Năm 2023, triển khai hai dự án giao thông trọng điểm

.

Sở Giao thông vận tải cho biết, trong năm 2023, thành phố sẽ triển khai hai dự án giao thông trọng điểm là cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B với tổng mức đầu tư 2.900 tỷ đồng theo phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải. Đây là hai dự án động lực trọng điểm của thành phố nên đang được gấp rút hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để kịp khởi công trong năm 2023 và hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2025.

Đoạn tuyến cao tốc Hòa Liên - Túy Loan (hiện là 1 phần đường tránh nam Hải Vân) là 1 trong 2 dự án giao thông trọng điểm được triển khai trong năm 2023. Ảnh: THÀNH LÂN; đồ họa: ANH DUY
Đoạn tuyến cao tốc Hòa Liên - Túy Loan (hiện là 1 phần đường tránh nam Hải Vân) là 1 trong 2 dự án giao thông trọng điểm được triển khai trong năm 2023. Ảnh: THÀNH LÂN; đồ họa: ANH DUY

Hai dự án trọng điểm, quy mô lớn

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), dự án xây dựng cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn qua Đà Nẵng, có tổng chiều dài khoảng 11,5km với điểm đầu tuyến tại vị trí tiếp giáp nút giao thông Hòa Liên (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) và điểm cuối tại vị trí tiếp giáp nút giao thông Túy Loan (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) với tổng mức đầu tư gần 2.113 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 951 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 942 tỷ đồng. Về phân bổ nguồn vốn, năm 2022 dự kiến bố trí 4,6 tỷ đồng; năm 2023 bố trí 678 tỷ đồng; năm 2024 bố trí 906 tỷ đồng và năm 2025 bố trí hơn 565,5 tỷ đồng. Dự án được chia thành 2 giai đoạn gồm giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 6 làn xe.

Đường gom song hành được đầu tư dọc hai bên tuyến với quy mô bề rộng nền đường 9m, bề rộng mặt đường 7m. Tiếp đó là giai đoạn hoàn thiện. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến 2025.

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B đoạn qua địa bàn Đà Nẵng từ nút giao thông Túy Loan đến giáp địa phận tỉnh Quảng Nam có tổng chiều dài khoảng 7,55km với điểm đầu tuyến tại Km24+633 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) và điểm cuối tuyến tại Km32+185 (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) có tổng mức đầu tư hơn 788 tỷ đồng.

Giám đốc Sở GTVT Bùi Hồng Trung cho biết, dự án được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư với giá trị 788,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước (nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn vốn ngân sách của thành phố). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT khoảng hơn 430 tỷ đồng (đầu tư 4 làn xe với bề rộng nền đường 20,5m); vốn ngân sách thành phố trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khoảng gần 358 tỷ đồng (đầu tư phần mở rộng lên 6 làn xe, bề rộng nền đường lên 34m).

Đây là tuyến đường trục chính đô thị, vận tốc thiết kế 80km/h, quy mô 6 làn xe, trong đó 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Tại kỳ họp thứ 6 (kỳ họp chuyên đề) ngày 14-6-2022 của HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND thành phố đã thống nhất thông qua tờ trình bố trí đủ vốn ngân sách địa phương tham gia dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B, đoạn qua địa bàn Đà Nẵng.

Quốc lộ 14B, đoạn qua Đà Nẵng hiện quá tải. Ảnh: T.L
Quốc lộ 14B, đoạn qua Đà Nẵng hiện quá tải. Ảnh: T.L

Tập trung giải quyết vướng mắc để sớm khởi công

Theo ông Tạ Gia Mạnh Hưng, Trưởng phòng Điều hành dự án 2 (Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh), dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông được giao cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư để triển khai thực hiện.

Đến nay đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật đã thực hiện xong công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn... cũng như đang tiến hành công tác thiết kế kỹ thuật. Bên cạnh đó, dự án đã triển khai xong công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng (GPMB), Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh đã bàn giao hồ sơ và cọc GPMB cho các bên liên quan của địa phương vào ngày 31-1-2022 và công bố quy hoạch dự án tại 3 địa bàn xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.

Cũng theo ông Hưng, theo quy định hiện hành, vai trò chủ đầu tư tiểu dự án GPMB chưa được xác định rõ ràng dẫn đến hiện nay dự án đang vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện GPMB. Trong khi đó, dự án có 10 vị trí giao cắt với đường dây 110KV, 220KV và 500KV.

Trong đó, có 4 vị trí giao cắt đường dây 500kV và 3 vị trí giao cắt đường dây 220kV, không bảo đảm an toàn theo quy định và phải di dời, thay mới trụ điện. Ngoài ra dự án có 5 vị trí giao cắt với đường cáp quang với tổng chiều dài khoảng 4,5km và 4 vị trí giao cắt đường cấp nước với tổng chiều dài khoảng 4,3km.

Vì vậy, Ban quản lý dự án đề xuất để khởi công dự án trước ngày 15-7-2023 theo kế hoạch đề ra, các ngành chức năng của thành phố sớm hoàn thiện các thủ tục giao chủ đầu tư tiểu dự án GPMB và thực hiện công tác GPMB (đo đạc hồ sơ kỹ thuật và bản đồ hiện trạng để triển khai công tác kiểm đếm, áp giá và chi trả; chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa và đất rừng; công tác quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư…).

Đồng thời giao cho đơn vị của địa phương đủ chức năng tổ chức triển khai thực hiện di dời các công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các đường điện cao thế trên tuyến (những hạng mục thường mất rất nhiều thời gian và thủ tục pháp lý); sớm chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác tái định cư tại hai xã Hòa Nhơn và Hòa Sơn; xem xét cho phép gia hạn các mỏ đất đang còn trữ lượng để cung cấp cho dự án với nhu cầu khoảng 1 triệu m3

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.