Phát triển du lịch gắn với thương mại, dịch vụ - Bài 2: Nắm tay nhau cùng đi

.

Để khai thác lợi thế điểm đến, tận dụng tối đa thời gian của khách du lịch cần có sự phối hợp, chuẩn bị chu đáo của hai ngành du lịch và thương mại. Việc tính toán khoa học, bố trí tour du lịch hợp lý sẽ giúp khách vừa tham quan được nhiều điểm đến, vừa có thời gian mua sắm thoải mái trong lịch trình của mình.

Để các sản phẩm mang thương hiệu du lịch Đà Nẵng được biết đến nhiều hơn, một số đơn vị thường xuyên tham gia các chương trình, quảng bá giới thiệu sản phẩm.  Trong ảnh: Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng trưng bày sản phẩm lưu niệm đặc trưng tại Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á - Routes Asia 2022. Ảnh: THU HÀ
Để các sản phẩm mang thương hiệu du lịch Đà Nẵng được biết đến nhiều hơn, một số đơn vị thường xuyên tham gia các chương trình, quảng bá giới thiệu sản phẩm. TRONG ẢNH: Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng trưng bày sản phẩm lưu niệm đặc trưng tại Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á - Routes Asia 2022. Ảnh: THU HÀ

Kích thích “tiêu tiền” bằng sản phẩm đặc trưng

Mua sắm là nhu cầu không thể thiếu trong chuyến đi của khách du lịch. Mỗi thị trường khách thường có các nhu cầu khác nhau như: khách châu Á thường thích mua hạt điều, cà phê, may áo dài nhanh, trái cây sấy khô, đồ tiêu dùng (thực phẩm) để làm quà tặng. Khách châu Âu thiên về các sản phẩm lưu niệm.

Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên Đà Nẵng Võ Văn Anh cho hay, các tiểu thương bán hàng tại chợ Hàn hiện nay khá nhanh nhạy trong nắm bắt tâm lý của du khách. Ngoài việc chuẩn bị các mặt hàng đặc sản như trái cây khô, hải sản khô, túi xách…, tiểu thương còn chủ động trong ngôn ngữ giao tiếp, nhiều người tự học thêm các tiếng Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… để tiếp cận, mời khách mua hàng, dùng thử sản phẩm bày bán. Qua đó mang lại cho du khách cảm giác an tâm khi được trải nghiệm, thưởng thức trước sản phẩm mình sẽ mua.

Tuy nhiên, để phục vụ khách tốt hơn, tiểu thương tại các chợ nên bảo đảm chất lượng hàng hóa. Riêng sản phẩm lưu niệm cần có đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã. Nếu các mặt hàng này được quan tâm, đầu tư sẽ thu hút được các thị trường khách.

Bà Nam Định, chủ quầy hàng nông đặc sản tại chợ Hàn, cho biết nhiều năm buôn bán tại chợ, thường xuyên tiếp xúc với khách du lịch nên biết rõ du khách rất yêu thích chợ truyền thống. Cùng một mặt hàng, nhưng nếu để chọn lựa mua sắm ở chợ và cửa hàng, khách sẽ thích đến chợ hơn bởi chợ không chỉ là nơi mua bán mà còn mang cả đặc trưng, văn hóa, cái “hồn” của điểm đến.

“Muốn giữ chân du khách lâu dài cũng như để khách đi du lịch thập phương trở về còn nhắc đến Đà Nẵng, liên hệ đặt hàng hoặc giới thiệu người thân, bạn bè mua hàng thì trước tiên, mỗi tiểu thương phải là những người bán hàng vui tính, uy tín. Giữ được chợ truyền thống, phát huy tính văn minh thương mại, tiểu thương sẽ góp phần vào sự phát triển của du lịch nói riêng, thành phố nói chung”, bà Định nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Giám đốc Công ty CP Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát (Hava Travel), cho rằng việc tham quan kết hợp mua sắm là điều cần thiết trong một chương trình du lịch. Hiện nay, Hải Vân Cát nói riêng, các đơn vị lữ hành nói chung đều đưa các điểm tham quan mua sắm tại các siêu thị đặc sản, các chợ địa phương vào một phần của chương trình tour nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như kích thích tiêu dùng trong du lịch.

“Tâm lý của khách, nhất là khách nội địa khi đến một địa phương khác thường rất tò mò về lối sống, văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương. Du khách thích đến các chợ truyền thống để trải nghiệm; tại mỗi chợ sẽ có những sản phẩm, những mặt hàng đặc trưng rất riêng không dễ tìm thấy được ở những nơi khác hoặc các cửa hàng hay siêu thị lớn; từ đó họ sẽ có nhu cầu muốn mua sắm để mang về làm quà tặng, quà biếu, kỷ niệm chuyến đi”, ông Thiện chia sẻ.

