn 2.000 cơ sở ăn uống có quy mô nhỏ và vừa phục vụ món ăn các vùng miền Việt Nam. Các món ăn tại Đà Nẵng tương đối đa dạng về chủng loại, từ đặc sản địa phương đến các món quốc tế. Các món ăn quốc tế thu hút khách trên địa bàn thành phố chủ yếu tập trung vào các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.
Các món ăn thị trường quốc tế mới như Ấn Độ hay Hồi giáo chưa đáng kể và chưa thu hút được khách du lịch nói chung. Các cơ sở ăn uống phân khúc bình dân, tầm trung đáp ứng tương đối nhu cầu của du khách, tuy nhiên thành phố thiếu các cơ sở cao cấp hoặc có sự khác biệt rõ rệt trong trải nghiệm ẩm thực, đặc biệt đối với các món ăn đặc sản vùng miền...
Tại buổi góp ý, các chuyên gia, đại diện các hiệp hội, đơn vị nêu một số vấn đề, trong đó: xác định ẩm thực là sản phẩm du lịch quan trọng đối với Đà Nẵng; thực trạng khai thác kinh doanh ẩm thực trên địa bàn thành phố và cơ sở để định hướng phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch; làm rõ nghĩa về sự “chuẩn vị”, ẩm thực địa phương, ẩm thực đường phố; định hướng phát triển sản phẩm Đà Nẵng theo các nhóm, phân khúc và tiêu chuẩn; phát triển nguồn nhân lực dịch vụ nhà hàng và ăn uống (F&B), đề xuất cơ chế chính sách phát triển đào tạo nhân lực…
VĂN HOÀNG