Kinh tế

'Tối hậu thư' với 3 dự án PPP cao tốc Bắc Nam

08:46, 08/02/2023 (GMT+7)

Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) vừa có báo cáo về tình hình thi công 3 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn I 2017 - 2020 triển khai theo phương thức đối tác công - tư (PPP): Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt.

Cảnh báo

Mặc dù đến thời điểm này, các dự án có sản lượng thi công tổng thể chung vẫn đáp ứng tiến độ, nhưng nhiều gói thầu vẫn "ì ạch". Theo kế hoạch, trong năm 2023, dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm sẽ là dự án PPP đầu tiên trên tuyến cao tốc Bắc Nam cán đích.

Công trường thi công dự án cao tốc thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Công trường thi công dự án cao tốc thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt có chiều dài 49,3 km, tổng vốn đầu tư hơn 11.157 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 5-2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 5-2024; dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm có chiều dài 49,1 km, tổng vốn đầu tư hơn 5.524 tỷ đồng, khởi công từ tháng 9-2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2023; dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo có chiều dài 78,5 km, tổng vốn đầu tư hơn 8.925 tỷ đồng, khởi công từ tháng 9-2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2024.

Theo rà soát, dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm đang tăng tốc để bù tiến độ chậm trong năm 2022. Còn tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, tiến độ thi công đang bám sát kế hoạch yêu cầu, sản lượng thi công dự án đến nay đạt 36,16% giá trị hợp đồng. Phần việc quyết định đến tiến độ dự án thuộc phạm vi của Công ty 194, song việc thi công của nhà thầu đang chậm, nhất là các hạng mục đào đắp nền đường, thi công cầu ngắn... Bộ GTVT đã có văn bản phê bình Ban Quản lý dự án 85 và yêu cầu chủ đầu tư rà soát lại năng lực của nhà thầu, xem xét, điều chuyển khối lượng công việc hoặc xem xét chấm dứt hợp đồng với nhà thầu không đáp ứng.

Đáng chú ý, dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt đến đầu tháng 2-2023, lũy kế sản lượng thi công dự án mới đạt 25% giá trị hợp đồng, chậm 3,98% so với tiến độ điều chỉnh. Nguyên nhân là do một số tồn tại chưa được giải quyết triệt để, kéo dài như: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina 2 chưa nộp đủ vốn chủ sở hữu làm ảnh hưởng đến nguồn vốn và công tác thanh toán cho các nhà thầu; chưa lập lại tiến độ chi tiết phù hợp với tiến độ tổng thể, chưa tổ chức tăng ca, tăng kíp để bù lại khối lượng bị chậm, đặc biệt công tác xử lý nền đất yếu...

Mới đây, Bộ GTVT đã chủ trì đoàn kiểm tra hiện trường, yêu cầu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu tăng cường nhân lực trên công trường thi công dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, đặc biệt là nguồn lực tài chính, làm tăng ca để bù lại tiến độ đã bị chậm. Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã ra văn bản yêu cầu trong thời gian tới, nếu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án tiếp tục chậm tiến độ, Ban Quản lý dự án 6 căn cứ các quy định hợp đồng BOT đã ký kết, kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn diện khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT, đề xuất giải pháp xử lý theo quy định.

Đẩy nhanh tiến độ

Duy trì thi công xuyên Tết Nguyên đán 2023 đến nay, theo ông Lê Đức Hào, Giám đốc Ban điều hành dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2023, sản lượng thực hiện tại gói thầu sẽ đạt hơn 604 tỷ đồng, giá trị nghiệm thu hơn 608 tỷ đồng. Nhà thầu dự án đang phát động đợt thi đua “Đoàn kết, lập công, quyết thắng” trên công trường; yêu cầu các đơn vị thi công ký kết giao ước thi đua để quyết tâm tăng tốc tiến độ.

