Kinh tế
Phát triển vận tải miền Trung đến năm 2030 đồng bộ, hiện đại
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Kế hoạch phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch vận tải miền Trung đến năm 2030 sẽ xây dựng thêm 2 sân bay mới. |
Hình thành trung tâm logistics hàng không
Theo kế hoạch phát triển vận tải miền Trung của Bộ GTVT, đến năm 2023, Bộ sẽ ưu tiên phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Đến năm 2030, khu vục này sẽ xây dựng mới Cảng hàng không Phan Thiết và Cảng hàng không Quảng Trị; kết hợp nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác 9 cảng hàng không hiện có trong vùng. Cũng trong giai đoạn này, Bộ GTVT sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương liên quan đầu tư xây dựng Trung tâm logistics hàng không gắn với sân bay quốc tế Đà Nẵng và Chu Lai; bố trí các trung tâm logistics tại các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn/năm. Các trung tâm logistics đảm bảo các điều kiện về kho vận và kết nối các loại hình giao thông thích hợp để vận tải hàng hóa tại các cảng hàng không Đà Nẵng, Chu Lai.
Bộ GTVT cũng sẽ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phương tiện chở container trên đường sắt, đường thuỷ nội địa; đổi mới, hiện đại hóa các phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ và nâng cao chất lượng dịch vụ xếp dỡ; kết nối hoạt động vận tải để thúc đẩy phát triển vận tải các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố trong vùng.
Đáng chú ý, việc huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng sân bay Quảng Trị (khoảng 3.800 tỷ đồng) và sân bay Phan Thiết (khoảng 4.800 tỷ đồng) sẽ được Bộ GTVT tính toán dựa trên dự báo nhu cầu vận tải thực tế, khả năng nguồn lực đầu tư để huy động tối đa các nguồn vốn theo phương thức đối tác PPP, trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước hạn chế. Để hấp dẫn được nhà đầu tư, Bộ GTVT đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cơ chế đảm bảo giá đầu ra, cơ chế thu hút hành khách, hỗ trợ phát triển thị trường…
Hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư hạ tầng vận tải
Để triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển vận tải khu vực 14 tỉnh miền Trung theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh, Bộ GTVT đang hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng các lĩnh vực GTVT theo hướng ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, đặc biệt là hành lang Bắc Nam và các hành lang kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế nhằm tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics; đồng thời, đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics.
Thông qua việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh kết nối dịch vụ vận tải giữa các phương thức vận tải; tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa - quốc tế.
Về dịch vụ vận tải, Bộ GTVT sẽ tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch vận tải, logistics, tạo điều kiện kết nối giữa đơn vị vận tải và chủ hàng, tăng tính minh bạch của thị trường vận tải, nâng cao hiệu quả khai thác.
Về hạ tầng, Bộ GTVT sẽ huy động mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng thiết yếu tạo động lực thu hút doanh nghiệp vận tải. Hỗ trợ, kiến tạo cho việc hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp vận tải của các chuyên ngành để cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ logistics liên hoàn và hình thành những doanh nghiệp lớn về logistics. Tăng cường kết nối dịch vụ vận tải đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác bằng các hình thức xã hội hóa đầu tư hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông kết nối tại các cảng đầu mối.
Bộ GTVT cũng sẽ tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 trong tất cả các lĩnh vực hoạt động giao thông vận tải: công tác quản lý nhà nước, quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics. Ưu tiên triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng suất lao động, tăng cường năng lực khai thác hạ tầng, phương tiện và cải cách thủ tục hành chính.
Theo Baotintuc.vn