Làm gì để phát triển kinh tế biển?

.

Ngày 24-5, tại Đà Nẵng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế biển ở Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra”.

Kinh tế biển là động lực quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và quốc gia. Trong ảnh: Hoạt động tại cảng Tiên Sa. Ảnh: V.H
Kinh tế biển là động lực quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và quốc gia. TRONG ẢNH: Hoạt động tại cảng Tiên Sa. Ảnh: V.H

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến khẳng định, kinh tế biển là động lực quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và quốc gia, giúp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động, tăng thu nhập, bảo đảm quốc phòng - an ninh và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển; 6/8 quận, huyện của thành phố tiếp giáp biển với hơn 92km bờ biển, 80% dân số đang sinh sống tại các quận, huyện ven biển. Thời gian qua, thành phố ban hành nhiều chính sách để phát triển kinh tế biển nhằm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Dù vậy, việc phát triển kinh tế biển còn nhiều vấn đề đặt ra như xung đột về lợi ích giữa kinh tế - xã hội với môi trường, khai thác sử dụng với cạn kiện nguồn tài nguyên, giữa các ngành, các địa phương với phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sự đa dạng sinh học, khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định...

PGS.TS Bùi Quang Bình, giảng viên cao cấp Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đề xuất 4 giải pháp phát triển các khu kinh tế ven biển ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ: Thứ nhất là sự quyết tâm chính trị và khát vọng phát triển của các cấp chính quyền địa phương và sự nỗ lực bền bỉ xây dựng, phát triển khu kinh tế ven biển. Thứ hai, các cơ chế chính sách cần hoàn thiện theo hướng nâng cấp khung khổ pháp luật với khu kinh tế ven biển và kinh tế biển nói chung từ nghị định thành luật để bảo đảm tạo ra khung pháp lý đủ mạnh, đồng bộ. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển từng khu kinh tế ven biển, trong đó, tập trung vào phát triển bền vững một số nhóm ngành, lĩnh vực động lực. Thứ ba, cần thiết có sự đổi mới, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các khu kinh tế ven biển theo hướng tích hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch các khu kinh tế ven biển, quy hoạch vùng, tỉnh, nơi có khu kinh tế ven biển. Cuối cùng, tập trung nguồn lực để đầu tư, phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực thông qua xã hội, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Đức Viên, để kinh tế biển phát triển bền vững cần đáp ứng 3 tiêu chí, trụ cột gồm: kinh tế của các địa phương phải tăng trưởng; bảo vệ được tài nguyên môi trường, sự đa dạng sinh học; hướng đến sự nhận thức và thụ hưởng của con người. Tuy nhiên, các trụ cột trên cần phải bảo đảm trong khuôn khổ hành lang pháp lý là chính sách ổn định. PGS.TS. Trần Thị Lan Hương, Trưởng ban Quản lý khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đánh giá Đà Nẵng còn nhiều tiềm năng và dư địa phát triển kinh tế biển như: phát triển du lịch biển cần sự kết nối với các tỉnh, địa phương và quốc tế; kết nối giữa biển Đà Nẵng với các vùng biển xa khác như Côn Đảo, Phú Quốc... Hơn hết, Đà Nẵng là địa phương đã có bộ tiêu chí đánh giá các ngành kinh tế biển. Đây là lợi thế rất lớn để định hình và đánh giá sự phát triển qua từng năm, giai đoạn; từ đó tận dụng những lợi thế, giải quyết những điểm nghẽn, khai phá và phát triển bền vững. Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển cần đặt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. Theo đó, cần cụ thể hóa từng vấn đề như: nuôi trồng khai thác, chế biển hải sản; du lịch biển xanh - sạch; hậu cần logistics; sự phối hợp giữa chính quyền thành phố với các tỉnh duyên hải và các bộ, ngành liên quan đến phát triển xanh, bền vững.

Trao đổi bên lề hội thảo, T.S Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, kết quả đánh giá sơ bộ về phát triển bền vững các ngành kinh tế biển cấp tỉnh cho thấy, chỉ số của Đà Nẵng đạt 96,6%. Điều này thể hiện các chỉ tiêu được thành phố đặt ra trong tương lai có thể hoàn thành được theo đánh giá của các chuyên gia. “Tôi rất kỳ vọng kinh tế biển sẽ trở thành động lực lớn phát triển của Đà Nẵng, đặc biệt phát huy được tiềm năng của các ngành kinh tế gắn với biển”, ông Huỳnh Huy Hòa nói.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.