Kinh tế

Tiếp tục nỗ lực cải thiện chỉ số PCI, PGI

06:09, 12/04/2023 (GMT+7)

* Đà Nẵng nằm trong top 5 địa phương có chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) cao nhất cả nước

Ngày 11-4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 và lần đầu tiên công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (Provincial Green Index- PGI).

Theo đó, Đà Nẵng xếp thứ 9 toàn quốc PCI 2022 với 68,52/100 điểm và xếp thứ 5 toàn quốc PGI 2022 với 16,68/40 điểm. Các doanh nghiệp cho rằng, môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố vẫn còn dư địa để tiếp tục cải thiện để tạo sức hút mới cho làn sóng đầu tư trong thời gian đến.

Doanh nghiệp mong muốn thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả thực tế.  Trong ảnh: Người lao động sản xuất tại Nhà máy điện tử Trung Nam EMS (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.Q
Doanh nghiệp mong muốn thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả thực tế. TRONG ẢNH: Người lao động sản xuất tại Nhà máy điện tử Trung Nam EMS (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.Q

PCI top 10 và PGI top 5

Các chỉ số thành phần của Đà Nẵng PCI 2022 cụ thể như sau: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự 7,58; chi phí thời gian 7,48; chi phí không chính thức 7,21; tính năng động của chính quyền tỉnh 6,96; đào tạo lao động 6,8; gia nhập thị trường 6,73; tính minh bạch 6,72; tiếp cận đất đai 6,61; cạnh tranh bình đẳng 6,42; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 6,26.

Tổng điểm 68,52/100 điểm. Trong đó, có 2 chỉ số thành phần mặc dù không xếp hạng cao so với cả nước năm nay nhưng lại là số điểm cao nhất của Đà Nẵng kể từ khi bắt đầu xếp hạng PCI (năm 2006), đó là chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (tăng 0,25 điểm so với PCI 2021) và cạnh tranh bình đẳng (tăng 0,5 điểm so với PCI 2021).

Chỉ số đào tạo lao động và tính minh bạch là 2 chỉ số thành phần xếp hạng cao nhất của Đà Nẵng năm nay với đồng thứ hạng 4/63 tỉnh, thành phố. Cụ thể, chỉ số tính minh bạch tăng 0,42 điểm so với PCI 2021, tuy nhiên vẫn thấp hơn khá nhiều so với năm cao điểm nhất là PCI 2008 (7,92 điểm).

Trong khi đó, chỉ số tính lao động lại giảm 0,35 điểm so với PCI 2021 và thấp điểm khá nhiều so với năm cao điểm nhất là PCI 2006 (9,6 điểm). Chỉ số gia nhập thị trường và tiếp cận đất đai là 2 chỉ số thành phần xếp hạng thấp nhất của Đà Nẵng năm nay với thứ hạng lần lượt là 50/63 và 49/63 tỉnh, thành phố.

2023 là năm đầu tiên VCCI công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

Trong lần xếp hạng đầu tiên, Đà Nẵng đứng thứ 5 với các chỉ số thành phần gồm: Bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu 6,74/10 điểm (xếp hạng 1); thúc đẩy thực hành xanh 4,68/10 điểm (xếp hạng 10); giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu 3,37/10 điểm (xếp hạng 43); chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường 1,88/10 điểm (xếp hạng 37).

Cần tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh

Đánh giá về chỉ số PCI 2022, ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh các tỉnh, thành phố trên cả nước nỗ lực để thu hút đầu tư cũng như có nhiều nguồn lực về đất đai, đơn cử như các tỉnh lân cận Đà Nẵng như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế thì Đà Nẵng sẽ dễ rơi vào vị trí “giậm chân tại chỗ”.

Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh về vấn đề thiếu mặt bằng sản xuất nhưng hiện nay quỹ đất của thành phố còn thiếu. Chính vì vậy, để cải thiện chỉ số PCI các năm tới, chính quyền thành phố cần nhanh chóng tăng quỹ đất cho doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là mở rộng các khu công nghiệp. Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn chung, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần có hiệu quả thực tế, qua đó giúp doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, tạo niềm tin cho doanh nghiệp.

Tương tự, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố cho rằng, thành phố cần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính có tác động lớn đến doanh nghiệp và còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy chữa cháy…

Quá trình xây dựng các dự thảo cần tiếp tục tham vấn rộng rãi, công khai trong cộng đồng doanh nghiệp, có tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý cần được minh bạch để tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh.

Doanh nghiệp mong muốn thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả thực tế. Trong ảnh: Người lao động làm việc tại Công ty TNHH ICT Vina (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang).  Ảnh: M.Q
Doanh nghiệp mong muốn thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả thực tế. TRONG ẢNH: Người lao động làm việc tại Công ty TNHH ICT Vina (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.Q

Ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng nhận định, việc Đà Nẵng tụt 5 hạng so với PCI 2021 trong khi thành phố đang có nhiều thuận lợi so với các tỉnh, thành phố như cơ sở hạ tầng tốt, công nghệ thông tin và chuyển đổi số liên tục xếp hạng dẫn đầu cả nước là điều mà thành phố cần nỗ lực cải thiện trong thời gian đến.

Cụ thể, 6/10 chỉ số thành phần PCI 2022 giảm điểm so với PCI 2021, trong đó lại là những chỉ số quan trọng như tiếp cận đất đai (giảm 39 bậc) hay gia nhập thị trường (giảm 20 bậc)...

Cần lưu ý rằng các tỉnh, thành phố xếp hạng cao hơn Đà Nẵng năm nay đều được đánh giá về thái độ hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực, triển khai đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp thường xuyên từ trực tiếp đến trực tuyến. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn thành phố quan tâm hơn nữa, đặc biệt là giải quyết các vấn đề đã tích lũy nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp triệt để như đất đai, xây dựng...

Đánh giá về chỉ số PGI, ông Hồ Anh Tuân cho rằng, kết quả thứ 5 là tích cực và đúng với nỗ lực của thành phố bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, vị trí thứ 1 của chỉ số thành phần bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu cho thấy định hướng đúng đắn của thành phố khi phê duyệt dự án quy hoạch thành phố giai đoạn 2021-2030 theo hướng đô thị nén sáng tạo, bền vững, ưu tiên phát triển hạ tầng xanh hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế xanh.

Đà Nẵng cũng đã ban hành một bộ tiêu chí rõ ràng về bảo vệ môi trường áp dụng cho khu vực công và tư, cũng như chính thức triển khai dự án đô thị giảm rác thải nhựa. Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai dự án sử dụng mô hình quản lý và xử lý chất thải 3R thông qua một chương trình hợp tác chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất thải rắn đô thị của thành phố Yokohama (Nhật Bản). Với vấn đề tái chế chất thải, Đà Nẵng đã triển khai hỗ trợ phát triển các nhà máy tái chế rác thải công suất cao. Đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của Đà Nẵng.

Đà Nẵng đứng vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố về chất lượng cơ sở hạ tầng
Ngoài chỉ số PCI và PGI, VCCI cũng công bố chỉ số cơ sở hạ tầng năm 2022 theo 5 chiều cạnh đánh giá gồm: Hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng đường bộ, hạ tầng điện năng, hạ tầng viễn thông và các loại hạ tầng khác. Theo đó, Đà Nẵng đứng vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố về chất lượng cơ sở hạ tầng.

MAI QUẾ

.