Kinh tế

Khẩn trương giải quyết các 'bài toán' liên ngành, liên vùng trong tăng trưởng xanh

06:20, 31/05/2023 (GMT+7)

Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh cần có giải pháp cụ thể, xác định nhiệm vụ ưu tiên trong giải quyết các “bài toán” liên ngành, liên vùng trong tăng trưởng xanh, nhằm đạt được đồng thời các mục tiêu của từng ngành, vùng, quốc gia và toàn cầu.

Các mục tiêu, cam kết về tăng trưởng xanh đã rõ nhưng cần tìm ra cách làm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Không có giải pháp cụ thể, mục tiêu tăng trưởng xanh chỉ nằm trên giấy.

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh (Ban Chỉ đạo) tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất Ban Chỉ đạo, diễn ra chiều 30-5, tại Trụ sở Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng xanh

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cập nhật số liệu, chỉ tiêu, mục tiêu về tăng trưởng xanh kể từ thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (Hội nghị COP 26) đến nay như: Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), các cách tiếp cận trong thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0…

Ban Chỉ đạo tổng kết kinh nghiệm các nước trên thế giới trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, từ đó rút ra bài học, đề xuất nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra đối với Việt Nam. “Chúng ta cần xây dựng, cập nhật kế hoạch, lộ trình thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh như “sợi chỉ”, nguyên lý xuyên suốt, liên kết, điều phối, dẫn dắt các chiến lược ngành, địa phương. Từ đó, thay đổi tư duy, cách làm trong phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái, bảo đảm công bằng, an sinh xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh; đồng thời yêu cầu, từ nay đến năm 2025, Ban Chỉ đạo cần có "công cụ điều phối" là kế hoạch hành động với các lĩnh vực, nhiệm vụ ưu tiên cao nhất.

Về một số lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng xanh trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, cần xác định một số dự án thí điểm mang tính liên ngành như pháp luật, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số để giải quyết các “bài toán” về công nghệ..., từ đó, làm cơ sở cho các lĩnh vực mũi nhọn về năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, một số lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn như nông nghiệp, giao thông, năng lượng hóa thạch… trong tương lai.

Các bộ, ngành khẩn trương xây dựng bộ công cụ, tiêu chí, quy chuẩn có tính pháp lý để phân loại, đánh giá hiệu quả, khuyến khích, giám sát các hoạt động tăng trưởng xanh về kinh tế, môi trường, xã hội…; hình thành nhận thức, văn hóa, đạo đức xã hội đối với tăng trưởng xanh.

“Cần có hệ thống tiêu chí phân loại, đánh giá quốc gia, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế về tăng trưởng xanh trong lựa chọn dự án đầu tư, lượng hóa kết quả chuyển đổi xanh như giảm phát thải, hiệu quả kinh tế, nguồn lực đầu tư của xã hội, tạo việc làm mới, bảo đảm an sinh, hình thành đạo đức, văn hóa của công dân xanh, xã hội xanh, doanh nghiệp xanh”, Phó Thủ tướng phân tích.

Về nguồn lực, cơ chế tài chính, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải bảo đảm đủ nguồn vốn đầu tư tăng thêm (từ Nhà nước, các định chế tài chính, khu vực tư nhân) dành cho công nghệ, nhân lực, khắc phục tác động xã hội đến người lao động… khi chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang tăng trưởng xanh.

“Quản trị tăng trưởng xanh phải được thực hiện thông qua vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước, đồng thời được cụ thể hóa qua nhận thức, hành động của từng người dân, cộng đồng, có sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp… Trong mỗi doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế cần có những chuyên gia, bộ phận có chức năng, nhiệm vụ chăm lo cho tăng trưởng xanh”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị chọn một số dự án thí điểm có thể tạo ra đột phá, hoàn thiện công nghệ, pháp lý, giáo dục, đào tạo, chứng minh hiệu quả kinh tế, trước khi nhân rộng.

Cùng với tăng trưởng xanh, Phó Thủ tướng lưu ý vai trò quan trọng của kinh tế số trong dẫn dắt mọi sự phát triển xanh, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế giúp giảm áp lực lên tài nguyên, môi trường.

Phó Thủ tướng cho biết, kể từ Hội nghị COP 26 đến nay, thế giới đã chuyển từ nhận thức sang hành động trong “cuộc chiến” chống biến đổi khí hậu. Với cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng "0", kinh tế thế giới chuyển từ mô hình dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn carbon thấp…; đồng thời phục hồi tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái tự nhiên. “Nền kinh tế xanh không còn là nhận thức, ý tưởng mà đã trở thành hiện thực. Nếu thế giới không thực hiện, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn”, Phó Thủ tướng nói.

Cơ hội lớn thúc đẩy tăng trưởng xanh

Đại biểu dự cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Đại biểu dự cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, đánh giá từ Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, Việt Nam đứng trước những cơ hội rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng xanh nhờ lợi thế từ khả năng dự trữ carbon lớn, nguồn tài nguyên rừng cũng như tiềm năng trong phát triển năng lượng tái tạo.

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất về nền kinh tế số trong khu vực, với quy mô trị trường kinh tế số khoảng 23 tỷ USD năm 2022 và dự kiến có thể đạt đến 50 tỷ USD năm 2025.

Việc huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh đã được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó phải kể đến những nỗ lực kêu gọi đầu tư cho các hành động khí hậu, thu hút nguồn tài chính xanh từ Hội nghị COP 26. Đáng chú ý là thu hút nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) sau cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ về đưa phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050. Bên cạnh đó, hơn 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm xanh. Do đó, đây cũng là thời điểm phù hợp để Việt Nam tận dụng những lợi thế để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nêu lên những khó khăn, thách thức lớn đối với tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Đó là sự thiếu đồng bộ, chặt chẽ của hành lang pháp lý cho tăng trưởng xanh, nhất là một hệ thống tiêu chuẩn xanh quốc gia hoàn chỉnh, làm cơ sở để xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư hoặc triển khai các chương trình, dự án thí điểm xanh. Nhận thức và năng lực xây dựng, thực thi chính sách về tăng trưởng xanh còn hạn chế.

Trong khi đó, Việt Nam chưa có công cụ giám sát, đánh giá hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Nguồn lực dành cho tăng trưởng xanh còn hạn chế, trong đó nguồn ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công chưa đóng vai trò “vốn mồi”, làm đòn bẩy thúc đẩy huy động đầu tư tư nhân xanh.

Theo TTXVN

.