Kinh tế
Lý do chưa thực hiện giãn chu kỳ kiểm định với xe ô tô kinh doanh vận tải
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, chậm nhất đến ngày 15-6 tới sẽ có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh đề xuất giãn chu kỳ kiểm định đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, nếu hệ số an toàn vẫn có thể đáp ứng.
Hoạt động đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 70.01S (TP Tây Ninh). Ảnh: Thanh Tân/TTXVN |
Trước đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề xuất và được thông qua việc giãn chu kỳ đăng kiểm với xe ô tô không kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ (xe gia đình), nhưng không lựa chọn giãn chu kỳ kiểm định cho xe kinh doanh vận tải.
Giải thích lý do không xem xét giãn chu kỳ kiểm định cho xe kinh doanh vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, nhóm phương tiện này có cường độ sử dụng nhiều. Một phương tiện có thể do nhiều người sử dụng, chế độ bảo dưỡng, chăm sóc, bảo quản chưa tốt. Thực tế cho thấy, theo số liệu thống kê kiểm định, tỷ lệ đạt ngay từ lần kiểm định thứ nhất đối với nhóm phương tiện này là rất thấp (thời điểm thấp nhất là 67,6%).
Với tiêu chí đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân, Cục Đăng kiểm Việt Nam hết sức thận trọng trong việc lựa chọn giải pháp khi thực hiện. Vì vậy, Cục đã thống nhất đề xuất Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT và Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT cho phép xe ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (xe gia đình, xe cá nhân) được giãn chu kỳ kiểm định.
Lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm 29.04V (Đường Võ Văn Kiệt, xã Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) cho rằng, quy định này là phù hợp với các xe cá nhân có tỷ lệ đạt cao khi kiểm định lần đầu (khoảng 95%) bởi chủ xe quan tâm bảo dưỡng và cường độ sử dụng thấp hơn so với xe kinh doanh vận tải.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, sau khi Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT được Bộ Giao thông vận tải ban hành và có hiệu lực từ ngày 3/6/2023 cho phép tự động giãn chu kỳ đăng kiểm với xe gia đình, tình trạng ùn tắc đăng kiểm đã hạ nhiệt, lượng xe có nhu cầu đến kiểm định tại các Trung tâm đăng kiểm giảm rõ rệt.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo các Trung tâm đăng kiểm ưu tiên kiểm định cho xe kinh doanh vận tải và các xe đã hết hạn kiểm định, nhưng chưa được kiểm định. Điều này nhằm đảm bảo sớm khai thác vận tải, giảm thiểu các thiệt hại không đáng có cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng yêu cầu các Trung tâm đăng kiểm chủ động liên lạc với các chủ phương tiện để có thể đẩy nhanh việc kiểm định sau khi nhiều xe gia đình đã được tự động gia hạn.
Đối với kiến nghị tính chu kỳ kiểm định xe theo km, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định, chu kỳ kiểm định ô tô được thiết lập dựa trên các nghiên cứu và thông tin khoa học về tuổi thọ và an toàn của các thành phần trên xe ô tô. Các đơn vị quản lý và các tổ chức kiểm định xe ô tô trên thế giới đã phát triển các quy định và hướng dẫn về chu kỳ kiểm định xe ô tô dựa trên 3 yếu tố chủ yếu.
Đó là năm sản xuất xe bởi các nghiên cứu đã chứng minh rằng các thành phần trên xe ô tô như: động cơ, hệ thống treo, hệ thống phanh và hệ thống lái sẽ có xu hướng hư hỏng và hao mòn theo thời gian. Đặc biệt, lốp xe, các chi tiết bằng cao su, linh kiện kim loại, dầu bôi trơn… là những chi tiết có thể bị lão hóa theo thời gian, kể cả trường hợp không sử dụng xe. Do đó, các chu kỳ kiểm định xe ô tô được thiết lập dựa trên năm sản xuất của xe.
