Kinh tế
Đề xuất giữ giá trần vé máy bay nội địa là cân nhắc nhiều yếu tố lợi ích khác nhau
Cơ quan xây dựng luật đề xuất bỏ giá sàn, giữ giá trần dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không (vé máy bay) nội địa là dựa trên cơ sở cân nhắc nhiều yếu tố lợi ích khác nhau như lợi ích của người tiêu dùng, đặc biệt là tính cạnh tranh trong môi trường của doanh nghiệp vận tải hàng không.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang dự phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Đây là góp ý của đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) về dự thảo Luật Giá (sửa đổi), bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 22-5.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, nội dung rất được quan tâm trong Luật Giá (sửa đổi) tại Kỳ họp lần này là giá trần, giá sàn của dịch vụ vận tải hành khách hàng không. Đến thời điểm này, trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) vẫn xác định đối với vận tải hàng không nội địa thì để giá trần và bỏ giá sàn; việc này là trên cơ sở các tiêu chí, nguyên tắc đã đề ra, đã xác định trong dự thảo Luật để tiến hành lựa chọn.
Đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh, về nguyên tắc chung, Luật Giá là công cụ để Nhà nước quản lý giá và điều tiết. Trong một nền kinh tế thị trường, mọi giá đều được thị trường định ra, hình thành một cách tự giác trên cơ sở các nguyên lý, nguyên tắc theo thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp để điều tiết, để quản lý trong những điều kiện đặc thù. Đặc thù thứ nhất là có yếu tố độc quyền làm sai lệch quan hệ cung cầu. Đặc thù thứ hai là trong điều kiện thiên tai, yếu tố thời tiết bất thường đã phá vỡ quan hệ cung cầu, cần Nhà nước can thiệp.
“Trên cơ sở nguyên lý ấy mới thấy rằng dịch vụ vận tải hành khách hàng không nội địa của chúng ta dù đến nay đã có nhiều hãng hàng không tham gia. Tuy nhiên, tính chất độc quyền trong đó chưa được xoá bỏ hoàn toàn. Ở một số tuyến thì có sự cạnh tranh sòng phẳng, tương đối minh bạch, rõ ràng thế nhưng nhìn chung còn nhiều tuyến chỉ có một hãng hàng không khai thác. Giả sử có kêu gọi các hãng hàng không khác khai thác những tuyến này thì họ cũng không tham gia. Nguyên nhân là bởi lưu lượng khách ở những tuyến này còn hạn chế, có vào khai thác cũng khó”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.
Phân tích yếu tố này, đại biểu Bắc Giang chia sẻ, bên cạnh tính độc quyền ở một số tuyến bay nội địa vẫn còn thì thêm vào đó là yếu tố mùa vụ ở một số thời điểm, thời gian nhất định. Dù lưu lượng hành khách có tăng đột biến nhưng khả năng điều tiết để đáp ứng yêu cầu tăng đột biến đó còn hạn chế, không dễ dàng thay đổi được như một số dịch vụ vận tải hành khách khác. Vì thế, đã có tính cạnh tranh, đã có sự minh bạch nhưng để hoàn toàn xoá bỏ yếu tố độc quyền thì vẫn chưa thể. Nhà nước vẫn cần phải can thiệp ở một mức độ nhất định là để giá trần. Nếu không làm như vậy sẽ có một số tuyến bay có giá quá cao, không đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, giá sàn cũng là để bảo vệ yếu tố người tiêu dùng trong trường hợp cạnh tranh. Bản chất của giá sàn là để ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng muốn đánh gục đối thủ cạnh tranh để độc quyền thị trường nhưng hiện nay xảy ra việc cạnh tranh như vậy là không có. Thực tế vừa qua, một số hãng hàng không đưa ra mức giá 0 đồng chỉ mang tính chất quảng bá với một số lượng ghế nhất định, việc này lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và các hãng bỏ đi yếu tố lợi nhuận để đặt mục tiêu cạnh tranh.
“Trên cơ sở cân nhắc rất nhiều yếu tố lợi ích của người tiêu dùng, đặc biệt là tính cạnh tranh trong môi trường của doanh nghiệp vận tải hàng không, cơ quan xây dựng luật đề xuất thay đổi phương thức quản lý giá này là từ không giá chuyển sang có giá trần, bỏ giá sàn”, đại biểu Trần Văn Lâm chia sẻ.
Theo Báo Tin tức