Quản lý, sử dụng nhà, đất công

.

Các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý quỹ đất, nhà công sản; xử lý các trường hợp chiếm dụng và yêu cầu các trường hợp sử dụng đất tạm, bàn giao lại mặt bằng để chuẩn bị đưa vào đấu giá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thành phố tiếp tục sắp xếp, xử lý nhà, đất công sản để phục vụ các mục đích sử dụng của các ngành, địa phương, cộng đồng...

Khu đất lớn ở góc đường Như Nguyệt và đường gom bên hông cầu Thuận Phước (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) đã không còn làm bãi đỗ xe tạm để chuẩn bị đưa ra đấu giá chuyển quyền sử dụng đất. Ảnh: HOÀNG HIỆP; Đồ họa: A.DUY
Khu đất lớn ở góc đường Như Nguyệt và đường gom bên hông cầu Thuận Phước (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) đã không còn làm bãi đỗ xe tạm để chuẩn bị đưa ra đấu giá chuyển quyền sử dụng đất. Ảnh: HOÀNG HIỆP; Đồ họa: A.DUY

Theo kế hoạch sử dụng đất của quận Ngũ Hành Sơn, trong năm 2023, trên địa bàn quận có 28 lô, khu đất ở tại đô thị, 2 khu đất thương mại - dịch vụ, 1 khu đất có mục đích sử dụng làm bãi đỗ xe và 1 khu đất xây trường mẫu giáo sẽ đưa ra đấu giá. Theo ghi nhận thực tế, hầu hết các khu, lô đất công nói trên đang để trống, không có việc xây dựng nhà tạm hoặc bị người dân chiếm dụng để sử dụng các mục đích khác.

Tại quận Hải Châu, nhiều lô đất trống dọc đường 30 Tháng 4, Nguyễn Hữu Thọ... đang được người dân tận dụng để trồng các loại cây. Khu đất rộng hơn 2,44ha ở góc đường Như Nguyệt và đường gom bên hông cầu Thuận Phước đã không còn sử dụng tạm làm bãi đỗ xe để chuẩn bị đấu giá đất, kêu gọi đầu tư Khu dịch vụ liên kế nhà ở phía trước Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1). Trong khi đó, tại 2 khu đất ở góc đường Trịnh Công Sơn - Tiên Sơn 9 và Trịnh Công Sơn - Tiên Sơn 10 (quận Hải Châu), dù Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng đã cắm biển thông báo nghiêm cấm xây dựng, lấn chiếm trái phép đổ rác thải, xà bần..., nhưng hiện có một số lều, quán tạm, dù che của người dân sử dụng để kinh doanh.

Tại quận Sơn Trà, đầu tháng 4-2023, Văn phòng UBND quận Sơn Trà ban hành thông báo truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận giao UBND các phường phối hợp Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận tăng cường công tác kiểm tra, giám sát địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp chiếm đất công để vật dụng tạm, dựng tạm công trình…

Qua kiểm tra, rà soát của UBND các phường trong thời gian từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5-2023, có tổng cộng 214 lô đất tái định cư, khu đất bị dựng nhà tạm, quán tạm, mái che, nhà kho, nhà container... trái phép. Theo báo cáo của UBND phường Mân Thái, trên địa bàn phường có 55 trường hợp dựng kho, quán, nhà tạm... trên các lô đất tái định cư chưa được bố trí cho các hộ giải tỏa; UBND phường đã gửi thông báo yêu cầu các hộ dân tự tháo dỡ.

Còn theo UBND phường Phước Mỹ, trên địa bàn phường có 81 lô đất tái định cư chưa được bố trí cho hộ giải tỏa, trong đó có 7 lô bị các hộ dân tự ý che chắn kinh doanh tạm đã được UBND phường tháo dỡ; còn đối với các lô đất lớn đã xử lý tháo dỡ công trình tạm, vật kiến trúc trên đất vào tháng 3-2023 thì phường thường xuyên kiểm tra, không để tái lấn chiếm, xả rác gây ô nhiễm môi trường và để nguyên hiện trạng theo ý kiến của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc Nguyễn Thị Thùy Dương cho hay: “Qua kiểm tra, rà soát, trên địa bàn phường có 38 lô đất tái định cư bị người dân lấn chiếm, lắp dựng các công trình tạm. Phường đã tổ chức vận động cũng như huy động lực lượng tháo dỡ từng bước và đến nay đã thực hiện gần xong”.

Trụ sở cũ của Bệnh viện Phục hồi chức năng (ven đường Võ Nguyên Giáp) đang bị bỏ hoang 4 năm nay.  Ảnh: H.H
Trụ sở cũ của Bệnh viện Phục hồi chức năng (ven đường Võ Nguyên Giáp) đang bị bỏ hoang 4 năm nay. Ảnh: H.H

Hiện nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng đang quản lý hơn 14.000 lô đất tái định cư đang để trống. Trong đó, có 200 lô đất tái định cư đang và sắp được đưa ra đấu giá; 572 lô đất có tim đường đâm thẳng vào đất đang được các cơ quan, địa phương đề xuất xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, công cộng; 3.364 lô đất được đề xuất hợp thửa để xây dựng nhà ở xã hội, công trình công cộng, thiết chế văn hóa, phúc lợi xã hội.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng Huỳnh Tấn Quang, đơn vị đang phối hợp với các địa phương kiểm tra các lô đất tái định cư và khu đất lớn để xử lý tình trạng chiếm dụng trái phép, ô nhiễm môi trường và triển khai thực hiện đề án Quản lý và khai thác quỹ đất công mà UBND thành phố đã phê duyệt tại Quyết định số 2210/QĐ-UBND ngày 19-8-2022.

Ngoài quỹ đất tái định cư và các khu đất lớn, thành phố còn có quỹ nhà, đất công sản. Theo Sở Tài chính, UBND thành phố đã phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý 1.601 cơ sở nhà, đất công, trong đó, tiếp tục giữ lại, sử dụng 1.443 cơ sở nhà đất, gồm: 1.382 cơ sở nhà, đất  làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, kho tài liệu, sinh hoạt cộng đồng; 61 cơ sở được chuyển mục đích sử dụng sang làm nhà sinh hoạt cộng đồng.

Thành phố thu hồi 18 khu đất, cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương; điều chuyển 11 cơ sở nhà, đất sang ngành công an để làm trụ sở công an các phường, xã; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với 44 cơ sở nhà, đất; chuyển giao cho UBND các quận, huyện quản lý, sử dụng 10 cơ sở nhà, đất để làm trụ sở làm việc cho các đơn vị trực thuộc và sử dụng vào mục đích sinh hoạt cộng đồng...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.