Kinh tế

Thị trường nhà đất: Người bán nhiều, người mua ít

06:26, 15/02/2023 (GMT+7)

Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, dù đã giảm giá 10-20% so với thời điểm “sốt đất” năm 2019, nhưng tình hình chung trên thị trường bất động sản tại Đà Nẵng vẫn trong cảnh: nhiều người bán, ít người mua, số lượng giao dịch chuyển nhượng nhà, đất gần như chững lại. Tuy nhiên, nhiều người nhận định thời điểm này nhà, đất ở Đà Nẵng đang dần được trả lại giá trị thực.

Theo dự báo của DKRA Group, năm 2023, nguồn cung giảm ở hầu hết các phân khúc, sức cầu chung toàn thị trường ở mức tương đương năm 2022.  Trong ảnh: Khu vực đang phát triển mạnh về loại hình nhà ở, căn hộ, dịch vụ, du lịch tại quận Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Theo dự báo của DKRA Group, năm 2023, nguồn cung giảm ở hầu hết các phân khúc, sức cầu chung toàn thị trường ở mức tương đương năm 2022. TRONG ẢNH: Khu vực đang phát triển mạnh về loại hình nhà ở, căn hộ, dịch vụ, du lịch tại quận Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Giảm giá 10-20%, vẫn ít giao dịch

Thời gian qua, trên nhiều trang mạng xã hội có nhiều thông tin rao bán nhà đất, trong khi đó, số lượng thông tin “cần mua” lại rất ít và rất hiếm những hình ảnh về ký hợp đồng chuyển nhượng hoặc nhận cọc để giao dịch mua, bán được người dùng mạng xã hội đăng lên. Ngoài ra, cũng có nhiều thông tin về nhà đất đã được rao bán từ 1-2 năm nay với giá thấp hơn.

Ông Trần Đình Khánh (quận Ngũ Hành Sơn) buồn rầu nói: “Ngay trước thời điểm “sốt đất” vào năm 2019, tôi vay tiền để mua 1 lô đất ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) với giá 2,35 tỷ đồng. Từ đó đến nay sau nhiều lần giảm giá, lô đất chỉ còn rao bán 2,1 tỷ đồng mà nhiều người ép giá quá. Thực sự là đã lỗ hơn 250 triệu đồng rồi, khó có thể giảm thêm nữa”.

Còn theo một số người có nhà đất cần bán ở quận Sơn Trà, trong năm 2022, nhiều nhân viên ở các sàn giao dịch BĐS đến thu thập thông tin, giá đã giảm nhiều so với năm 2019 và yêu cầu người bán ký với họ một thỏa thuận với chi phí hoa hồng tương ứng với tỷ lệ đến 3%/lô, thay vì 1%/lô như trước đây. Điều này khiến giá nhà đất được rao bán vẫn ở mức cao để bù vào hoa hồng và tiền giảm cho người mua 50-100 triệu đồng/lô khi ngã giá, nên rất khó bán được.

Sau Tết, nhiều người bán nhận được điện thoại bị ép giá xuống thêm trong khi tiền hoa hồng được đòi cao hơn, phổ biến là 100 triệu đồng/lô, tương đương tỷ lệ hoa hồng 4-5%. Bà Trần Thị Thu Hiền (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) bức xúc: “Hai năm qua, tôi đã giảm giá nhiều lần vẫn không bán được đất. Bây giờ, tôi đang bị những người làm môi giới nhà đất ép giá giảm đến 450 triệu đồng, mà chi phí hoa hồng tăng lên 100 triệu đồng. Việc này gây cho cả hai phía là người bán và người mua đều gặp bất lợi và thiệt hại”.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh Hà Văn Thắng (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Từ thời điểm rao bán đất, nhiều đơn vị môi giới đã liên hệ làm việc với tôi nhưng họ đưa ra mức hoa hồng cao. Thậm chí có đơn vị đã yêu cầu mức hoa hồng từ 80-100 triệu đồng/lô đất có giá bán từ 1,5 - 2 tỷ đồng khiến tôi phải đắn đo, trong khi phí môi giới ở Đà Nẵng lâu nay chỉ 1% so với giá bán. Vì thế, tôi chỉ có thể tự tìm hiểu và đăng quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội để mong sớm bán được đất”.

