Kinh tế

Lãi suất giảm, vẫn khó vay

07:53, 06/03/2023 (GMT+7)

Sau định hướng giảm lãi suất cho vay gần đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một số ngân hàng thương mại có tín hiệu giảm hoặc đưa ra các gói có lãi suất cho vay khởi đầu khá thấp (khoảng 7,5-10,5%/năm). Tuy nhiên, diễn biến trên chưa mở rộng và các ngân hàng chủ yếu áp dụng với những khoản vay ngắn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận gói vay với lãi suất tốt.

Các doanh nghiệp cho biết tuy lãi suất giảm nhưng khó tiếp cận.  Trong ảnh: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q
Các doanh nghiệp cho biết tuy lãi suất giảm nhưng khó tiếp cận. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q

Khó tiếp cận gói vay lãi suất thấp

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất keo ghép, Công ty TNHH Sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) nhập 1-2 container nguyên liệu/tháng với tổng giá trị 2-5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thanh Phước, giám đốc công ty cho biết, nguồn vốn xoay vòng rất quan trọng, đặc biệt thời điểm này, doanh nghiệp cần số vốn lớn hơn để tăng sản xuất.

Công ty thường vay vốn tại 4 ngân hàng thương mại đã có quan hệ đối tác, tuy nhiên, cuối tháng 1 vừa qua, 2 trong 4 ngân hàng vẫn áp lãi suất quá cao, ở mức 9%/năm cho khoản vay ngắn hạn (dưới 6 tháng) nên công ty đã tất toán khoản vay tại 2 ngân hàng này. Hiện công ty chỉ còn vay tại 2 ngân hàng đang áp dụng lãi suất 6,5%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 2 ngân hàng này cũng chưa có động thái nào về giảm lãi suất. Còn với 2 ngân hàng mà công ty đã tất toán vào tháng 1, mới đây, công ty liên hệ để hỏi các ngân hàng đã giảm lãi suất chưa nhưng hai đơn vị này cho biết vẫn chưa giảm.

Trong khi đó, ông Ngô Bảo Thiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải du lịch và dịch vụ thương mại Long Hiền thông tin, 1 trong 4 ngân hàng thương mại đối tác của công ty thông báo có gói vay ngắn hạn mới với lãi suất giảm (từ 9% xuống 8,2%), tuy nhiên, đa số các khoản vay này rất khó tiếp cận, chủ yếu chỉ dành cho các khách hàng cao cấp, chứ những công ty nhỏ và vừa thì ngân hàng yêu cầu cao với các chỉ tiêu doanh số, lợi nhuận. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ có nhu cầu giảm lãi suất khoản vay hiện hữu chứ không có nhu cầu vay mới, thì hỗ trợ này cũng chưa giúp được doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mây tre An Khê cho biết, HTX đang vay vốn tại một ngân hàng thương mại và có điều chỉnh giảm lãi suất từ 11,5% xuống 10,5% với gói vay trung hạn. Song, với nhu cầu vốn lớn, dao động 1-1,3 tỷ đồng/tháng để nhập 200 tấn mây nguyên liệu, chưa kể các chi phí nguyên, vật liệu khác, việc chỉ vay tại một ngân hàng thương mại khiến HTX rất khó xoay xở về nguồn vốn. Từ tháng 12-2022, HTX nộp đơn để vay vốn tại một ngân hàng thương mại khác với lãi suất trung hạn hiện nay khoảng 9,5%, tuy nhiên vẫn chưa được phê duyệt. Hiện, HTX phải tiếp tục vay tại ngân hàng thương mại đang có quan hệ đối tác, chấp nhận lãi suất cao vì lãi suất thấp rất khó tiếp cận.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Đà Nẵng đang tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Trong ảnh: Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: M.Q
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Đà Nẵng đang tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. TRONG ẢNH: Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: M.Q

Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng

Có thể thấy, so với giai đoạn cao điểm cuối năm 2022, lãi suất hiện nay giảm 0,5-2%/năm tùy theo lĩnh vực và kỳ hạn. Tuy vậy, việc giảm lãi suất cho vay chưa thực sự diễn ra trên diện rộng, mới chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng với từng gói được thiết kế riêng dành cho một số ngành, doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh cụ thể và phần lớn là kỳ hạn ngắn.

Đối với các khoản vay kỳ hạn dài hơn, doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất cao, chẳng hạn 6 tháng sẽ ở mức 10-10,5%/năm, hay trên 12 tháng sẽ ở mức 11-12%/năm. Các doanh nghiệp cho rằng, việc giảm lãi suất và duy trì khoảng 8% là ổn định nhất cho doanh nghiệp, còn trên 9% là rất khó khăn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường sẽ phải chấp nhận giảm lợi nhuận để bù vào chi phí.

Ông Lê Trường Kỹ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng kỹ thuật DINCO thông tin, công ty quan hệ đối tác với 3 ngân hàng thương mại, trong đó 1 ngân hàng đang áp lãi suất vay ngắn hạn 8,2%, còn lại 2 ngân hàng khác là 10%. Đến nay, công ty chưa nhận được thông báo nào từ các ngân hàng đối tác về việc giảm lãi suất cho vay.

Hiện công ty cũng như nhiều doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất, vì nếu chuyển gói vay trung và dài hạn sẽ lập tức bị tính lãi suất ở mức 10-12%/năm. Các doanh nghiệp mong muốn được vay khoản vay 9%/năm với thời hạn kéo dài 6-12 tháng để ổn định sản xuất kinh doanh, nếu vay ngắn hạn để phục vụ cho kế hoạch dài hạn thì doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ, bởi nếu vay nhiều mà chưa bán được hàng thì có thể phải chịu lãi suất khi đáo hạn nợ.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng cho biết, việc duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý cho các doanh nghiệp khi vay vốn, tạo điều kiện để doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, tạo ra lợi nhuận từ nguồn vốn là mong muốn của các ngân hàng.

Do đó, chi nhánh vừa ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Chi nhánh cũng thường xuyên trao đổi với các hội, hiệp hội doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp phản ánh với Ngân hàng Nhà nước để được hỗ trợ nếu ngân hàng thương mại không giải quyết được vướng mắc.

Chi nhánh đã tổng hợp các ý kiến tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức vào đầu tháng 3-2023. Qua đó, đề nghị các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng sớm giải đáp và hỗ trợ doanh nghiệp.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh
Qua khảo sát một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn thành phố cho thấy, sự biến động bất lợi từ thị trường thế giới dẫn đến khó khăn trong xuất khẩu, đơn hàng giảm cả về số lượng và quy mô ở cả trong nước và nước ngoài…

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Đà Nẵng ước tính giảm gần 9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 1,3%). Do nguồn nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nguồn cầu tiêu thụ hàng hóa bị sụt giảm… đã buộc nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn (Công ty CP Dệt May 29/3; Công ty CP Hữu Nghị Đà Nẵng; Công ty CP Cao su Đà Nẵng...) phải cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm việc, cho người lao động nghỉ việc luân phiên, tạm ngừng dây chuyền sản xuất để cân đối thu chi, duy trì bộ máy hoạt động. (Nguồn: Cục Thống kê Đà Nẵng)

MAI QUẾ

.