Kinh tế
Kỳ vọng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp mới
Ngày 22-6-2023, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1321/QĐ-UBND về phê duyệt đề án Nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp mới (Hòa Cầm- giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh). Theo đó, 3 khu công nghiệp mới có tổng diện tích khoảng 880ha và được định hướng theo những mục tiêu cụ thể.
Các khu công nghiệp mới ưu tiên thu hút dự án có công nghệ hiện đại, tiên tiến. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam. Ảnh: M.Q |
Thêm 3 khu công nghiệp mới
Cơ sở hạ tầng công nghiệp của Đà Nẵng hiện có 2.325ha bao gồm Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu Công nghệ thông tin tập trung và 6 khu công nghiệp (KCN): Hòa Khánh, Hòa Cầm, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu, Đà Nẵng và Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng. Bên cạnh 6 KCN đang hoạt động, 3 KCN sẽ được đưa vào khai thác trong thời gian tới: KCN Hòa Nhơn (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), KCN Hòa Ninh (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) và KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2 (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ và xã Hòa Nhơn).
Như vậy, tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn thành phố có 9 KCN được định hình với 7 KCN nằm trong quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam, 1 KCN được chuyển đổi một phần (KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng) và 1 KCN chuyển đổi nằm ngoài quy hoạch các KCN thành phố Đà Nẵng giai đoạn tới (KCN Đà Nẵng). Theo Quyết định số 1321/QĐ-UBND, bên cạnh 3 KCN mới trên, định hướng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố bổ sung vào quy hoạch 1 KCN mới. Tổng diện tích 4 KCN mới dự kiến khoảng 1.227,58ha.
Thành phố sẽ xem xét hình thành danh mục ưu tiên thu hút đầu tư tại các KCN mới tương thích với cơ cấu của các khu hạ tầng công nghiệp tập trung ở khu vực lân cận như cụm Hòa Nhơn - Hòa Cầm giai đoạn 1 - Hòa Cầm giai đoạn 2 hay cụm Hòa Ninh - Khu Công nghệ cao - Khu Công nghệ thông tin tập trung - cụm công nghiệp Hòa Liên để hình thành các cụm liên kết hay các khu công nghiệp vệ tinh để thu hút các doanh nghiệp thuộc chuỗi giá trị để hoạt động thành một chuỗi sản xuất hoàn chỉnh.
Cụ thể: KCN Hòa Ninh với quy mô 400,02ha với nhóm ngành công nghiệp điện tử, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm… phấn đấu thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 100 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 5 triệu USD/ha. KCN Hòa Nhơn có quy mô 360,1ha với nhóm ngành nghề công nghiệp nhẹ, vật liệu xây dựng cao cấp... phấn đấu thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 60 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 4 triệu USD/ha. KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2 với quy mô 120,019ha, ưu tiên thu hút nhóm ngành nghề lắp ráp cơ khí, chế tạo phụ tùng điện và điện tử… phấn đấu thu hút ít nhất 1 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 50 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 4 triệu USD/ha.
Việc bổ sung, đầu tư mới các khu công nghiệp mang nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q |
Lợi thế để kêu gọi nhà đầu tư
Trước thông tin trên, các doanh nghiệp bày tỏ kỳ vọng về định hướng thu hút đầu tư của thành phố.
Ông Bùi Đức Lợi, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm (chủ đầu tư KCN Hòa Cầm - giai đoạn 1), cho biết việc sớm hình thành các KCN mới là yêu cầu cấp thiết vì có một số doanh nghiệp trong KCN Hòa Cầm - giai đoạn 1 mong muốn giới thiệu các doanh nghiệp đối tác đầu tư tại các KCN mới của Đà Nẵng. KCN Hòa Cầm - giai đoạn 1 có tổng diện tích đất theo quy hoạch là 149,83ha (bao gồm phần mở rộng 13,1ha) với diện tích đất khai thác 107,07ha.
Hiện KCN thu hút được 74 dự án với tổng diện tích đất thuê là 92,75ha/96,13ha (đạt 96,5% so với tổng diện tích đất cho thuê theo quy hoạch). Doanh nghiệp đã đăng ký và tham gia dự sơ tuyển dự án KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2 vì có nhiều thuận lợi như hạ tầng kỹ thuật KCN Hòa Cầm - giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thiện với nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất 2.000m3/ngày đêm và hệ thống thoát nước thải (dài 2km)... Các hạ tầng này sẽ khớp nối đồng bộ khi triển khai đầu tư KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2.
Để nhiều nhà đầu tư biết thêm thông tin về các KCN mới, ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu), cho rằng thành phố cần tuyên truyền, tăng cường xúc tiến hơn nữa về quỹ đất và nguồn lao động, làm sao để nhà đầu tư nắm được thông tin thành phố đang có quỹ đất công nghiệp và có thị trường lao động ổn định, chính sách đầu tư thông thoáng. Nhìn chung, 3 KCN mới có vị trí thuận lợi cũng như định hướng kêu gọi đầu tư của thành phố phù hợp sẽ là lợi thế để kêu gọi nhà đầu tư.
Trong khi đó, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, kỳ vọng việc thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính và năng lực kinh nghiệm, sử dụng công nghệ cao đầu tư vào thành phố sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người dân địa phương…
Ông Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (ban quản lý), thông tin, thời gian đến, ban quản lý phấn đấu hoàn thành các thủ tục để lựa chọn được nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với các KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2 theo phương thức đấu thầu rộng rãi đã được UBND thành phố phê duyệt; tiếp tục tham mưu, triển khai thủ tục để trình Thủ tướng phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với KCN Hòa Ninh; phối hợp với các đơn vị để hoàn thành điều chỉnh quy hoạch KCN Hòa Nhơn. Bên cạnh đó, ban quản lý tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai các nội dung khác về các khu công nghiệp như chuyển đổi mục đích sử dụng KCN Đà Nẵng, KCN Hòa Khánh thành KCN sinh thái; rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, sử dụng không đúng mục đích trong các KCN...
MAI QUẾ