Trong vai người đang có nhu cầu mua nhà, chúng tôi được bên môi giới mời chào nhiều căn nhà trên địa bàn quận Liên Chiểu và Thanh Khê với giá 2-4 tỷ đồng, từ trong kiệt cho đến mặt tiền đường chính rộng 5,5 mét. Điểm chung của những căn nhà này đều được giới thiệu là “chủ nhà cắt lỗ”, rẻ hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2019.

Ông Lê Quang Nam, nhân viên môi giới của văn phòng BĐS David Land (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) cho rằng, những căn nhà được bán vào thời điểm này có giá rất hợp lý và khách hàng nên “xuống tiền” bởi đây là cơ hội tốt để mua được nhà giá rẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Thắng (một nhà đầu tư BĐS ở quận Hải Châu) nhận định: “Đây là thời điểm giá đất, nhà đã trả về giá trị thực. Nhiều người tìm mua nhà đất để ở thực sự sẽ có nhiều cơ hội để chọn mua. Còn đối với những người có đất, nhà mà không cần phải bán gấp thì cứ để vậy, chờ thêm vài năm nữa rồi bán thay vì bán vào thời điểm này sẽ bị lỗ. Cũng có thể một số nhà đầu tư có vốn tồn đọng khoảng 100 tỷ đồng từ nhà, đất sẽ hạ giá sâu để bán bớt vì không chịu nổi lãi suất ngân hàng quá cao. Tuy nhiên, số lượng sẽ không nhiều và hoàn toàn không tạo đột biến trên thị trường BĐS”. 

Ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, thị trường ghi nhận 103 căn nguồn cung mới đến từ 3 dự án trong năm 2022. Trong ảnh: Nhà đầu tư tham quan một căn biệt thự biển được mở bán trong năm 2022. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, thị trường ghi nhận 103 căn nguồn cung mới đến từ 3 dự án trong năm 2022. TRONG ẢNH: Nhà đầu tư tham quan một căn biệt thự biển được mở bán trong năm 2022. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Vì sao ít giao dịch?

Qua quan sát tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính ở các quận, huyện, từ sau Tết Quý Mão đến nay, số lượng hồ sơ liên quan đến chuyển nhượng nhà đất rất ít. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của UBND huyện Hòa Vang, gần như không còn cảnh chen lấn hoặc chờ đợi lâu để nộp hồ sơ liên quan đến đất đai như thời điểm sau Tết Nhâm Dần.

Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Hòa Vang Đinh Viết Trần Thọ cho hay: “Trong thời gian trước và sau Tết đến nay, số lượng người đến giao dịch liên quan đến chuyển nhượng nhà đất là rất ít; có ngày, số lượng giao dịch còn ít hơn ngày bình thường của năm 2022”.

Nguyên nhân của việc giao dịch nhà đất gần như chững lại, rất ít giao dịch được diễn ra thời gian qua chủ yếu là khó khăn về tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như kinh tế - xã hội sau Covid-19. Bên cạnh đó, nguyên nhân từ lãi suất ngân hàng tăng cao; hạn chế về room tín dụng BĐS....

Ông Nguyễn Hữu Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS Protech (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) nhận định, giá BĐS tại thành phố đang giảm tới mức thấp nhất trong 3 năm qua. Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư, môi giới đã rút lui, bỏ cọc khi nhu cầu sụt giảm do kinh tế khó khăn, tăng lãi suất cho vay từ các ngân hàng.

“Trước đây, khi mua nhà nhiều người sẽ có tâm lý vay 30-50% giá trị hợp đồng để trả trong khoảng 10-20 năm. Tuy nhiên, đó là thời điểm lãi suất vay ở dưới mức 10%/năm, còn hiện nay lãi suất vay có nhiều ngân hàng hơn 12%/năm, nhiều người vì thế mà không còn có nhu cầu vay tiền từ các ngân hàng để mua BĐS”, ông Đức chia sẻ.

Trong khi đó, ông Lê Đình Thanh, đại diện một doanh nghiệp BĐS tại quận Hải Châu nhận định: “Nguyên nhân căn bản là sức mua không có nên dù có giảm giá thì thị trường BĐS vẫn gần như chững lại. Theo dự đoán từ nay đến giữa năm 2023, tình hình thị trường BĐS tại Đà Nẵng sẽ tiếp tục giảm. Một số doanh nghiệp BĐS đã phải sa thải nhiều nhân viên, chỉ giữ lại những người, bộ phận chủ chốt. Dự kiến đến cuối năm 2023, thị trường BĐS tại Đà Nẵng sẽ sáng hơn”.

HOÀNG HIỆP - CHIẾN THẮNG

.