Dưới sự hỗ trợ của Ban Quản lý dự án 6 (đại diện nhà đầu tư) và sự vào cuộc quyết liệt của nhà thầu, tiến độ thi công trên công trường đang dần lấy lại. Xác định khối lượng công việc của dự án còn lại không nhỏ, các nhà thầu hiện nay đều phải xây dựng kế hoạch thi công hàng tuần, hàng ngày, huy động thêm nguồn lực trong trường hợp cần thiết, tăng ca, tăng kíp để bù sản lượng cho thời gian không thi công, nhằm bắt kịp và vượt tiến độ đề ra.

Song song với tiến độ thi công tại hiện trường, các nhà thầu đang đẩy mạnh nghiệm thu, thanh toán thu hồi vốn, giảm giá trị dở dang ở mức thấp nhất, bảo đảm quay vòng vốn nhịp nhàng cho thi công. Trong tháng 1-2023, riêng một số nhà thầu đã vinh dự được Chính phủ, Bộ GTVT giao nhiệm vụ tiếp tục tham gia thi công các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025.

Theo hợp đồng, dự án thành phần cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ hoàn thành vào tháng 3-2024. Tuy nhiên, nhà đầu tư dự án đã cam kết rút ngắn tiến độ, đưa dự án vào khai thác vào cuối năm 2023. Ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (nhà thầu Đèo Cả) cho biết, trên công trường dự án, đơn vị đã lên kế hoạch tăng tốc thi công các gói thầu hầm, cầu, đến thời điểm này trên toàn công trường dài gần 80 km, ngoại trừ các vị trí cầu lớn và hầm Núi Vung, công tác thi công nền đường đã đạt gần 80%.

Về tiến độ, đoạn Km54+000 - Km92+260 (của Công ty 194 thực hiện): Công ty 194 đã huy động khoảng 500 cán bộ, công nhân viên và hơn 250 thiết bị thi công. Phân đoạn Km92+260 - Km134+000 (của Đèo Cả thực hiện) đang huy động 1.500 cán bộ, công nhân và hơn 500 thiết bị phục vụ thi công đến dự án. Sản lượng thực hiện đến đầu năm 2023 là 1.675/4.546 tỷ đồng, đạt 36,85%.

Hạng mục quan trọng nhất của dự án là hầm Núi Vung dài hơn 2 km đang dần được nối liền, khơi thông tuyến đường xuyên núi. Không chỉ tiến độ, các đơn vị thi công cũng đặt chất lượng công trình là mục tiêu hàng đầu, huy động vào công trường lượng lớn nhân lực và máy móc, thiết bị hiện đại. Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, gặp không ít khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp, đá, cát. Đơn vị đã chủ động đánh giá chất lượng vật liệu đá từ khoan hầm, làm nền đường để phân loại và tận dụng tối đa; xay nghiền thành các loại cốt liệu cho bê tông xi măng, bê tông nhựa, móng đường cấp phối đá dăm, vì vậy, cơ bản chủ động được nguồn vật liệu tại chỗ... Dự kiến, tháng 3-2023, nhà thầu dự án sẽ thông hầm Núi Vung, tháng 9-2023 sẽ xong phần đường, bảo đảm mục tiêu cuối năm 2023 hoàn thành.

Riêng dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2023, nhưng các nhà thầu thi công đang quyết tâm hoàn thành sớm 3 tháng, thông xe kỹ thuật vào tháng 6-2023. Đến thời điểm này, dự án đã được bàn giao mặt bằng 48,1/49,1 km, đạt tỷ lệ 98,5%. Phần mặt bằng chưa được bàn giao do vướng một số công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan đến đường điện. Trên công trường dự án hiện nay, Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (doanh nghiệp dự án) đang huy động hơn 1.000 công nhân thay phiên làm việc 3 ca, với 52 mũi thi công (3 mũi thi công mặt đường, 4 mũi thi công móng đường, 6 mũi thi công nền đường; 25 mũi thi công cầu; 2 mũi đúc dầm; 12 mũi thi công cống) để đẩy nhanh tiến độ...

Theo baotintuc.vn

.