Kinh tế

Kinh tế Đà Nẵng quý 1 tăng trưởng khá

08:25, 04/04/2023 (GMT+7)

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng quý 1-2023 ước tăng 7,12% so với cùng kỳ năm 2022, dẫn đầu về tốc độ tăng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, xếp thứ hai trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 19 cả nước. Đây là tín hiệu tốt cho thấy kinh tế thành phố đang trên đà phục hồi và phát triển mạnh từ những giải pháp linh hoạt và quyết liệt.

Khách du lịch tàu biển cập cảng Tiên Sa đã di chuyển tham quan tại cầu Rồng và cầu Tình yêu ngày 31-3-2023. Ảnh: THU HÀ
Khách du lịch tàu biển cập cảng Tiên Sa đã di chuyển tham quan tại cầu Rồng và cầu Tình yêu ngày 31-3-2023. Ảnh: THU HÀ

Khu vực dịch vụ là trụ đỡ chính

Trong mức tăng 7,12%, khu vực dịch vụ tăng 11,53%, đóng góp 7,86 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,01%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 4,74% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,50% so với cùng kỳ năm 2022. Quy mô nền kinh tế quý 1 tiếp tục được mở rộng, ước đạt hơn 30.746 tỷ đồng, tăng 3.343 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 3.109 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng hơn 35 tỷ đồng; riêng khu vực công nghiệp và xây dựng thu hẹp quy mô 25.626 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Có thể thấy, thành phố giữ được nhịp độ tăng trưởng khá nhờ đà phục hồi tích cực của hoạt động du lịch và các lĩnh vực dịch vụ khác đi kèm. Một số nhóm ngành dịch vụ duy trì mức tăng cao, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung phải kể đến như: hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 96,29%; các hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân khác tăng 78,1%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 70,31%; nghệ thuật vui chơi và giải trí tăng 20,98%...

Doanh  thu dịch vụ lưu trú và ăn uống quý 1 ước đạt 5.206 tỷ đồng, tăng 73,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu lưu trú ước đạt 2.032,5 tỷ đồng, tăng 177,1%; doanh thu ăn uống 3.173,6 tỷ đồng, tăng 39,9% so với cùng kỳ. Doanh thu lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch đạt 264,2 tỷ đồng, tăng 10,5% so với tháng trước và gấp 6 lần so với tháng cùng kỳ năm 2022.

Cùng với sự hoạt động nhộn nhịp trở lại của ngành du lịch đã tạo đà cho các nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng khác phát triển trở lại, đặc biệt là nhóm ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí. Cụ thể, doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 8.039 tỷ đồng, tăng 81,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với sản xuất công nghiệp, do chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động trên thế giới nên chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 1-2023 giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2022. Điểm tích cực là giai đoạn này, một số ngành công nghiệp lấy được đà tăng trưởng trở lại như: sản xuất đồ uống tăng 36,2%; sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 33,0%; sản xuất xe có động cơ tăng 25,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,8%...

Nhờ đà phục hồi tích cực của hoạt động du lịch và các lĩnh vực dịch vụ khác đi kèm, kinh tế thành phố giữ nhịp độ tăng trưởng khá. Trong ảnh: Du khách mua sắm tại chợ Hàn. Ảnh: M.Q
Nhờ đà phục hồi tích cực của hoạt động du lịch và các lĩnh vực dịch vụ khác đi kèm, kinh tế thành phố giữ nhịp độ tăng trưởng khá. TRONG ẢNH: Du khách mua sắm tại chợ Hàn. Ảnh: M.Q

Tiếp tục thực hiện linh hoạt các giải pháp

Phát huy đà tăng trưởng quý 1, ngành du lịch thành phố đang tăng tốc cho quý 2, mùa cao điểm du lịch trong năm, tương ứng với các dịp lễ 30-4, 1-5 và nghỉ hè.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho biết ngành du lịch thành phố đang tiếp tục thực hiện các kế hoạch như phát triển sản phẩm du lịch đêm trên cơ sở triển khai đề án phát triển kinh tế đêm trên địa bàn thành phố; thường xuyên tổ chức các sự kiện, lễ hội để thu hút du khách như chương trình khai trương “Mùa du lịch biển Đà Nẵng 2023”, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng và các sự kiện văn hóa - thể thao; tăng cường mở các đường bay quốc tế, thu hút tàu du lịch bằng đường biển...

Việc phục hồi và phát triển mới các đường bay mới có ý nghĩa quan trọng đối với du lịch địa phương, giúp kết nối Đà Nẵng và các thị trường khách du lịch thuộc khu vực. Các thị trường được định hướng truyền thông và tham gia chương trình gồm khách nội địa và khách quốc tế tại các thị trường trọng điểm gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Malaysia, Thái Lan...

Về thương mại, Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Đà Nẵng. Bên cạnh việc cải tạo, nâng cấp các chợ trên địa bàn thành phố, sở chú trọng hình thành các điểm chuyên giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm lưu niệm, công nghiệp nông nghiệp tiêu biểu để tăng trải nghiệm cho du khách; khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm nổi bật của thành phố đến du khách trong nước và quốc tế; nghiên cứu tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng để từ đó có thể thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất hàng loạt, số lượng lớn sản phẩm mang thương hiệu Đà Nẵng.

GRDP tăng trưởng 7,12% trong quý 1 là bước khởi đầu tốt, tạo nền tảng và động lực để thành phố tiếp tục đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn khá dài với nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen.

TS Võ Duy Nghi, Viện Quản trị kinh doanh FSB - Đại học FPT, đánh giá, có được kết quả tăng trưởng tích cực trên là nhờ thành phố linh hoạt trong điều chỉnh chính sách, tận dụng các cơ hội mang lại. Cụ thể, thành phố có nhiều chính sách thu hút du khách, đón đầu các dòng khách quốc tế, cũng như tăng cường sản xuất, xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã kết nối chuỗi giá trị, ứng dụng mạnh mẽ kinh tế số, nhiều chương trình kích cầu, kết nối, xúc tiến thương mại được triển khai…

Để tiếp tục giữ được đà tăng trưởng, TS. Võ Duy Nghi cho rằng, thành phố cần tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế thông qua việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư... Đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng liên kết, tiếp thu công nghệ mới và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu; coi xuất khẩu là động lực tăng trưởng; tiếp tục đẩy mạnh việc mời gọi đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp của thành phố; đôn đốc hoàn thành đầu tư các khu, cụm công nghiệp mới. Ngoài ra, cần chủ động tháo gỡ các khó khăn, khai thông các điểm nghẽn; hỗ trợ phát triển sản xuất, cũng như xúc tiến đầu tư ở những quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ hợp tác kinh tế tốt với thành phố.

Ngoài các giải pháp trên, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố, đề xuất thành phố cần tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng; xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất, nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương cần chủ động nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã và đang đầu tư trên địa bàn thành phố; tích cực hỗ trợ các dự án đang triển khai, nhất là các dự án quy mô lớn để đi vào hoạt động đúng tiến độ, đồng thời hỗ trợ các dự án đang hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng vốn đầu tư.

MAI QUẾ - THÀNH LÂN

.