Để bổ sung vào chuỗi sản phẩm quà tặng lưu niệm dành cho du khách, chị Trần Mỹ Quyên, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Minh An, chọn phân phối các sản phẩm mô hình cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, cầu vượt Ngã ba Huế, Trung tâm Hành chính thành phố… bằng tăm tre của anh Hứa Văn Minh (quận Sơn Trà). Hay như những sản phẩm được chạm khắc tinh xảo trên mặt gỗ mang hình ảnh các di tích, danh thắng của Đà Nẵng như: cá chép hóa rồng, các cây cầu, vòng quay mặt trời… của cơ sở sản xuất đồ lưu niệm Conomi (quận Hải Châu).

Chị Quyên cho biết, những mặt hàng do chính những người Đà Nẵng sản xuất, mang hình ảnh, bóng dáng của các danh lam thắng cảnh, di tích của thành phố khi đến được tay du khách sẽ không còn là một sản phẩm lưu niệm đơn thuần nữa mà khi theo chân khách sản phẩm đó đã góp phần giới thiệu, quảng bá thêm hình ảnh về điểm đến Đà Nẵng.

Những sản phẩm được chăm chút, thiết kế, làm một cách tỉ mỉ, tinh xảo đã trở thành những món quà lưu niệm độc đáo, rất đặc trưng của Đà Nẵng. Những sản phẩm này du khách có thể dễ dàng mang về và sẽ giúp lan tỏa, quảng bá nhiều hơn nữa đến các du khách, đối tác, khách hàng trong nước và quốc tế khác.

Du lịch - thương mại cần song hành

Theo số liệu của Sở Du lịch, năm 2022, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 3,69 triệu lượt khách, tăng 3,1 lần so với năm 2021, tăng 5% so với kế hoạch UBND thành phố giao. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 483.000 lượt, tăng 4,6 lần so với năm 2021; khách nội địa ước đạt 3,2 triệu lượt, tăng 3 lần so với năm 2021.

Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt 8.872 tỷ đồng, tăng hơn 3,5 lần so với năm 2021 và tăng 2,5% so với năm 2019; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 21,3 ngàn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 17% trong cơ cấu kinh tế thành phố), tăng gần gấp 2 lần năm 2021 và phục hồi tương đương bằng 100% so với năm 2019 (21,39 ngàn tỷ đồng). Với lượng khách này thì nhu cầu mua sắm của khách sẽ cao, việc hình thành các điểm mua sắm lớn là rất cần thiết để phục vụ nhu cầu của du khách.

Với sự phục hồi nhanh của du lịch, dự báo trong năm nay và những năm tiếp theo khách nội địa và khách quốc tế đi đến các địa điểm không chỉ để nghỉ ngơi, vui chơi, ăn uống mà còn đến để mua sắm, hưởng các dịch vụ khác theo nhu cầu. Chính vì lý do này, phải đặt vấn đề muốn đạt được hiệu quả cao trong phục vụ thì ngành du lịch phải luôn luôn gắn với thương mại và dịch vụ. Đây là một đòi hỏi tất yếu khách quan trong quá trình phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam nói chung, trong đó có Đà Nẵng.

Nhìn tổng thể, hiện nay, dù thành phố đã có các chợ đêm, khu mua sắm, trung tâm thương mại, các chợ truyền thống, nhưng theo đánh giá của ông Phan Văn Thức, Giám đốc Điều hành khu vực Đà Nẵng Bel Group Hospitality, các sản phẩm mua sắm chưa thực sự đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, vì thực tế các chợ truyền thống hay các trung tâm thương mại hiện có đa phần phục vụ đời sống cho người dân địa phương và khách du lịch phổ thông.

Đà Nẵng chưa hình thành các trung tâm thương mại mua sắm lớn mang tầm cỡ như các quốc gia lân cận để khách có thể đi mua sắm, vui chơi với những sản phẩm thương hiệu đẳng cấp, chất lượng hàng đầu. Vì vậy, sự liên kết hiệu quả giữa du lịch và thương mại vẫn là bài toán cần có lời giải sớm để thực hiện mục tiêu kích thích nhu cầu “tiêu tiền” của du khách mỗi khi đến Đà Nẵng.

QUỲNH TRANG - THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.