Tiếp đến là tần suất sử dụng xe bởi thực tế chứng minh qua các nghiên cứu, các thành phần trên xe ô tô sẽ chịu tác động lớn hơn và hao mòn nhanh hơn khi xe được sử dụng với tần suất lớn (các loại xe dịch vụ taxi, xe khách, xe tải…).
Cuối cùng là môi trường hoạt động, xe ô tô hoạt động trong môi trường nhiều bụi bẩn, đất đá, hoặc môi trường có độ ẩm cao, độ muối cao cũng có xu hướng hư hỏng nhanh hơn so với xe hoạt động trong môi trường khô ráo và sạch sẽ.
Dựa trên các yếu tố trên, các quy định và hướng dẫn về chu kỳ kiểm định xe ô tô khác nhau sẽ được áp dụng trong các quốc gia và khu vực khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, điểm chung của các quy định này là đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khỏe của người lái xe và người đi đường.
"Chỉ số quãng đường xe đã chạy (km trên đồng hồ) chỉ là một trong rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định chu kỳ kiểm định nên không thể quyết định việc kiểm định chỉ dựa trên chỉ số này”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.
Ngoài ra, theo thống kê của Tổ chức đăng kiểm ô tô Quốc tế (CITA), nhiều quốc gia trên thế giới đều quy định thời hạn kiểm định của xe ô tô theo thời gian sử dụng với chu kỳ khác nhau phụ thuộc vào mục đích sử dụng (xe cá nhân, xe kinh doanh).
Vì vậy, việc quy định thời hạn kiểm định phương tiện theo thời gian sử dụng như hiện nay tại Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế, dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn và thuận tiện cho công tác quản lý.
Về vấn đề này, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho biết, hầu hết các nhà sản xuất ô tô hiện nay đều tính thời hạn phương tiện cần bảo hành, bảo dưỡng dựa trên 2 tiêu chí: số km xe chạy hoặc thời gian sử dụng, tiêu chí nào đến trước thì chủ xe đưa ô tô đi bảo hành thời điểm đó.
"Chất lượng kỹ thuật phương tiện sẽ suy giảm theo cả 2 yếu tố: số km vận hành và thời gian bảo quản. Do đó, không phải cứ ít đi, xe sẽ đảm bảo an toàn kỹ thuật”, ông Phúc nhìn nhận.
Việc tính chu kỳ kiểm định theo thời gian như hiện nay là phù hợp cả về mặt quản lý và kỹ thuật. Trên thực tế, việc tính chu kỳ kiểm định xe theo số km rất khó khả thi vì hiện chưa có chế tài, quy định nào để kiểm soát số km hiển thị trên ô tô là đúng và chính xác. Điều này còn có thể dẫn đến tình trạng gian lận chu kỳ kiểm định thông qua việc điều chỉnh số km.
“Ngay cả nhà sản xuất ô tô cũng không thể kiểm soát được việc gian lận km xe chạy. Nếu đưa ra đề xuất này cần có chế tài kiểm tra để xác định được chính xác số km xe chạy nhằm hạn chế hoàn toàn việc gian lận, từ đó tránh tiêu cực đăng kiểm”, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho biết.
Trước đó, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị xem xét giãn chu kỳ kiểm định đối với xe kinh doanh vận tải nếu hệ số an toàn vẫn có thể đáp ứng. Đồng thời, kiến nghị xem xét, nghiên cứu về việc chia chu kỳ kiểm định dựa trên mốc km xe đã chạy, tránh trường hợp xe không hoạt động nằm bãi, nhưng đến chu kỳ xe vẫn phải đi kiểm định.
Trước kiến nghị này, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cơ quan liên quan xem xét các kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sau khi Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT có hiệu lực, đến ngày 9/6, hệ thống quản lý của Cục đã đưa lên mạng 230 nghìn giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận và tem kiểm định cho các xe có hạn kiểm định đến ngày 16/7/2023. Đến nay, số lượt file giấy xác nhận đã được người dân tải xuống là hơn 35.600 giấy.
Theo TTXVN