Kinh tế
Nỗ lực bảo đảm cấp nước sinh hoạt
Việc các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn xả nước với lưu lượng tối thiểu hoặc dừng vận hành trong 9-12 ngày qua đã làm mực nước sông hạ rất thấp và độ mặn trên sông Cẩm Lệ tại cửa thu nước thô vào nhà máy nước Cầu Đỏ gia tăng nhanh. Những ngày qua, các sở, đơn vị liên quan của thành phố đã và đang tích cực phối hợp triển khai các giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố.
Những ngày qua, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng vận hành 2 trạm bơm phòng mặn tại An Trạch để đưa nước thô ra vòi về 2 nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay sản xuất, cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP; đồ họa: ANH DUY |
Nhiễm mặn ở mức cao
Thực hiện chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Nam về việc tổ chức vận hành các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nhằm đưa dần mực nước các hồ thủy điện lên khoảng mực nước theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, nhà máy thủy điện (NMTĐ) Sông Bung 2 đã và đang dừng vận hành từ ngày 28-4 đến ngày 10-5.
NMTĐ A Vương đã và đang dừng vận hành từ ngày 28-4 đến 29-4 và từ ngày 3-5 đến 10-5 (riêng từ ngày 30-4 đến ngày 2-5, mỗi ngày vận hành liên tục không quá 12 giờ với lưu lượng nước trung bình ngày xả để phát điện không lớn hơn 15m3/s); NMTĐ Sông Bung 4 vận hành xả nước để phát điện mỗi ngày không quá 12 giờ với lưu lượng nước trung bình ngày không lớn hơn 25m3/s...
Việc các NMTĐ xả nước với lưu lượng tối thiểu hoặc dừng vận hành đã làm độ mặn của sông Cẩm Lệ tại cửa thu nước thô vào nhà máy nước Cầu Đỏ gia tăng nhanh, duy trì trên mức 500mg/l từ ngày 29-4 đến nay, trong đó có hơn 60% tổng số giờ duy trì cao hơn 1.000mg/l, cao nhất là 2.485mg/l (gấp 8,2 lần so với quy chuẩn) vào rạng sáng 30-4. Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) vận hành xen kẽ trạm bơm phòng mặn, tuyến ống chuyển tải nước thô cũ (có công suất tối đa 210.000m3/ngày) và trạm bơm phòng mặn, tuyến ống chuyển tải nước thô mới (có công suất tối đa 210.000m3/ngày) để đưa nước ngọt từ sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch về 2 nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay để sản xuất. Đồng thời, thu nước trên bề mặt sông Cẩm Lệ (độ mặn trên bề mặt thấp hơn tầng giữa và tầng sâu), bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố.
Bên cạnh đó, Dawaco đã thông báo khuyến nghị khách hàng cần có biện pháp chủ động tích trữ nước trong giờ thấp điểm, có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý; thường xuyên kiểm tra hệ thống cấp nước sau đồng hồ đo đếm, đề phòng rò rỉ, gây thất thoát nước. Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Minh Nam cho biết: “Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, công suất cấp nước cho thành phố cao nhất là 334.443m3/ngày và chưa xảy ra tình trạng thiếu nước”.
Việc chưa đắp đập tạm ngăn sông Quảng Huế làm nguồn nước sông Vu Gia vẫn chảy về sông Thu Bồn ngay cả khi mực nước sông Vu Gia hạ thấp xuống 1,8m vào sáng 1-5 nên ảnh hưởng đến nguồn nước thô tại trạm bơm An Trạch. Ảnh: H.H |
Tiếp tục vận hành hiệu quả các trạm bơm phòng mặn
Trong những ngày nghỉ lễ, sau khi NMTĐ A Vương dừng vận hành trong hai ngày 28 và 29-4, làm mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch hạ xuống mức thấp nhất là 1,77m vào rạng sáng 1-5 nên có thời điểm, Dawaco chỉ vận hành được 4/11 máy bơm của 2 trạm bơm phòng mặn để đưa nước ngọt về sản xuất, cấp nước sinh hoạt cho thành phố. NMTĐ A Vương đang tiếp tục dừng vận hành từ ngày 3 đến 10-5 làm cho việc bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố đối diện với nguy cơ mất an toàn do 3 nguyên nhân chính: mực nước các sông đang hạ thấp, độ mặn còn gia tăng do thủy triều, nhu cầu sử dụng nước tiếp tục gia tăng do các nhà máy, xí nghiệp... trở lại sản xuất.
Để chủ động ứng phó xâm nhập mặn, cấp nước đủ nhu cầu sử dụng trên địa bàn thành phố, Dawaco tiếp tục tăng cường công tác giám sát chất lượng nước nguồn và bảo an toàn vận hành các nhà máy, chuẩn bị các phương tiện cần thiết phục vụ công tác cấp nước được an toàn.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Minh Nam, nếu mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch tiếp tục hạ thấp thì Dawaco chỉ có thể vận hành được trạm bơm phòng mặn cùng tuyến ống chuyển tải nước thô mới với số lượng máy bơm được huy động là 3/5 máy bơm mới (2 máy bơm mới còn lại là dự phòng).
“Trạm bơm phòng mặn cũ chỉ hoạt động thuận lợi khi mực nước sông từ 1,8m trở lên. Khi đó, cả 2 trạm bơm phòng mặn sẽ cùng cấp nước cho 2 tuyến ống chuyển tải nước thô về 2 nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay sản xuất, bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho thành phố”, ông Hồ Minh Nam cho biết.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà cho rằng, trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, thành phố vẫn được bảo đảm cấp nước sinh hoạt, không xảy ra thiếu nước. Trong những ngày đến, Sở Xây dựng tiếp tục đề nghị Dawaco thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình nhiễm mặn tại cửa thu nước thô vào nhà máy nước Cầu Đỏ cũng như mực nước tại đập dâng An Trạch để vận hành tối đa năng lực hiện có của các trạm bơm phòng mặn trong trường hợp nước sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn nặng. Trong quá trình vận hành, nếu xác định có nguy cơ thiếu nước, Dawaco khẩn trương báo cáo Sở Xây dựng để kịp thời tham mưu các phương án phù hợp, tuyệt đối không để bị động trong việc triển khai các giải pháp cấp nước cho thành phố.
TS. Lê Hùng, giảng viên Khoa xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng nhận định, qua kết quả biến động mực nước mấy ngày qua cho thấy, khi NMTĐ A Vương dừng phát điện thì mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch sẽ giảm rất sâu. Lúc đó trạm bơm phòng mặn cũ tại đây rất khó có đủ chiều cao cột nước để bơm được. Theo quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, khi độ mặn tại cửa thu nước thô vào nhà máy nước Cầu Đỏ hơn 1.000mg/l trong 24 giờ liên tục mà việc khai thác nước thô tại đây không đủ cấp nước sinh hoạt cho thành phố thì Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có thẩm quyền quyết định vận hành xả nước từ các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia. Do đó, thành phố cần đề nghị NMTĐ A Vương xả nước xen kẽ từ ngày 3 đến 10-5 theo hướng 1 ngày xả nước, 1 ngày dừng vận hành. Lưu lượng nước xả để phát điện của NMTĐ Sông Bung 4 và A Vương thì vận hành như công văn của UBND tỉnh Quảng Nam.
HOÀNG HIỆP