Hàng Việt Nam tại các hệ thống bán lẻ, kênh phân phối đang dần dần chiếm tỷ trọng cao. Để nâng tầm hàng Việt, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, chế biến từ nông sản... thì doanh nghiệp, đơn vị sản xuất cần chủ động kết nối, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, quảng bá hàng hóa không chỉ trong nước mà hướng ra xuất khẩu.
Các doanh nghiệp, đơn vị cần chủ động kết nối, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, quảng bá hàng hóa. TRONG ẢNH: Người dân tham quan, mua sắm tại siêu thị Go! Đà Nẵng. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Rộng mở cơ hội vào các hệ thống phân phối
Bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị GO! Đà Nẵng cho biết, doanh nghiệp luôn ưu tiên và đồng hành cùng các nhà sản xuất, nhà cung cấp tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung đưa hàng vào hệ thống siêu thị. Mặc dù tỷ lệ hàng Việt Nam tại siêu thị chiếm tỷ trọng cao, nhưng nhiều sản phẩm trên địa bàn và khu vực có mặt rất ít trong hệ thống. Nguyên nhân do chính doanh nghiệp, đơn vị sản xuất chưa thực sự muốn cung ứng hàng hóa cho siêu thị và không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về giấy tờ, hồ sơ theo quy định của Nhà nước khi đưa hàng hóa vào hệ thống. Mặc khác, các doanh nghiệp thường mắc các lỗi về bao bì sản phẩm, nhãn mác. Đây là lý do khiến 90% đơn vị dù có sản phẩm chất lượng nhưng vẫn không thể xúc tiến hàng hóa trong các kênh phân phối, hệ thống bán lẻ.
“Chúng tôi đã bố trí khu vực ưu tiên trưng bày, quảng bá các sản phẩm OCOP, hàng Việt Nam chất lượng cao đến du khách trong nước và quốc tế. Trong 2 năm qua, chúng tôi rất nỗ lực để hỗ trợ các chủ thể OCOP tại Đà Nẵng đưa hàng vào hệ thống nhưng đến nay, số lượng sản phẩm bày bán rất hạn chế. Mới nhất, sản phẩm bánh dừa nướng của công ty TNHH Mỹ Phương Food của Đà Nẵng đã được lên kệ bày bán”, bà Thủy chia sẻ.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, phụ trách xúc tiến thương mại cho rằng, các kênh phân phối không chỉ mang sản phẩm chất lượng của thế giới đến Việt Nam mà còn ngược lại. Đơn vị sẽ tích cực hỗ trợ nông dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Việt Nam nói chung quảng bá, bán các sản phẩm ra thế giới. Mặc dù đánh giá rất cao về các sản phẩm thương mại đặc trưng, đặc biệt là những sản phẩm OCOP của khu vực, bởi đây là những sản phẩm mang tính truyền thống, có tính lịch sử, kế thừa.
Tuy nhiên, ông Paul Lê cho rằng, điểm yếu của các sản phẩm này là chưa kể được câu chuyện đặc trưng về sản phẩm, trong khi văn hóa truyền thống, lịch sử của địa phương cũng là yếu tố khiến du khách, người dân quan tâm khi lựa chọn sản phẩm. “Bên cạnh các yếu tố về bao bì, nhãn mác, những sản phẩm tốt, chất lượng của đơn vị, doanh nghiệp, chủ thể OCOP cần truyền tải được câu chuyện, hành trình để tiếp cận với người tiêu dùng”, ông Paul Lê nói.
Các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phối hợp sản xuất kết nối giao thương. TRONG ẢNH: Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú (thứ 2, bên phải sang) tham quan hội chợ sản phẩm tỉnh Quảng Nam vừa diễn ra tại Đà Nẵng. Ảnh: V.H |
Doanh nghiệp cần chủ động kết nối
Theo khảo sát mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ba khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp đó là đầu vào sản xuất, giá nguyên vật liệu tăng; huy động vốn khó khăn; và đặc biệt là thiếu đơn hàng, thị trường đầu ra. Vì vậy, việc kết nối có vai trò vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề đơn hàng, đầu ra cho doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp có hàng hóa được tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu qua 5 quốc gia, Công ty TNHH Mỹ Phương Food (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) đánh giá cao các chương trình kết nối của ngành công thương và chính quyền địa phương là cơ hội rất lớn để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Theo đó, việc kết nối giao thương qua các chương trình xúc tiến thương mại của địa phương là kênh marketing hiệu quả với chi phí gần như bằng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình phát triển và tìm kiếm khách hàng.
Bà Mai Thị Ý Nhi, giám đốc công ty nhìn nhận, 3 vấn đề lớn mà doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt trong kinh doanh đó là chưa định vị được thương hiệu; chi phí cho hoạt động marketting, quảng bá sản phẩm; chậm phát triển các sản phẩm mới… Đây là nguyên nhân dẫn đến việc tiếp cận nguồn khách hàng và tìm đầu ra cho sản phẩm khó khăn, khó kết nối, quảng bá và tiếp cận các nhà phân phối. Vì vậy, sự hỗ trợ, các chương trình kết nối giao thương là giải pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp.
Bà Võ Thị Thu Thủy cũng đề xuất, bên cạnh công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại qua các chương trình, hội chợ, các sở, ban, ngành - nhất là Sở Khoa học và Công nghệ nên có những lớp đào tạo nhà cung cấp thông qua sự kết nối của Sở Công Thương để tư vấn, hỗ trợ về các vấn đề nhãn mác, thương hiệu. Mặt khác, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt những chính sách hỗ trợ, nguồn vốn ưu đãi từ Nhà nước để đầu tư, sản xuất, đẩy mạnh bán hàng đa kênh… Đồng thời, chủ động tìm hiểu nhu cầu, xu hướng tiêu dùng, thậm chí là cải tiến khẩu vị của các địa phương trong nước và quốc tế để phát triển và kết nối đạt hiệu quả hơn.
“Thị trường trong nước vẫn là điểm sáng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng 12,8%. Đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Đà Nẵng tăng trưởng 13,5%, Khánh Hòa hơn 8%,… Thời gian qua, kênh xúc tiến thương mại là công cụ hiệu quả cho việc triển khai mục tiêu cho thị trường trong nước. Với các sản phẩm OCOP - thế mạnh của doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhiều chương trình được thực hiện như hội chợ, chương trình xây dựng thương hiệu truyền thông, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phân phối với doanh nghiệp sản xuất kết nối giao thương...”, thông tin được bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết tại hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp miền Trung - Tây Nguyên với các tổ chức xúc tiến thương mại tại Đà Nẵng vào ngày 11-5 vừa qua. |
VĂN HOÀNG