Kinh tế
Chủ động hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế
Cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong năm 2023 là chủ động thúc đẩy đối ngoại đóng vai trò tiên phong nhằm tạo ra môi trường hòa bình, phục vụ phát triển đất nước. Đối với thành phố Đà Nẵng, địa phương đang nỗ lực thực hiện với mục tiêu tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế địa phương.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chủ động xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (giữa) làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Pasona (Nhật Bản) vào ngày 23-3-2023. Ảnh: IPA Danang |
Tạo dư địa thu hút nguồn lực phát triển
Năm 2023 đánh dấu 50 năm kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Australia (26-2-1973 – 26-2-2023). Quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp và mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt đánh dấu sự phát triển quan hệ hai nước bằng việc chính thức nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược vào tháng 3-2018. Trên bình diện cả nước, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, lũy kế đến 20-12-2022, Australia có 583 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn đạt 1,98 tỷ USD. Dư địa hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam - Australia đang có 3 FTA chung, trong đó có 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) với nhiều cam kết đáng kể của Việt Nam dành cho các nhà đầu tư Australia.
Tại Đà Nẵng, theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, tính đến tháng 12-2022, Austrailia có 33 dự án với tổng vốn đăng ký 15,76 triệu USD. Các dự án đều là dự án đầu tư ngoài Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, tập trung vào lĩnh vực giáo dục đào tạo, dịch vụ tư vấn các lĩnh vực, sản xuất thiết bị và phần mềm với hình thức đầu tư chủ yếu là 100% vốn nước ngoài. Để đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Australia, trong thời gian đến, thành phố sẽ tận dụng các hợp tác ký kết cấp địa phương để đẩy mạnh quảng bá môi trường và cơ hội đầu tư đến với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Australia.
Hiện nay, UBND thành phố đã ký kết hợp tác với 4 bang, thành phố ở Australia gồm thành phố Newcastle (bang New South Wales) trong lĩnh vực trao đổi thông tin về cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, giáo dục, khoa học - công nghệ; bang Queensland về trao đổi thông tin về cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, giáo dục, khoa học - công nghệ; bang Nam Australia về lĩnh vực giáo dục, và thành phố Gold Coast (bang Queensland) về các lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, du lịch, thương mại và đầu tư, quản lý thiên tai, hàng hải, công nghệ thông tin và năng lượng tái tạo.
Năm 2023 cũng là năm đánh dấu 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp (12-4-1973 - 12-4-2023). Đây là thị trường tiềm năng để Đà Nẵng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong thời gian tới. Việt Nam có rất nhiều cơ hội thu hút FDI từ Pháp nói riêng, các quốc gia EU nói chung, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Pháp đứng thứ 16/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dự án đầu tư tại Việt Nam và xếp thứ 3/26 quốc gia của Liên minh châu Âu (EU) có đầu tư tại Việt Nam. Tại Đà Nẵng, tính đến hết tháng 12-2022, có 34 dự án FDI của Pháp, với tổng vốn đầu tư khoảng 25 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, giáo dục, nhà hàng khách sạn, công nghệ thông tin...
Bên cạnh công nghệ thông tin, các ngành công nghiệp phụ trợ là thế mạnh của các nhà đầu tư Pháp cần quan tâm thu hút theo định hướng phát triển của Đà Nẵng. Pháp còn nổi tiếng toàn cầu với thế mạnh về sản xuất thực phẩm và dịch vụ logistics chuyên về thực phẩm. Với thế mạnh của mình, Đà Nẵng có thể được xem là thị trường “màu mỡ” cho các nhà đầu tư Pháp trong lĩnh vực này. Đà Nẵng là thành phố lớn nhất miền Trung Việt Nam, có cơ sở hạ tầng xuất nhập khẩu và sản xuất thuận lợi, với định hướng phát triển thành trung tâm logistics lớn của cả nước. Thành phố còn là trung tâm du lịch và điểm trung chuyển du lịch quan trọng nhất miền Trung, đón số lượng lớn khách du lịch, có nhiều cơ sở lưu trú.
Hạ tầng khu công nghiệp tại thành phố đang được đầu tư, tạo nguồn lực và dư địa để thu hút vốn đầu tư. TRONG ẢNH: Khu Công nghệ thông tin tập trung. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Thỏi nam châm hút nguồn lực đầu tư từ Nhật Bản
Năm 2023, điểm nhấn về quan hệ ngoại giao thúc đẩy phát triển kinh tế là hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21-9-1973 – 21-9-2023). Đối với Đà Nẵng, hiện có hơn 200 doanh nghiệp, văn phòng đại diện, dự án của các công ty Nhật Bản và đứng đầu về số dự án và số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD với 228 dự án, xếp thứ nhất trong hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Đà Nẵng.
Đặc biệt, năm 2021, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản được thành lập ở Đà Nẵng. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đã có những dự án thành công tại thành phố trong lĩnh vực sản xuất, bất động sản, du lịch, công nghệ thông tin. Hiện nay một số tập đoàn lớn của Nhật Bản cũng đang quan tâm đầu tư trong lĩnh vực cảng biển, trung tâm thương mại quốc tế. Về hợp tác cấp địa phương, Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với 4 thành phố của Nhật Bản gồm: Kisarazu, Kawasaki, Sakai và Yokohama.
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư cho biết, thành phố Đà Nẵng xác định Nhật Bản là thị trường chiến lược trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Trong đó, Đà Nẵng mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, R&D (mua bán, sáp nhập), công nghiệp hỗ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, các khu công nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục…
Là doanh nghiệp đã đầu tư tại thành phố Đà Nẵng, ông Yamada Yasushi, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP bất động sản Sun Frontier, Chủ tịch HĐQT Công ty Sun Frontier Việt Nam và Sun Frontier Đà Nẵng cho biết, thời quan qua, công ty đã nhận được nhiều sự hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực của chính quyền thành phố trong quá trình thiết lập, vận hành các dự án. Ông Furuya Seiichi, Giám đốc Công ty Pasona Tech Việt Nam thuộc Tập đoàn Pasona Nhật Bản cho hay, năm 2019, Tập đoàn Pasona thành lập Awaji Danang Center tại đảo Awaji nhằm thực hiện dự án đào tạo kỹ sư CNTT. Hiện tại có 3 kỹ sư CNTT của Đà Nẵng đang làm việc tại trung tâm Awaji Danang Center.
Trên cơ sở biên bản ghi nhớ (MOU) đã ký kết với thành phố, tập đoàn đang phát triển dự án IT LAB tại Đà Nẵng, dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 6-2023 với quy mô 100 lao động trong năm 2023 và mở rộng lên đến 500 người vào năm 2025. Ông Furuya Seiichi đánh giá: “Đà Nẵng là thành phố trẻ, năng động, là một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và là thành phố du lịch hàng đầu của Việt Nam với nhiều cảnh quan tuyệt đẹp, chất lượng dịch vụ tốt”.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam Đà Nẵng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng Nakagawa Wataru nhận định: “Với sự tích cực của chính quyền thành phố trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tôi cho rằng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản sẽ đến Đà Nẵng hơn nữa trong tương lai. Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng rất mong muốn tiếp tục được hợp tác hiệu quả và kỳ vọng sự phát triển của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ góp phần phát triển thành phố”.
TRIỆU TÙNG