Kinh tế

Tìm giải pháp để khơi thông dữ liệu số

19:53, 26/05/2023 (GMT+7)

ĐNO - “Cần thêm các giải pháp để toàn dân tiếp cận với công nghệ số, triển khai có hiệu quả mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình; khơi thông nguồn dữ liệu, tạo ra giá trị mới để cơ sở dữ liệu thật sự là đầu vào của nền kinh tế số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…”

Đó là đề nghị của Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết tại hội thảo chuyển đổi số với chủ đề “Dữ liệu số - thách thức và định hướng” do UBND thành phố tổ chức chiều ngày 26-5. Đồng chủ trì có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh và Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Nguyễn Quang Thanh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội thảo. Ảnh: M.Q
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội thảo. Ảnh: M.Q

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định chuyển đổi số là “động lực”, là “chìa khóa” quan trọng để giải quyết các điểm nghẽn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố nhanh và bền vững trong thời gian đến.

Theo đó, chuyển đổi số đồng bộ trong hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tạo không gian phát triển mới; cuối cùng là giúp cuộc sống, làm việc của người dân, doanh nghiệp được thuận lợi, chất lượng hơn.

Đến nay, kinh tế số đóng góp 17,5% trong cơ cấu GRDP thành phố với tỷ lệ ngành công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân trên 20%/năm), dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố.

Xã hội số từng bước hình thành và phát triển, dần tạo được thói quen, kỹ năng số trong người dân, góp phần đưa thành phố Đà Nẵng 2 năm liên tiếp xếp hạng Nhất chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); 3 năm liên tiếp đạt giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam ở hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”; 3 năm liên tiếp đạt giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam; chứng nhận cơ quan nhà nước tiêu biểu thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 17-9-2019 của Bộ Chính trị và Chương trình chuyển đổi số quốc gia tại Diễn đàn Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam…

Tuy nhiên, so với mục tiêu, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra, công tác triển khai chuyển đổi số trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn còn gặp nhiều rào cản, vướng mắc liên quan đến chính sách, khung pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, nguồn nhân lực..., nhất là dữ liệu số hiện nay của thành phố còn rời rạc, chưa bảo đảm độ tin cậy, chất lượng chưa cao, tính khả dụng thấp; việc chia sẽ dữ liệu còn hạn chế.

Vì vậy, thành phố rất cần lắng nghe các ý tưởng, tư vấn, hiến kế và đề ra các định hướng, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chuyển đổi số của thành phố, nhất là giải pháp đồng bộ, chuẩn hóa, số hóa, chia sẻ các cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực bảo đảm an toàn, công khai.

Cần có giải pháp để toàn dân tiếp cận với công nghệ số, triển khai có hiệu quả mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình; giải pháp để “khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới” để cơ sở dữ liệu thật sự là đầu vào của nền kinh tế số góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đây cũng chính là chủ đề chuyển đổi số năm 2023 của thành phố Đà Nẵng.

Lãnh đạo thành phố tặng hoa cho các chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: M.Q - C.T
Lãnh đạo thành phố tặng hoa cho các chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: M.Q - C.T

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông tin, năm 2022, tổng số giao dịch qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) của Đà Nẵng khoảng 194.344 triệu lượt. Đà Nẵng đã kết nối 10 dịch vụ và sử dụng chính thức 6 dịch vụ. 5 tháng đầu năm 2023, tổng số giao dịch qua NDXP của Đà Nẵng khoảng 199.504 triệu lượt. Đà Nẵng đã kết nối 11 dịch vụ.

Định hướng năm 2023 của Đà Nẵng về dữ liệu số là: người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; doanh nghiệp được khai thác dữ liệu mở do cơ quan Nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh; cơ quan Nhà nước sử dụng dữ liệu, đặc biệt dữ liệu từ máy sinh ra theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp.

Ông Nguyễn Phú Tiến đề nghị Đà Nẵng cần sớm ban hành các kế hoạch cung cấp dữ liệu mở, danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố; xây dựng kế hoạch triển khai năm dữ liệu của thành phố trên cơ sở kế hoạch năm dữ liệu của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia; triển khai các nội dung quản trị, khai thác, chia sẻ dữ liệu theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9-4-2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: C.T
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: C.T

Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị chuyển đổi số mang lại; xác định chuyển đổi số là động lực mới, tạo ra không gian phát triển mới cho thành phố, đặc biệt là thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2023.

Các đơn vị cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về dữ liệu, xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng, càng chia sẻ, khai thác dùng chung thì càng tạo ra giá trị, đưa dữ liệu trở thành thành phần cốt lõi trong mọi hoạt động chỉ đạo, điều hành và ra quyết định của mỗi cơ quan, đơn vị.

Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố sớm trình, ban hành kế hoạch quản trị và phát triển hạ tầng dữ liệu, trong đó xác định rõ mô hình quản trị dữ liệu với nguyên tắc dữ liệu số là tài sản chung của thành phố, phải được chia sẻ, khai thác, sử dụng chung.

Các đơn vị, địa phương tổ chức thường xuyên các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số, trước hết cho đối tượng là lãnh đạo các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể; tổ chức đào tạo tập huấn kỹ năng số cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, gương mẫu thực hiện chuyển đổi số, nhất là số hóa, tạo lập dữ liệu số cho cơ quan, đơn vị mình.

MAI QUẾ - CHIẾN THẮNG

 

.