Kinh tế

Phát triển nền tài chính xanh, kinh tế xanh bền vững

18:11, 08/07/2023 (GMT+7)

ĐNO - Chiều 8-7, tại Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam chung tay kiến tạo kinh tế xanh” nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước thảo luận, chia sẻ thông tin về mục tiêu phát triển nền tài chính xanh, kinh tế xanh bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, trước xu thế biến đổi khí hậu và bối cảnh toàn cầu mới, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta phải chuyển sang một giai đoạn mới, cần được đặt ở vị trí trung tâm, hướng tới thực hiện mục tiêu toàn cầu và được thực hiện hiệu quả, thực chất và minh bạch để thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Trước đó, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), nhiều nền kinh tế lớn đưa ra cam kết tài chính mới. Hơn 450 ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và các công ty tài chính (quản lý vốn tới 130.000 tỷ USD) đã cam kết sử dụng quỹ của họ để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (không) vào năm 2050.

Lãnh đạo các quốc gia đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc tham gia chuyển đổi kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Trong bối cảnh đó, Việt Nam thời gian qua đã đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” (phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường) sang “xanh” (sử dụng các nguồn tài nguyên có thể tái tạo, phát thải thấp).

Việt Nam đã tham gia 100 khuôn khổ hợp tác đa phương, trong đó có nhiều khuôn khổ hợp tác đóng vai trò chủ động, dẫn dắt; ký kết gần 20 điều ước quốc tế về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vào tháng 12-2022, Chính phủ Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) đã chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); theo đó, IPG sẽ huy động số tiền ban đầu ít nhất là 15,5 tỷ USD trong vòng 3-5 năm tới.

“Đây là cơ hội để chúng ta tiếp cận các nguồn tri thức, công nghệ, tài chính để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cũng như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng đề án triển khai Tuyên bố JETP trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để thúc đẩy phát triển xanh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Các chính sách này từng bước thể chế hóa các cam kết quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp và người dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, carbon thấp”, Thứ trưởng Lê Công Thành thông tin.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam có định hướng xuất khẩu, nguy cơ hiện hữu ngay trước mắt là khó khăn trong xuất khẩu vào thị trường EU và Hoa Kỳ nếu không có sự chuẩn bị để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh ngày càng được nâng cao.

Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng cạnh tranh trong bối cảnh mới; đồng thời, không làm mất đi các lợi thế vốn có.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu, cập nhật các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về phát trển kinh tế xanh; các quy định về ứng với biến đổi khí hậu để có kế hoạch, lộ trình phát triển xanh, chuẩn bị sẵn sàng cho việc tham gia thị trường carbon trong nước.

Đồng thời, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân theo hướng xanh và bền vững.

Trước các yêu cầu khắt khe của các thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần nắm bắt cập nhật thông tin, cải tiến quy trình sản xuất; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên để nhanh chóng đáp ứng được xu thế mới, đạt được lợi thế cạnh tranh.

Cùng với đó, tiếp cận và sử dụng các nguồn tài chính xanh, bền vững phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí vốn và đạt hiệu quả cao.

“Các nhà lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty hàng đầu của Việt Nam cần tiếp tục đồng hành với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan Chính phủ để phát huy nội lực, tận dụng cơ hội từ yêu cầu về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể cùng cộng đồng quốc tế chuyển hóa thành công được những thách thức, vượt qua khủng hoảng kép, góp phần đưa đất nước tiến bước trên con đường phát triển bền vững”, Thứ trưởng Lê Công Thành nói.

Tại hội thảo, Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú chia sẻ, với vai trò của ngân hàng thương mại Nhà nước, BIDV luôn xác định trách nhiệm là đơn vị tiên phong trong thực thi các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, sẵn sàng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia.

Lãnh đạo BIDV cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để tư vấn và giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm tài chính bền vững.

Đồng thời, BIDV sẵn sàng là cầu nối giữa các bên liên quan; các cơ quan quản lý; tổ chức tài chính trong và ngoài nước và các doanh nghiệp nhằm kết nối các cơ hội hợp tác trong tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó góp phần phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái tài chính bền vững tại Việt Nam.

HOÀNG HIỆP

.