Kinh tế

Cạn nước thủy điện, cung ứng điện gặp nhiều khó khăn

14:34, 10/05/2023 (GMT+7)

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình hình thủy văn các hồ thủy điện trong vài tháng trở lại đây có nhiều diễn biến bất lợi, thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm.

Thực trạng tại đập ngăn nước sông Cu Đê phục vụ Nhà máy nước Hòa Liên (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN
Thực trạng tại đập ngăn nước sông Cu Đê phục vụ Nhà máy nước Hòa Liên (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Nhiều hồ thủy điện trên cả nước có nước về kém, lưu lượng nước về 4 tháng đầu năm của các hồ thủy điện phía Bắc bằng khoảng 60-70% so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam cũng có nước về kém.

Đến đầu tháng 5-2023, nhiều hồ thủy điện trên hệ thống đã về mực nước thấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện và phục vụ nhu cầu dân sinh trong thời gian còn lại của mùa khô 2023.

Cụ thể, hiện có 10 hồ thủy điện thuộc EVN và nhiều hồ thủy điện của chủ đầu tư ngoài EVN đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết (tổng công suất khoảng 4.500 MW); trong đó có các hồ thủy điện của EVN như: Lai Châu, Trị An, Ialy, Bản Chát, Huội Quảng, Trung Sơn, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3, Sông Ba Hạ.

Sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện tượng El Nino sẽ xảy ra vào các tháng cuối năm 2023 làm cho nền nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm thấp so với trung bình nhiều năm. Điều này làm cho lưu lượng về hồ các tháng cuối năm tiếp tục có xu hướng giảm thấp.

Qua theo dõi về tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia, trong tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua, nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng đã làm tiêu thụ điện tăng cao. Mặc dù đợt nóng gay gắt đầu tháng 5 chỉ diễn ra trong ít ngày ở miền Bắc nhưng công suất và sản lượng tiêu thụ điện ở miền Bắc và toàn quốc cũng đã lên rất cao.

EVN cho biết, điển hình như ngày 6-5-2023 mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng công suất tiêu thụ toàn quốc cũng đã lên tới hơn 43.300 MW và sản lượng tiêu thụ ngày này trong toàn quốc cũng đã lên tới hơn 895 triệu kWh. Dự báo trong các tháng 5, 6, 7 tiếp theo, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và cao hơn kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Trong những tháng cao điểm nắng nóng của mùa hè năm 2023, với những số liệu theo diễn biến thực tế và qua tính toán cho thấy trong trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra như: Công suất cực đại của miền Bắc tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2022 (những ngày nắng nóng kéo dài); sự cố tổ máy hoặc chậm tiến độ sửa chữa, đưa vào vận hành nguồn mới; mức nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu... thì hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng rất khó khăn về cung cấp điện trong các tháng 5, 6; nhất là vào các giờ tiêu thụ điện cao điểm. Nếu tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng, không có lũ hoặc lũ về ở mức thấp thì tình hình cung cấp điện có thể tiếp tục còn khó khăn trong thời gian tiếp theo.

Để ứng phó với tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia có nhiều khó khăn trong mùa hè năm nay, EVN khuyến cáo và kêu gọi người dân, khách hàng sử dụng điện chia sẻ thông qua việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa và tối. Cụ thể là buổi trưa từ 11h30 đến 14h30, buổi tối từ 20h00 đến 22h00. Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và các đơn vị Điện lực khu vực miền Bắc sẽ lập kế hoạch cung cấp điện các tháng, đặc biệt là trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 8), đồng thời thông tin sớm cho các khách hàng lớn để chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất.

Theo TTXVN

.